Theo Báo cáo của Cục Lâm nghiệp, trong năm 2023, cả nước đã trồng được khoảng 250.000 ha rừng, đạt 102% kế hoạch năm 2023. Tỷ lệ che phủ rừng 42,02%, đạt mục tiêu kế hoạch đề ra. Tổng nguồn thu từ các loại dịch vụ môi trường rừng năm 2023 đạt hơn 4 ngàn tỷ đồng.
Năm 2023 đánh dấu một cột mốc rất quan trọng, lần đầu tiên tại Việt Nam trong lĩnh vực lâm nghiệp đã bán thành công 10,3 triệu tín chỉ carbon rừng, thu về hàng chục triệu đô la. Ông Nguyễn Bá Ngãi, Phó chủ tịch hội rừng Việt Nam cho biết, thu tín chỉ carbon từ rừng mang lại nguồn lợi rất lớn. “Một năm nếu tính toán bù trừ đi cũng có 50-70 triệu tấn carbon hấp thu lại trong rừng trên địa bàn toàn quốc. Nếu như tính giá trên thị trường hiện nay từ 5-7 USD/tấn, con số đó sẽ lớn như thế nào?”, ông Nguyễn Bá Ngãi phân tích.
Theo Cục Lâm nghiệp, nguồn tiền bán tín chỉ carbon sẽ chi trả cho các chủ rừng, UBND cấp xã và tổ chức... được giao trách nhiệm quản lý rừng tự nhiên. Ngoài ra, một phần tiền chi cho các nhóm khác có hoạt động liên quan đến phát triển và giảm mất rừng, suy thoái rừng, nâng cao thu nhập, cải thiện sinh kế cho người dân làm nghề rừng.
Hiện nay cũng chỉ có ít địa phương thực sự quan tâm và có đề án chi tiết cho việc trồng rừng để thu tín chỉ carbon, vậy nên chất lượng thu tín chỉ carbon từ rừng Việt Nam vẫn ở mức thấp. Theo bà Nguyễn Thu Lan, chuyên gia kinh tế, mặc dù diện tích rừng tự nhiên lớn, nhưng chất lượng rừng vẫn ở mức độ thấp
“Rừng của chúng ta rất lớn về diện tích, nhưng chất lượng lại ở mức thấp, vì thế muốn thu tín chỉ các bon chúng ta cần đầu tư để nâng cấp chất lượng rừng”, bà Lan bày tỏ.
Không chỉ chất lượng rừng thấp, mà diện tích rừng bị tàn phá cũng mỗi năm một tăng. Tính từ năm 2011 đến nay, Việt nam đã mất đi 22.000 ha rừng tự nhiên do bị cháy hoặc chặt phá trái phép. Ông Hà Công Tuấn, nguyên Thứ trưởng Bộ NN&PTNT đưa ra giải pháp: “Cần tính toán lại và triển khai các biện pháp ngăn chặn nạn phá rừng. Bên cạnh đó cần có những dự án giảm suy thoái rừng đồng thời với nâng cấp chất lượng rừng, có như vậy thu tín chỉ các bon mới đạt chất lượng ổn định”.
Tín chỉ carbon rừng được tạo ra từ các hoạt động dự án giảm phát thải nhà kính như giảm mất rừng và suy thoái rừng; tăng cường hoạt động trồng rừng, tái trồng rừng, tái tạo thảm thực vật và hoạt động tăng cường quản lý rừng. Chủ rừng có thể quy đổi diện tích rừng đang quản lý, bảo vệ ra lượng hấp thụ khí CO2, ra tín chỉ carbon và có thể bán tín chỉ này tại thị trường carbon qua cơ chế giảm phát thải khí nhà kính.
Thời gian tới, ngành lâm nghiệp cần tăng cường thực hiện tốt công tác chuyển đổi số nhằm giúp cho ngành nắm được các thông tin kịp thời về biến động rừng, sản xuất lâm nghiệp,… có như vậy chất lượng rừng Việt Nam mới dần tăng, việc thu tín chỉ các bon từ rừng mới thực sự đem lại lợi ích bền vững.