Mức tăng 30% đối với lương cơ sở là mức tăng cao nhất trong lịch sử từ trước tới nay. Với mức tăng này, không chỉ cuộc sống của nhiều gia đình cán bộ, công nhân viên chức sẽ thở hơn mà hàng chục triệu người đang hưởng chính sách, chế độ gắn với mức lương cơ sở cũng có điều kiện để cải thiện cuộc sống của mình.

Song, cùng với niềm vui tăng thu nhập bình quân, câu chuyện khiến nhiều người lo ngại là giá cả các loại hàng hóa cũng tăng, thậm chí còn tăng trước mỗi kỳ tăng lương.

Thực tế, tại nhiều khu chợ trên địa bàn thành phố Hà Nội, giá cả đã bắt đầu tăng nhẹ tập trung vào các mặt hàng thiết yếu như lương thực thực phẩm, rau xanh… Trong khi đó, tại các siêu thị, giá cả vẫn được giữ tương đối bình ổn.

“Giá trứng cách đây nửa tháng khoảng 25.000 – 27.000 đồng/chục thì nay lên 32.000 – 33.000 đồng/chục. Thịt heo cũng lên mức trung bình 120.000 – 130.000 đồng/kg tùy loại. Chủ nhà sẽ tăng tiền nhà, tăng tiền nước, năm ngoái 40 nghìn thì năm nay 50 nghìn rồi” - chị Đinh Hồng Hạnh ở quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội chia sẻ.

Tuy nhiên, theo ông Ngô Trí Long – chuyên gia kinh tế, tăng lương không phải là nguyên nhân chính mà giá cả thị trường biến động do nhiều yếu tố.

“Thời gian gần đây, giá thịt lợn, lúa gạo - là 2 mặt hàng chính đều tăng giá. Giá lúa thì tháng 4 đến nay tăng liên tiếp do điều chỉnh của thế giới, giá thịt lợn cũng đà tăng do biến động của dịch bệnh” – ông Long dẫn chứng.

Tuy nhiên, tăng lương cơ sở lần này ở mức cao nên cũng không loại trừ nhiều đối tượng lợi dụng chính sách này để đẩy giá hàng hóa, dịch vụ tăng cao. Để kiểm soát tình trạng này, chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long nhấn mạnh: cơ quan quản lý cần làm tốt công tác thanh tra kiểm tra quá trình niêm yết giá, trong đó kiểm tra yếu tố hình thành giá. Lực lượng quản lý thị trường kiểm tra kiểm soát hàng hóa, hạn chế tình trạng “té nước theo mưa”, kiên quyết xử lý nghiêm các hành vi vi phạm.

Về nỗi lo lạm phát khi lương có sự điều chỉnh tăng kỷ lục, theo quan điểm cá nhân, ông Long cho rằng: khả năng tác động đến lạm phát rất nhỏ.

“Dù lạm phát vẫn trong tầm kiểm soát, nhưng không thể chủ quan, lơ là trong điều hành, cần kịp thời thông tin, tuyên truyền, công khai, minh bạch về giá cả các mặt hàng để kiểm soát lạm phát kỳ vọng”, - ông Long nói.

Để kiểm soát lạm phát nhằm hỗ trợ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế năm 2024, vị chuyên gia này cho rằng, cần theo dõi sát diễn biến thị trường từng mặt hàng, đặc biệt là các hàng hóa, dịch vụ thiết yếu. Đồng thời, chủ động rà soát các phương án điều chỉnh giá các mặt hàng do Nhà nước quản lý, các dịch vụ công đang triển khai lộ trình thị trường; đánh giá kỹ tác động đối với mặt bằng giá, mục tiêu kiểm soát lạm phát để có phương án điều chỉnh giá phù hợp…

Mặt khác, theo vị chuyên gia này, tại cuộc họp mới đây, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ mục tiêu trong năm 2024 là phấn đấu tăng trưởng GDP đạt cận trên, lạm phát ở cận dưới so với mục tiêu đã đề ra (mục tiêu tăng trưởng từ 6 - 6,5% và lạm phát từ 4 - 4,5%).

“Với đà tăng CPI từ đầu năm đến nay, việc giữ CPI ở mức dưới 4% là thách thức không nhỏ, trong đó, cùng với chính sách tăng lương, yếu tố đáng chú ý là đà tăng tỷ giá USD/VND làm tăng chi phí nhập khẩu nguyên nhiên vật liệu. Trong nỗ lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, cần hết sức cẩn trọng với việc điều hành chính sách tiền tệ để kiểm soát nguồn cung tiền trong nền kinh tế, hài hòa giữa chính sách lãi suất và tỷ giá. Đồng thời, cần sẵn sàng các kịch bản và giải pháp ứng phó cho từng tình huống phát sinh; hướng đến những mục tiêu đã định” - ông Long nói.

Mời các bạn nghe nội dung chi tiết cuộc phỏng vấn của PV VOV2 với PGS.TS Ngô Trí Long - chuyên gia kinh tế tại đây: