Hiện nay, tốc độ giảm nghèo của hộ đồng bào dân tộc còn thấp hơn mức bình quân giảm nghèo chung của cả nước, cho thấy, cần có những chính sách mạnh hơn nữa để giảm nghèo vùng dân tộc thiểu số, rút ngắn khoảng cách thu nhập với bình quân chung của cả nước.

Ngày 26/4/2022, Chính phủ ban hành Nghị định số 28 về chính sách tín dụng ưu đãi thực hiện Chương trình Mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn từ năm 2021 đến năm 2030, giai đoạn 1 từ năm 2021 đến năm 2025. Ủy ban Dân tộc đã ban hành Thông tư số 02 ngày 30/6/2022 hướng dẫn thực hiện một số Dự án thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn từ năm 2021 đến năm 2030, giai đoạn 1 từ năm 2021 đến năm 2025 đã cụ thể hóa các chính sách đối với đồng bào dân tộc thiểu số.

Ông Đặng Đức Thắng, Giám đốc Ban Tín dụng Người nghèo, Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam cho biết, trong thời gian qua, các chính sách dành cho đối tượng vay vốn là hộ đồng bào dân tộc thiểu số đã mang lại hiệu quả trong việc tập trung nguồn giải quyết những vấn đề căn bản, thiết yếu của người dân tộc thiểu số như vốn để sản xuất, kinh doanh, trồng trọt, chăn nuôi, tạo việc làm, xây dựng nhà ở cho hộ nghèo, nước sạch vệ sinh môi trường nông thôn góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống, giảm bệnh tật, thất học và các tệ nạn xã hội. Đến nay, có hơn 1,4 triệu khách hàng là hộ đồng bào dân tộc thiểu số đang thụ hưởng hầu hết các chương trình tín dụng tại ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) với tổng dư nợ đạt 67.561 tỷ đồng (chiếm 24,5%/tổng dư nợ của NHCSXH), dư nợ bình quân một hộ đồng bào dân tộc thiểu số đạt 47 triệu đồng/hộ trong khi bình quân chung toàn quốc là 42,8 triệu đồng/hộ; và dư nợ tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đạt 97.567 tỷ đồng, chiếm 35,4%/tổng dư nợ của NHCSXH, với gần 2,7 triệu món vay của hơn 2 triệu khách hàng đang còn dư nợ, dư nợ bình quân một hộ trong khu vực đạt 45,4 triệu đồng/hộ.

Theo quy định tại Nghị định số 28/2022/NĐ-CP của Chính phủ, hộ đồng bào dân tộc thiểu số được vay vốn sử dụng vào mục đích trang trải chi phí để có đất ở, trang trải chi phí xây mới hoặc sửa chữa, cải tạo nhà ở, trang trải chi phí tạo quỹ đất sản xuất hoặc chi phí học nghề, chuyển đổi nghề, có thể tham gia vào chuỗi giá trị, đối với vùng trồng dược liệu quý có thể được vay vốn để tham gia trồng dược liệu.

Ông Đặng Đức Thắng cũng cho biết, để được thụ hưởng chính sách tín dụng ưu đãi theo quy định của NĐ 28, người vay phải thuộc một trong các nhóm đối tượng sau đây:

Thứ nhất: hộ đồng bào dân tộc thiểu số là hộ nghèo thuộc đối tượng thụ hưởng chính sách đủ điều kiện được vay vốn đối với các nội dung cho vay hỗ trợ đất ở, hỗ trợ nhà ở, hỗ trợ đất sản xuất, chuyển đổi nghề;

Thứ hai: Đối với người dân tộc Kinh sống tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi phải là hộ nghèo và cư trú hợp pháp ở các xã đặc biệt khó khăn, thôn đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi thuộc đối tượng thụ hưởng chính sách mới được vay vốn đối với các nội dung hỗ trợ đất ở, nhà ở, đất sản xuất, chuyển đổi nghề.

Thứ ba: Hộ nghèo, hộ cận nghèo thuộc đối tượng thụ hưởng chính sách, đủ điều kiện được vay vốn đối với các nội dung cho vay hỗ trợ phát triển vùng trồng dược liệu quý, phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị;

Thứ tư: Cơ sở sản xuất kinh doanh có sử dụng từ 50% tổng số lao động trở lên là người dân tộc thiểu số thuộc đối tượng thụ hưởng được vay vốn hỗ trợ phát triển vùng trồng dược liệu quý;

Thứ năm: Doanh nghiệp (sản xuất, chế biến, kinh doanh), hợp tác xã có từ 70% tổng số lao động trở lên là người dân tộc thiểu số thuộc đối tượng thụ hưởng được vay vốn hỗ trợ phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị.

Mời quý vị nghe tư vấn, giải thích cụ thể của ông Đặng Đức Thắng, Giám đốc Ban Tín dụng Người nghèo, Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam về Nghị định 28/2022 tại đây: