Sáng ngày 8/6, tổ chức Samaritan’s Purse Hoa Kỳ - Văn phòng Đại diện tại Việt Nam phối hợp với Trung tâm Giáo dục Nghề nghiệp – Giáo dục Thường xuyên Nguyễn Văn Tố tổ chức sự kiện "Ngày hội việc làm - Employment workshop" nhằm kết nối cơ hội việc làm giữa các tổ chức doanh nghiệp với người khiếm thị từ đó thúc đẩy sự tham gia của nhóm yếu thế vào thị trường lao động.

Không có thảm đỏ chờ sẵn bất kỳ ai

Theo thống kê của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, hiện nay Việt Nam có khoảng 7 triệu người khuyết tật, chiếm 7% dân số từ 2 tuổi trở lên. Số người khuyết tật còn trong độ tuổi lao động là 61%, trong đó 40% còn khả năng lao động. Tuy nhiên, chỉ có 31,7% người khuyết tật từ 15 tuổi trở lên có việc làm so với 83,8% người không khuyết tật.

"Cơ hội học tiếp lên cao đẳng, đại học ngày càng cao nhưng không đảm bảo chúng tôi sẽ xin được công việc đúng chuyên môn" - Nguyễn Đức Nghị vừa tốt nghiệp Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam nói thêm rằng, để duy trì cuộc sống ở Hà Nội sau khi tốt nghiệp, các em vẫn phải làm thêm nghề tầm quất tại các cơ sở.

Không phải lý do chuyên môn mà rào cản từ dạng tật khiến các nhà tuyển dụng lo ngại khả năng thích ứng và làm việc của lao động khiếm thị. Bởi khi tuyển lao động khuyết tật, cơ sở làm việc phải đáp ứng điều kiện hạ tầng, vật chất như lối đi, chỉ dẫn có chữ nổi trong tòa nhà.

"Khi tôi làm việc ở UNDP là môi trường rất thân thiện dành cho người khuyết tật, ở đó có nhiều dạng tật: khiếm thị, khiếm thính, khuyết tật vận động...Nhưng không phải ngay từ đầu cơ sở vật chất ở đó đã tiếp cận cho tất cả" - chị Đào Thu Hương, cán bộ UNDP Việt Nam chia sẻ - "Trong văn phòng của tôi, có những trục trặc kỹ thuật về trình đọc màn hình của người khiếm thị, tôi chia sẻ với đồng nghiệp, một chị bảo là "chị có thấy ai kêu ca lên hệ thống đâu". Theo chị Hương, trong môi trường làm việc hòa nhập, không phải ai cũng hiểu hết những khó khăn mà chúng ta gặp phải. "Chính chúng ta cũng phải hiểu và giải thích cho đồng nghiệp. Khi ta mở lời sẽ có người sẵn sàng giúp đỡ" - chị Hương nói.

Khi xây dựng văn phòng "Bàn tay khéo léo" trong tòa nhà chung cư, ở đây thang máy không có in chữ nổi, chị Trịnh Thu Thanh - Giám đốc trung tâm Khiếm thị Bàn tay khéo léo, đã phải tự thiết kế bản chữ nổi cho bảng số ở thang máy. Để trẻ khiếm thị có thể tự tin đi lại trong không gian trung tâm, ngay từ cửa ra vào chị đã thiết kế sơ đồ bằng chữ nổi. "Khi doanh nghiệp quan tâm đến người lao động có thể phá bỏ những rào cản bắt đầu từ những chi tiết nhỏ" - chị Thanh nêu quan điểm.

Công nghệ thông tin đã và đang mở ra cơ hội làm việc cho nhiều đối tượng. Chị Nguyễn Phương Anh - Giám đốc vận hành Hi2High Creative Agency cho rằng, nhiều bạn chưa cập nhật dạng công việc mới. "Khi giao việc tôi thường hỏi với khối lượng công việc này em có làm được không?", chị Phương Anh khẳng định mấu chốt cuối cùng là sự giao tiếp để hiểu nhau.

Với công việc văn phòng, người khiếm thị phù hợp với các công việc: dịch thuật, làm nội dung truyền thông, quản lý fanspage và các nền tảng mạng xã hội, tham vấn đồng cảnh, cán bộ nghiên cứu...Theo chị Đào Thu Hương cơ hội mở rộng thì cơ hội cạnh tranh cũng lớn: "Không có thảm đỏ cho bất kỳ ai cả, tham gia thị trường lao động thì cơ hội đều bình đẳng như nhau".

Chuyên môn và kỹ năng sống là chìa khóa thích ứng

Khoảng 60 học sinh, sinh viên khiếm thị tham gia ngày hội việc làm. Sau diễn đàn, các em sẽ được trao đổi trực tiếp với đại diện 7 doanh nghiệp ở các lĩnh vực khác nhau (công tác xã hội, truyền thông, tâm lý, công nghệ - thông tin, du học...) về các vị trí tuyển dụng phù hợp với người khiếm thị, của doanh nghiệp, cách thức ứng tuyển và các kỹ năng cần có.

Chị Nguyễn Thị Bích Thảo - Quản lý chương trình Giáo dục thuộc tổ chức Samaritan’s Purse Việt Nam chia sẻ: “Với 25 năm kinh nghiệm làm việc với các em học sinh/ sinh viên khiếm thị, điều chúng tôi luôn trăn trở là làm như thế nào để các em khi bước ra cánh cổng đại học sẽ tìm được một công việc theo mong muốn và năng lực của các em. Có những em khiếm thị học tập rất giỏi, có tư duy, có kỹ năng chuyên môn tốt nhưng bị từ chối công việc chỉ vì là người khiếm thị hay nhiều em khác sau khi được đào tạo lại quay trở về làm các công việc chân tay, phí hoài những năm tháng học tập”.

Với vai trò là đơn vị tuyển dụng sinh khiếm thị, chị Trịnh Thu Thanh - Giám đốc trung tâm Khiếm thị Bàn tay khéo léo cho biết, khi đi làm cần phải có kỹ năng chuyên môn, đây là điều bắt buộc với bất kỳ ai, "thế nhưng kỹ năng cần nhất là giao tiếp và tư duy độc lập" - chị Thanh nhấn mạnh.

Tại đây các nhà tuyển dụng cũng đánh giá những điểm mạnh của lao động khiếm thị đó là chăm chỉ, khiêm tốn và trách nhiệm với công việc. "Khi tôi giao viết bài giới thiệu về doanh nghiệp, các bạn sáng mắt là gen Z thì khả năng viết tiếng Anh tốt nhưng hành văn bằng tiếng Việt lại kém. Còn các bạn khiếm thị lại chịu khó tìm hiểu sâu và viết tốt" - Nguyễn Phương Anh - Giám đốc vận hành Hi2High Creative Agency chia sẻ.

Để tăng khả năng tìm việc, tin học và ngoại ngữ là lợi thế. Nhiều bạn trẻ đã bắt đầu công việc dịch thuật từ khi còn là sinh viên. Theo chị Đào Thu Hương, người khuyết tật không thể đòi hỏi bất kỳ sự ưu ái riêng nào, năng lực là điều kiện bắt buộc cho tất cả. "Với tư cách là người lao động, trước tiên mình luôn tâm niệm mình đóng góp được gì cho tổ chức và với phương châm đó, những khó khăn của mình cũng sẽ vượt qua, ngay cả với người không khuyết tật cũng vậy" - chị Hương nói.

Chia sẻ về kinh nghiệm làm CV, chị Hương cho biết nếu đơn vị tuyển dụng không ghi rõ có tuyển người khiếm thị hay không thì bạn cũng không nên ghi tình trạng khuyết tật vào trong bản CV. Đây cũng là cách tăng cơ hội tiếp cận với nhà tuyển dụng và mở rộng cơ hội việc làm.

Ông David Paul Kletzing - Trưởng văn phòng dự án của Tổ chức Samaritan’s Purse tại Việt Nam cũng gửi thông điệp đến các bạn trẻ khiếm thị thông qua logo của ngày hội việc làm. "Đó là hình ảnh một người đeo cặp và đang đi về phía trước, dù chưa biết thế nào nhưng nơi đó tràn ngập ánh sáng"./.