Nước ta đã kiểm soát được tình hình dịch bệnh và từng bước chuyển sang trạng thái mới. Tại cuộc họp mới đây của Ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 với các địa phương, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã nhấn mạnh: “Những kết quả đạt được mới là bước đầu. Chặng đường sắp tới còn rất gian nan, cần thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả dịch bệnh”. Đồng thời Thủ tướng cũng nêu rõ địa phương tuyệt đối không được ban hành các quy định trái với chỉ đạo của cấp trên; nếu thực hiện cao hơn, sớm hơn thì phải báo cáo cấp trên.

Theo TS Trần Tuấn, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu đào tạo và Phát triển cộng đồng, thuộc Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, việc Chính phủ ban hành Nghị quyết 128 là hoàn toàn phù hợp, đáp ứng đúng với tình hình hiện tại. Nghị quyết đã tạo ra một khung chỉ đạo có cơ sở thống nhất, giúp các địa phương căn cứ vào đó để đưa ra những quy định phân loại cấp độ dịch một cách rõ ràng.

Để phân loại 4 cấp độ dịch theo Nghị quyết 128 của Chính phủ, Bộ Y tế cũng đã ban hành quyết định “Hướng dẫn tạm thời về chuyên môn y tế", trong đó đưa ra 3 tiêu chí đánh giá cấp độ dịch.

Tiêu chí 1: Tỷ lệ ca mắc mới tại cộng đồng/ số dân/ thời gian.

Tiêu chí 2: Độ bao phủ vaccine.

Tiêu chí 3: Đảm bảo khả năng thu dung, điều trị của cơ sở khám chữa bệnh các tuyến.

TS Trần Tuấn cho rằng việc đưa ra 3 tiêu chí đánh giá cấp độ dịch của Bộ Y tế là một điểm tiến bộ và phù hợp với khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới. Với tiêu chí 2 và 3 không có vấn đề gì, nhưng với tiêu chí 1 thì phải gắn với năng lực giám sát dịch của địa phương và cần có sự hỗ trợ, đào tạo, hướng dẫn một cách cụ thể cho cấp cơ sở.

Nghị quyết 128, trong đó hướng dẫn rõ về tiêu chí để xác định các cấp độ dịch, yêu cầu các địa phương phải thống nhất thực hiện, không được làm trái quy định của Trung ương. Rồi quyết định của Bộ Y tế với các tiêu chí rõ ràng để đánh giá cấp độ dịch… Thế nhưng thực tế là rất nhiều tỉnh, thành vẫn triển khai theo những cách khác nhau, không thống nhất, thiếu đồng bộ. Theo TS Trần Tuấn thì nguyên nhân là do cấp độ dịch ở mỗi địa phương khác nhau nên đã dẫn đến tình trạng mỗi địa phương quy định một kiểu.

Đơn cử như trong công tác xét nghiệm, thực tế hiện nay có địa phương thì quy định giấy xét nghiệm phải có hiệu lực trong 48h, có nơi thì 24h có nơi thì 72h… rồi có nơi thì quy định là đi từ vùng dịch về phải cách ly y tế, có nơi lại không, có nơi quét mã QR, có nơi lại khai theo tờ khai y tế… Sự thiếu nhất quán này, theo TS Trần Tuấn sẽ gây ra những khó khăn, trở ngại cho người dân trong việc quay trở lại với cuộc sống "bình thường mới".

"Sự không thống nhất, thông suốt giữa các địa phương đã gây ra tâm lý người dân không biết đâu là cái chuẩn để mà theo, khiến cho cuộc sống thường nhật của người dân gặp nhiều trở ngại. Vấn đề trước mắt là phải bổ sung ngay về mặt truyền thông cho lãnh đạo các địa phương nắm chắc. Thứ hai là phải phải tổ chức ngay hoạt động giám sát, đánh giá độc lập". TS Trần Tuấn nhấn mạnh.

Một thực tế nữa là mức độ "phản ứng" của các tỉnh thành trong việc áp dụng Nghị quyết 128 là rất khác nhau. Có hiện tượng tỉnh này "hóng" tỉnh kia, thăm dò lẫn nhau rồi mới đưa ra quyết định. Lại có những quy định thay đổi liên tục như sáng ban hành, chiều điều chỉnh hoặc hôm nay ban hành, ngày mai thu hồi. Chúng ta không chủ quan, lơ là nhưng khi đã xác định “sống chung với dịch” thì đôi khi những sự cẩn trọng một cách thái quá cũng sẽ làm cản trở hiệu quả công tác phòng chống dịch, nói cách khác, chống dịch cần phải có những quyết sách quyết liệt, rõ ràng. TS Trần Tuấn cho rằng, chúng ta đang thiếu thông tin khoa học khách quan về tình hình dịch bệnh. Chính vì thế khâu hỗ trợ, theo dõi, giám sát phải được đẩy mạnh trong thời gian tới.

Ở thời điểm này việc “cố thủ phòng dịch” của một vài địa phương sẽ khiến các nỗ lực chống dịch đặc biệt là nỗ lực phục hồi kinh tế có thể đổ sông, đổ bể. Chính vì thế, sự thống nhất, nhất quán giữa các địa phương là điều hết sức quan trọng để giúp người dân sớm trở lại cuộc sống bình thường mới, thích ứng với dịch và phục hồi kinh tế nhanh chóng.

"Chúng ta đã có Nghị quyết 128 là rất cụ thể, chi tiết, tuy nhiên phải hỗ trợ ngay cho những nơi yếu về công tác y tế dự phòng. Về mặt lâu dài thì trung ương phải ra được kế hoạch tổng thể mang tầm quốc gia hoạch định dài hạn. Trong vấn đề thực hiện thì chúng ta phải củng cố lại hệ thống y tế, cả về nhân lực và chức năng hoạt động. Hệ thống y tế cơ sở phải thực hiện được chức năng giám sát, theo dõi dịch bệnh, sức khỏe của người dân và theo dõi dịch bệnh..." - TS Trần Tuấn khuyến nghị.

Sự nhất quán trong các quy định sẽ giúp người dân trở lại và bắt nhịp với cuộc sống bình thường mới một cách nhanh nhất, hiệu quả nhất. Và khi đó thì mới có thể phục hồi sản xuất, phát triển kinh tế, hoàn thành mục tiêu kép - theo đúng tinh thần chỉ đạo của Chính phủ.

Mời nghe âm thanh tại đây: