Không gian mạng ngày càng phổ biến và trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống hiện đại mà trẻ em cũng không ngoại lệ. Hiện nay, trẻ em được tiếp xúc với máy tính, điện thoại, sở hữu tài khoản mạng xã hội từ rất sớm. Tuy nhiên, nếu không được kiểm soát thì mạng xã hội cũng chính là môi trường đưa đến nhiều mối nguy hiểm cho trẻ em, từ việc tiếp cận tới thông tin tiêu cực, độc hại dẫn tới nguy cơ bị bắt nạt, lừa đảo, thậm chí bị xâm hại, gây nguy hiểm tới tính mạng.
Theo Viện nghiên cứu quản lý phát triển bền vững (MSD) và Tổ chức cứu trợ trẻ em quốc tế (Save the Children), hơn 66% trẻ em Việt Nam có cơ hội tiếp cận thiết bị kết nối Internet. Trong đó, hơn 43% có thời gian sử dụng trung bình từ 1 - 3 tiếng/1 ngày. Độ tuổi mà trẻ em Việt Nam sử dụng các thiết bị công nghệ vào internet và mạng xã hội trung bình là 9 tuổi, sớm hơn 4 năm so với thế giới – Một độ tuổi vẫn còn non nớt để có thể nhận thức được về những nguy cơ từ mạng xã hội có thể đối mặt.
Kết quả báo cáo quốc gia Nghiên cứu Ngăn chặn hành vi gây tổn hại - Bằng chứng về bóc lột và xâm hại tình dục trẻ em trên không gian mạng cho thấy 23% trẻ độ tuổi 12 - 17 sử dụng Internet đã vô tình nhìn thấy hình ảnh hoặc video nhạy cảm trên mạng, 5% từng nhận được hình ảnh nhạy cảm không mong muốn, 8% trẻ đã từng nhận được bình luận khiếm nhã về bản thân, 2% trẻ đã được yêu cầu nói chuyện về tình dục khi trẻ không muốn. Tuy nhiên, 43% trẻ không nói với ai vì cho rằng sẽ chẳng giải quyết được.
Thống kê của Bộ Công An đã chỉ ra rằng, trong 3 năm qua, công an cả nước đã khởi tố hơn 480 vụ, hơn 550 bị can về các tội xâm hại trẻ em và truyền bá văn hóa phẩm đồi trụy. Đồng thời, ngăn chặn 30.000 trang mạng có nội dung vi phạm pháp luật, dâm ô đồi trụy, cờ bạc trực tuyến, lừa đảo, bạo lực, độc hại đối với trẻ em, thông tin trẻ em bị xâm hại tình dục, xúc phạm danh dự, nhân phẩm, vô hiệu hóa hàng chục nghìn liên kết có nội dung độc hại, vi phạm pháp luật…
Tổng đài Quốc gia Bảo vệ trẻ em đã ghi nhận 1.500 cuộc gọi can thiệp hỗ trợ, trong đó có 419 cuộc gọi báo cáo về hoạt động xâm hại trẻ em trên môi trường mạng. Cục Trẻ em đã 21 lần can thiệp để xử lý những trường hợp này.
Thực tế cho thấy, nguy cơ trẻ em phải đối diện với các đối tượng, tội phạm thực hiện hành vi xâm hại, bóc lột trên môi trường mạng là rất cao. Tuy nhiên, phần lớn trẻ lại lựa chọn im lặng thay vì chia sẻ với cha mẹ hay liên hệ một kênh chính thức như công an hoặc đường dây trợ giúp của tổng đài 111.
Theo Bác sỹ Nguyễn Trọng An, nguyên Phó cục trưởng Cục Bảo vệ và Chăm sóc trẻ em, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, nguyên nhân chính dẫn đến thực trạng này là do bản thân trẻ cũng chưa nhận diện được những mối nguy hại tiềm ẩn từ mạng xã hội, các em chưa biết cách chọn lọc thông tin và cách tự bảo vệ mình. Bên cạnh đó, còn có nguyên nhân xuất phát từ chính người lớn, cha mẹ không có sự thấu hiểu khiến trẻ chưa thể nói lên tiếng nói để có thể bảo vệ chính mình trước những cạm bẫy, những thông tin xấu độc trên mạng xã hội.
Việc tự bảo vệ mình trước những nguy cơ mà mạng xã hội đem lại đối với người trưởng thành đã khó, thì với trẻ em, khó khăn này sẽ càng lớn hơn nhiều. Bởi các thủ đoạn mà các đối tượng thường dùng để tiếp cận trẻ em rất tinh vi, đa dạng như:
- Giả danh và tạo hình ảnh giả: Tội phạm giả danh là người cùng giới, cùng tuổi, hoặc tạo ra các thông tin ảo trên mạng xã hội về tên, tuổi, địa chỉ, và hình ảnh giàu sang, học thức để dễ dàng tiếp cận và lừa gạt trẻ.
- Dụ dỗ và đe dọa: Sau khi có được hình ảnh nhạy cảm của trẻ, tội phạm đe dọa phát tán nếu trẻ không chịu quan hệ tình dục hoặc đáp ứng các yêu cầu khác của chúng.
- Gạ gẫm và dụ dỗ bằng vật chất: Tội phạm dụ dỗ trẻ bằng các phần quà, tài khoản game ảo để trẻ gửi hình ảnh khỏa thân hoặc video clip nhạy cảm, sau đó thực hiện các hành vi xâm hại tình dục, cưỡng đoạt tài sản, môi giới mại dâm hoặc mua bán trẻ em.
Chính vì vậy, hơn lúc nào hết, việc bảo vệ và hỗ trợ trẻ em tương tác lành mạnh, sáng tạo trên môi trường mạng là trách nhiệm không của riêng ai. Trong những năm qua, mạng lưới các tổ chức bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng được thành lập từ tháng 7/2018. Câu lạc bộ Bảo vệ trẻ em trên không gian mạng do Hiệp hội an toàn thông tin thành lập tháng 8/2023 với sự hỗ trợ, chung tay của World Vision International tại Việt Nam, các tổ chức và các bên liên quan đã có các chương trình, hoạt động nhằm giáo dục, trang bị cho trẻ kiến thức, kỹ năng cũng như đồng hành bảo vệ, bảo trợ cho trẻ em đặc biệt là trẻ em dễ bị tổn thương để các em có thể nói lên tiếng nói của mình trong việc bảo vệ bản thân trên không gian mạng.
Ở thành phố Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam, các cấp các ngành luôn dành sự quan tâm đặc biệt đến công tác trẻ em, triển khai nhiều hoạt động ngoại khóa và giáo dục kỹ năng sống cho các em, nhờ đó, các em học sinh của thành phố Tam Kỳ rất mạnh dạn sẵn sàng chia sẻ và tìm sự trợ giúp đối với những vấn đề liên quan đến xâm hại trẻ em nói chung trên môi trường mạng nói riêng
Thầy Trần Văn Hà, Phó Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam cho rằng, trẻ em là thế hệ tương lai của đất nước, là mầm xanh của xã hội, trong bối cảnh môi trường mạng ngày càng phức tạp và tiềm ẩn nhiều nguy cơ hiện nay, việc xây dựng không gian mạng an toàn lành mạnh là ưu tiên hàng đầu và cần sự chung tay của toàn xã hội. Đặc biệt, sự chủ động của trẻ em trong việc kiến tạo môi trường mạng lành mạnh và an toàn là rất quan trọng.
Rõ ràng, lợi ích của mạng xã hội trong đời sống hiện đại gần như không thể phủ nhận. Với khả năng kết nối mọi người, mọi lúc, mọi nơi, mạng xã hội như một thế giới thu nhỏ, nơi mà bất cứ ai cũng có thể giao tiếp, chia sẻ thông tin. Tuy nhiên, khi tham gia mạng xã hội, cần phải biết chắt lọc thông tin. Bởi đây là một môi trường tốt để trẻ phát triển, có thêm được nhiều kiến thức và kỹ năng.
Để kiến tạo một môi trường mạng an toàn, lành mạnh, em Đoàn Ngô Đăng Thi, học sinh lớp 7/4, trường Trung học cơ sở Lê Hồng Phong, thành phố Đà Nẵng cho rằng, cần có sự góp sức của nhiều bên liên quan, trong đó, cha mẹ cần quan tâm, kiểm soát những nội dung các con em mình xem, các cấp chính quyền thắt chặt nguồn thông tin, còn với các em học sinh cần phải biết chọn lọc thông tin lành mạnh liên quan đến lứa tuổi như học tập, kỹ năng sống…
Hiện nay, có một số thiết bị, phần mềm công nghệ hỗ trợ bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng, không những giúp người lớn có thể theo dõi các trang web mà trẻ đã truy cập hoặc muốn truy cập. Bất cứ khi nào trẻ tìm cách truy cập vào những trang web bị chặn, những đường link lạ, người lớn sẽ nhận được báo cáo thông qua email. Tuy nhiên, điều đó không đồng nghĩa với việc trẻ sẽ không tiếp xúc với những thông tin, hình ảnh không phù hợp vô tình xuất hiện khi trẻ sử dụng mạng xã hội. Chính vì vậy, theo bạn Chu Đức Kiên, học sinh lớp 10 trường Bắc Thăng Long, có những thiết bị, phần mềm tự động lọc thông tin là điều vô cùng cần thiết.
“Khi em lên những trang mạng xã hội như facebook, tiktok, bản thân em cũng nhận diện được đâu là thông tin phù hợp với mình để tham khảo, tìm hiểu. Thế nhưng, đôi khi các thông tin xấu, quảng cáo không phù hợp với lứa tuổi thường tự động xuất hiện trong các clip, các trích đoạn phim… mà em đang xem. Cho nên, theo em, các nhà mạng hoặc các cấp các ngành liên quan có thể triển khai thực hiện phần mềm hoặc thiết bị tự động lọc thông tin. Có như vậy mới đảm bảo cho học sinh chúng em không xem phải những thông tin xấu, độc”, bạn Chu Đức Kiên kiến nghị.
Theo báo cáo của Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF), có tới 1/3 số trẻ em sử dụng Internet ở nước ta đã trở thành nạn nhân của bắt nạt trực tuyến. Báo cáo tiếng nói trẻ em Việt Nam cho biết, hơn 30% trẻ được khảo sát cảm thấy khi người lớn trong gia đình biết mình đang sử dụng Internet cảm thấy không thoải mái, nên nhiều em khi gặp vấn đề rắc rối trên môi trường mạng, các em lựa chọn cách tự giải quyết. Do đó, theo bà Phan Thị Kim Liên quản lý chương trình bảo vệ trẻ em tổ chức World Vision International tại Việt Nam, trẻ em góp phần quan trọng trong việc kiến tạo môi trường mạng lành mạnh, an toàn.
“Là một tổ chức phi chính phủ hoạt động vì trẻ em tại Việt Nam đang triển khai thành công hơn 1.000 câu lạc bộ trẻ em trên cả nước, tôi thấy đây là một sân chơi rất hữu ích giúp cho các em vừa cùng học hỏi về sử dụng mạng an toàn cùng chia sẻ ý kiến đề xuất của mình cũng như là chủ động thực hiện các sáng kiến về bảo vệ môi trường mạng. Chúng ta cần nhìn nhận lại vai trò của trẻ em, trẻ em không phải chỉ là đối tượng thụ hưởng mà ngược lại các em chính là một phần của giải pháp. Các em tiếp cận công nghệ thông tin rất nhanh các em hiểu rất rõ vấn đề của chính trẻ em đang đối mặt trên môi trường mạng và các em cũng rất sáng tạo rất có khả năng tuyên truyền và khích lệ bạn bè cùng thay đổi hành vi”, bà Phan Thị Kim Liên khẳng định.
Có thể nói, để bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng, cần có sự phối hợp và đồng thuận của cả cộng đồng xã hội, từ gia đình, nhà trường đến các cấp các ngành liên quan. Bên cạnh đó, khi được hỗ trợ nâng cao năng lực và tạo môi trường thuận lợi thì trẻ em sẽ trở thành những nhân tố tích cực tạo nên sự thay đổi trong cuộc sống nói chung và trong công tác bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng nói riêng.
Mời nghe toàn bộ nội dung trao đổi về kiến tạo một môi trường mạng an toàn lành mạnh cho trẻ em tại đây: