Chuyện đã qua nhưng chị V hiện sống tại xã Cẩm Đình, huyện Phúc Thọ, thành phố Hà Nội vẫn chưa thể hoàn hồn. Chị không ngờ “miếng mồi ngon” mà bấy lâu nay chị vẫn lầm tưởng hóa ra lại “đắng chát” đến vậy. "Đầu năm bí quá phải vay 20 triệu, hơn tháng sau trả cả gốc và lãi lên tới 50 triệu. Không trả thì chúng ra tay, chỉ có chết, lãi mẹ đẻ lãi con rồi con cái, bố mẹ, anh em cũng ảnh hưởng".

Chị V vẫn còn là may mắn khi trả được hết nợ cho "tín dụng đen", vì không ít người đã phải trốn chui, chốn lủi thậm chí phải đi bạt xứ khi mà số lãi cứ mỗi ngày một thêm chồng chất, như trường hợp anh Nguyễn Văn D ở huyện Ba Vì, Hà Nội là một ví dụ. Anh vay 10 triệu theo hình thức bốc "bát họ", thế nhưng ngay khi vay đã bị chủ nợ cắt 2 triệu, chỉ được cầm về 8 triệu. Mỗi ngày anh phải trả 200.000 trong thời gian 60 ngày. Vừa qua do vụ mùa thất bát, nông sản không thể bán được nên anh chỉ trả tiền được 40 ngày, 20 ngày tiếp theo, anh chưa có khả năng tiếp tục trả, ngay lập tức, chủ "họ" thông báo, anh vẫn còn nợ 10 triệu, cho phép trả trong vòng 60 ngày. Anh và vợ phải bán gần 2ha ruộng đang canh tác để trả cho chủ nợ.

Ở trong xóm nhỏ hay đường lớn nhiều vùng quê, không khó để bắt gặp những dòng quảng cáo được in bằng khổ giấy A4 dán nhan nhản khắp các trụ điện, bờ tường: “Alo là có tiền” “cho vay trả góp” “vay tiền không cần thế chấp”… kèm theo ưu đãi “giải ngân trong 10 phút”. Những lời chào mời đó đã chiếm được lòng tin của biết bao người thôn quê, quanh năm vẫn chỉ quen với đồng ruộng. Hợp đồng vay đơn giản, chỉ vài dòng viết tay, chỉ cần chứng minh nhân dân gốc hoặc sổ hộ khẩu gốc là xong là ưu điểm vượt trội và cũng là “cần câu” để “nhử” “người nhà quê”.

Luật sư Trương Thanh Đức - Giám đốc Công ty luật ANVI cho rằng: Hiện mạng lưới ngân hàng đến được với người dân, vùng sâu, vùng xa nhưng vẫn còn nhiều hạn chế. Cùng với đó, ngành ngân hàng có những quy định về điều kiện cho vay khá khắt khe. Người đi vay phải có phương án trả nợ cũng như phải có tài sản bảo đảm thì mới đủ điều kiện để vay vốn, trong khi đó "tín dụng đen" lại không cần những điều kiện này nên đã "hút" những người nông dân cần tiền.

Luật sư Trương Thanh Đức cũng cho rằng: Một trong những nguyên nhân khiến "tín dụng đen" vẫn còn đất sống là do những lỗ hổng của pháp luật. "Pháp luật của chúng ta không rõ ràng, đầy đủ khi xử lý vi phạm. Ví dụ như hoạt động cầm đồ hợp pháp nếu vay lãi suất vượt 20%/năm thì mới bị xử lý. Mức xử phạt cũng quá nhẹ, chỉ phạt từ 1-5 triệu đồng. Cho vay lãi 100% hoặc thu lợi 30 triệu đồng trở lên…thì mới có thể bị khởi tố, truy tố. Còn bình thường thì cho vay 200-500% nhưng lại không có giấy tờ thì hầu như không thể xử lý được.

Mời quý vị và các bạn cùng nghe trao đổi của phóng viên chương trình với luật sư Trương Thanh Đức: