Sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, các phiên giao dịch việc làm tại Hà Nội đồng loạt diễn ra, đáp ứng nhu cầu của các doanh nghiệp và người lao động.

Quê tại Ba Vì, anh Đỗ Anh Quân đã có mặt tại Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội từ sáng sớm với mong muốn tìm được một công việc phù hợp. “Trước tôi thường tìm việc qua mạng Internet, qua Website của các nhà tuyển dụng nhưng chưa tìm được công việc ưng ý, nên tôi nghĩ cần đến gặp trực tiếp doanh nghiệp thì cơ hội việc làm cao hơn” - anh Quân chia sẻ.

Còn anh Trần Văn Toán ở Đống Đa, Hà Nội tốt nghiệp Đại học quốc gia Hà Nội nhưng cũng gặp khó khăn trong tìm kiếm việc làm, nhất là trong hơn 2 năm ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19. Anh Toán cho biết: "Sắp tới tôi mong muốn tìm một công việc về tư vấn, môi giới bất động sản hoặc kinh doanh bán hàng gia dụng, thiết yếu…Công việc nào cũng được miễn là thu nhập ổn định và có thời gian cho gia đình”.

Quan sát sàn giao dịch cho thấy, mô hình đã giải quyết tối đa các nhu cầu về việc làm với các đối tượng: Sinh viên tốt nghiệp, lao động thất nghiệp, lao động có tuổi tìm việc làm thêm...

Theo bà Trần Thị Vân, phụ trách tuyển dụng Công ty TNHH Du lịch và Thương mại Sông Hồng, sau Tết Nguyên đán là “thời điểm vàng” để tuyển dụng. Thông qua Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội tại 215 Trung Kính, Hà Nội, doanh nghiệp có cơ hội được tiếp cận gần hơn với ứng viên. “Chúng tôi đã liên hệ được 3 ứng viên, đó cũng là tín hiệu tốt cho doanh nghiệp” – bà Vân vui vẻ cho biết.

Bên cạnh đó, 14 sàn giao dịch việc làm vệ tinh tại các quận, huyện, thị xã liên tục tổ chức các phiên giao dịch nhằm tư vấn, giới thiệu việc làm, cung ứng lao động và tổ chức các phiên giao dịch việc làm hằng ngày. Theo chị Nguyễn Thị Hà, nhân viên phụ trách Sàn giao dịch việc làm vệ tinh tại quận Nam Từ Liêm, Hà Nội, hiện thị trường lao động vẫn duy trì được tính ổn định. Tuy nhiên, Trung tâm sẽ tiếp tục thu thập thông tin để nắm bắt, đánh giá tình hình sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp để có kế hoạch tổ chức các phiên giao dịch việc làm chuyên đề, phiên việc làm online phù hợp với các nhóm đối tượng.

Năm nay thành phố đề ra chỉ tiêu giải quyết việc làm cho 162 nghìn lao động trên địa bàn, tăng 2 nghìn người so với năm ngoái. Theo ông Vũ Quang Thành, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ Việc làm Hà Nội, đây là cơ sở để trung tâm tiếp tục nâng cao chất lượng các phiên giao dịch việc làm, tổ chức đồng bộ trên toàn hệ thống các điểm sàn.

Cũng theo ông Thành, thị trường lao động đầu xuân Quý Mão 2023 tương đối sôi động. Tiếp tục đà phục hồi từ năm 2022, năm 2023 xu hướng các doanh nghiệp tuyển dụng tập trung những ngành nghề như vận chuyển hàng hóa, logistics, nhóm ngành thuộc lĩnh vực dịch vụ như khách sạn, nhà hàng, ăn uống, du lịch… Bên cạnh đó, những nhóm ngành tiếp tục có đà phục hồi như tài chính ngân hàng, bất động sản, xây dựng, thương mại điện tử…quay trở lại và có nhu cầu tuyển dụng tương đối lớn.

“Những ngày đầu năm chúng tôi tiếp cận hàng trăm doanh nghiệp với chỉ tiêu tuyển dụng tương đối lớn, từ 6-7 nghìn vị trí tuyển dụng khác nhau ở đa dạng các phân khúc, thu nhập đương đối phù hợp và thu hút được lực lượng lao động” - ông Thành khẳng định.

Tại Trung tâm Dịch vụ việc làm TP Hồ Chí Minh, các doanh nghiệp cũng tập trung tuyển dụng một số lượng lớn lao động để phát triển sản xuất kinh doanh vào năm 2023, chủ yếu ở các ngành sử dụng nhiều lao động như dệt may, da giày, ngành gỗ, chế biến thực phẩm…Đây là cơ hội thuận lợi để người lao động tìm kiếm việc làm và có nhu cầu thay đổi việc làm phù hợp.

Cùng với nhiều địa phương trên cả nước, các sàn giao dịch việc làm tại tỉnh Bình Dương mở cửa hoạt động trở lại với khí thế khẩn trương, trách nhiệm và phấn khởi của người lao động.

“Những ngày đầu năm, có hơn 2 nghìn doanh nghiệp có tổ chức công đoàn quay lại làm việc với hơn 6 trăm nghìn người lao động. So với toàn tỉnh chiếm 75% và so với khu công nghiệp tỉ lệ cao hơn. Theo thống kê có khoảng hơn 13.500 vị trí việc làm cần tuyển dụng với khoảng 100 doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng” – bà Nguyễn Kim Loan, Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Bình Dương thông tin.

Theo bà Loan, để tiếp tục hỗ trợ người lao động và doanh nghiệp kết nối với nhau hiệu quả, bên cạnh việc tăng cường các hoạt động kết nối cung-cầu, Tổng Liên đoàn Lao động tỉnh Bình Dương phối hợp với các cơ quan, đơn vị đánh giá về tình hình thị trường lao động hiện tại, xu hướng dịch chuyển ngành nghề, nhằm tìm ra những chính sách mới phù hợp để bảo đảm việc làm cho người lao động.

Với sự hỗ trợ của tổ chức công đoàn cùng với các chính sách động viên, khuyến khích kịp thời của người sử dụng lao động, 95% người lao động quay trở lại làm việc với không khí hăng say, nghiêm túc.

Ông Lê Đình Quảng, Phó Trưởng ban Chính sách pháp luật, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho rằng, để có được không khí nghiêm túc, hiệu quả sau kỳ nghỉ Tết như vậy là do sự quan tâm, đồng hành và chăm lo động viên tinh thần, vật chất của người sử dụng lao động, của tổ chức công đoàn và cả hệ thống chính trị trong thời gian qua, nhất là dịp Tết nguyên đán vừa rồi. Đây là chất xúc tác giúp người lao động thấy trách nhiệm của mình, mong muốn gắn bó với doanh nghiệp, lao động với tinh thần cao, cống hiến hết mình cho doanh nghiệp.

Cũng theo ông Quảng, thời gian gần đây, một bộ phận doanh nghiệp dệt may, da giày, chế biến gỗ…ở khu vực trọng điểm phía Nam thu hẹp sản xuất, cắt giảm lao động. Theo số liệu thống kê có gần 54 nghìn lao động mất việc làm. Tuy nhiên khi thống kê ở 63 tỉnh thành, nhu cầu các doanh nghiệp cần tuyển dụng lao động vào cuối năm 2022 là vào khoảng 4 trăm nghìn lao động. Như vậy, nhu cầu cần tuyển dụng vào cao hơn rất nhiều so với số lao động bị mất việc làm. Điều này đặt ra vai trò rất lớn của các đơn vị kết nối cung cầu lao động.

Theo đó, cần tiếp tục đẩy mạnh hoạt động kết nối cung cầu lao động, rà soát, tổng hợp lại nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp và nhu cầu tìm kiếm việc làm của người lao động để tiến hành các hoạt động tư vấn, giới thiệu việc làm, đảm bảo cung ứng lao động kịp thời, góp phần cùng doanh nghiệp hoàn thành những kế hoạch, mục tiêu sản xuất kinh doanh trong năm mới./.