Thiệt thòi kép

Ngay từ khi còn nhỏ, bà Nguyễn Thị Huê, ở phường Văn Quán, quận Hà Đông, Hà Nội đã chịu nhiều thiệt thòi khi không thể vui chơi, chạy nhảy với các bạn cùng trang lứa bởi một bên chân phát triển không bình thường. Hơn thế, bà Huê còn thường xuyên gặp phải những ánh nhìn thiếu thiện cảm. “Hồi còn nhỏ, tôi thường bị mọi người xung quanh nhìn với con mắt rất khác. Chân yếu, khi di chuyển tôi phải dùng tay để chống. Nhiều người đi phía sau, họ cũng chống tay bắt chước. Khi đó, thực sự tôi rất buồn và ngại đi ra ngoài”, bà Huê tâm sự.

Bên chân bại liệt cũng là một trong những lý do khiến bà Huê phải nghỉ học từ sớm. “Vì đi lại khó khăn, nhà lại nghèo nữa, nên học hết trung học cơ sở tôi xin nghỉ học. Khi lớn, tôi nghĩ phải học nghề gì đó để có kế sinh nhai nên đã đi học nghề may. Trước đó tôi yêu thích và từng làm nghề thêu. Học xong, bố mẹ vay mượn và mua cho tôi một chiếc máy khâu của Liên Xô để làm nghề”, bà Huê nhớ lại.

Tương tự, khi lên 2 tuổi, ông Trần Đăng Bình bị liệt một bên chân. Dù không mặc cảm nhưng đây cũng là yếu tố khiến ông Bình mất đi nhiều cơ hội học tập và phát triển bản thân. Có thể kể đến là thời điểm ông Bình học xong bậc trung học, thi đỗ vào một trường đại học nhưng không được nhà trường tiếp nhận. “Tôi bị sốc khi biết nhà trường không tiếp nhận vì lý do sức khỏe. Tôi cảm thấy mình bị chặn mất con đường phát triển. Trước đó, tôi vẫn đi học cùng các bạn nên chỉ thấy mình kém bạn bè một chút thôi”, ông Bình kể.

Là người lạc quan, ông Bình không bị cú sốc nhấn chìm. Ông đăng ký học một khóa đào tạo về máy chữ, rồi về làm việc tại Viện Máy nông nghiệp.

Hữu duyên

Như được trời xe duyên, cửa hàng - nơi cô thợ may Nguyễn Thị Huê làm việc, nằm sát cơ quan của ông Trần Đăng Bình. Đây là nơi “tình yêu bắt đầu” của cặp đôi Trần Đăng Bình - Nguyễn Thị Huê. “Nhà tôi ở phố Khâm Thiên, hàng ngày tôi đi làm bằng xe buýt. Xuống xe, đi bộ qua cửa hàng may để vào cơ quan làm việc thì tôi cũng hay ghé qua vì thấy có người cùng cảnh và lại xinh xắn nữa. Là con trai, thấy người trẻ, đẹp thì thích thôi!”, ông Bình kể.

“Lúc bấy giờ tôi làm cho một cơ sở điều dưỡng thương binh và được điều ra đó làm. Hai cơ quan gần nhau, chúng tôi quen biết rồi tìm hiểu nhau”, bà Huê nhớ lại.

Khiếm khuyết ở chân vốn là trở ngại đã trở thành điểm chung giúp hai người dễ dàng đồng cảm. Tình yêu cứ thế lớn dần. Đó cũng yếu tố giúp ông Bình và bà Huê vượt mọi trở ngại để cùng nhau xây dựng hạnh phúc gia đình.

“Quen được người đồng cảnh, chúng tôi thấy dễ nói chuyện với nhau hơn. Ban đầu, gia đình tôi cũng ngăn cản khi chúng tôi định tiến tới hôn nhân, vì ai nhìn thấy chúng tôi với sức khỏe như thế cũng lo rằng lấy nhau rồi lấy gì mà sống, nhưng tôi đã thuyết phục được gia đình”, ông Bình kể.

“Hôm đám cưới của chúng tôi, cả họ nhà tôi khóc. Mọi người lo, không hiểu chúng tôi sẽ làm gì để đảm bảo cuộc sống gia đình. Tôi cũng phải thừa nhận hai người khuyết tật lấy nhau, cuộc sống rất khó khăn nhưng chúng tôi yêu thương nhau nên quyết tâm đến với nhau”, bà Huê nhớ lại.

Sự khiếm khuyết vì thế còn là động lực giúp ông Bình, bà Huê vượt qua những thời điểm khó khăn nhất sau khi “về chung một nhà”. “Tôi luôn nghĩ mình phải tự lực, phải cố gắng. Hai người cùng khó khăn thì cảng phải cố gắng hơn để vượt lên”, ông Bình chia sẻ. “Với người bình thường cố gắng một, người khuyết tật như chúng tôi phải cố gắng gấp hàng chục lần. Khi đó, tôi vừa bán hàng, vừa làm may. Có thời điểm tôi còn làm sữa chua để bán. Nửa đêm vẫn thức dậy vài lần để làm”, bà Huê nhớ lại.

Hạnh phúc nhân đôi

Ông trời không phụ người có ý chí và quyết tâm! Từ hai bàn tay trắng, ông Bình và bà Huê đã tạo dựng cuộc sống ổn định về kinh tế. Hơn thế, ông bà sinh và nuôi dạy hai người con trở thành trò giỏi của các trường trung học cơ sở và trung học phổ thông thuộc tốp đầu của Hà Nội. Cả hai hiện đã tốt nghiệp loại giỏi Trường Đại học Ngoại thương Hà Nội với tương lai đầy hứa hẹn. Đó là “trái ngọt” mà bất cứ bậc cha mẹ nào cũng mơ ước.

Bốn năm nay, ở cương vị Phó Chủ tịch Hội Người khuyết tật quận Hà Đông, Hà Nội, bà Huê còn lan tỏa yêu thương tới cộng đồng. Bà tham gia tích cực các hoạt động tại địa phương, nhất là việc kêu gọi các tổ chức, cá nhân ủng hộ tiền mặt, thuốc men, nhu yếu phẩm cho hội viên người khuyết tật nghèo, bệnh tật. “Tham gia vào hội tôi thấy nhiều người khó khăn hơn mình. Vì thế, lúc nào tôi cũng cố gắng tìm cách giúp cho hội viên của mình vơi bớt khó khăn”, bà Huê tâm sự.

Riêng cá nhân, bà Huê còn từng cùng với một hội viên nhận sửa chữa quần áo và dành số tiền thu được đóng góp vào Quỹ hỗ trợ hội viên khó khăn. Gần 3 năm nay, dù khó khăn trong di chuyển nhưng bà vẫn đứng ra thu gom các đồ tái chế, mang bán cho các cơ sở thu mua phế liệu để ủng hộ quỹ. “Trước cửa nhà tôi có cửa hàng bán hoa quả nhập khẩu. Họ hay có bìa carton bỏ đi thì tôi xin lại. Tôi nói rõ sẽ đem bán cho cửa hàng thu mua phế liệu để lấy tiền ủng hộ quỹ hỗ trợ người khuyết tật gặp khó khăn. Họ hiểu rõ nên cho tôi. Tôi cũng nói chuyện với hàng xóm như vậy và xin họ những chai nhựa, lọ nhựa khi muốn bỏ đi…. Họ biết ý nghĩa của việc mình làm nên ủng hộ”, bà Huê cho biết.

Đồng cảm với những người khuyết tật nên mỗi khi thấy vợ - bà Nguyễn Thị Huê, xin được các loại rác tái chế, ông Trần Đăng Bình cũng tham gia vào các công đoạn thu gom, cắt xén, gói gém, rồi giúp vợ chở đến cửa hàng thu mua phế liệu.

Không chỉ góp công, góp của, những khi rảnh, bà Huê còn luôn dành thời gian tới động viên, khích lệ những hội viên khó khăn, mắc bệnh hiểm nghèo. Có thể kể đến là trường hợp chị Nguyễn Thị Huyền. Bị suy thận mạn tính và sơ gan, chị Huyền mất hoàn toàn khả năng lao động. Nhờ nguồn hỗ trợ, những lời động viên từ bà Huê và các thành viên trong Hội Người khuyết tật quận Hà Đông, chị mới vượt qua được giai đoạn khó khăn nhất để điều trị bệnh. “Cô Huê tốt lắm, cô luôn quan tâm, động viên và giúp đỡ những người khó khăn như chúng tôi”, chị Huyền chia sẻ.

Với sự đồng cảm và những gì đã trải, bà Huê hiểu rõ tâm lý và thiệt thòi của người khuyết tật. Chính vì thế, mỗi khi giúp được ai đó vơi bớt khó khăn, có thêm niềm tin vào cuộc sống, bà Huê cũng thấy ấm lòng. “Mỗi khi giúp được ai đó điều gì, có khi chỉ là những lời động viên về tinh thần đúng lúc, thấy họ vui, tôi cũng thấy hạnh phúc”, bà Huê tâm sự.

Từ câu chuyện về khiếm khuyết trên cơ thể của bà Huê, vị đắng và trái ngọt mà bà nếm trải, có thể nói khuyết tật chỉ là sự bất tiện. Nó không phải là yếu tố quyết định hạnh phúc hay bất hạnh của con người. Mà hạnh phúc hay bất hạnh phụ thuộc rất lớn vào cách nhìn nhận và thái độ sống.

Nghe bài viết dưới đây: