“Chột tìm chủ mới”, “KiKi tìm chủ”, “Tìm chủ mới cho ba bạn chó bị bỏ rơi”, “Tìm chủ mới cho bé mèo lang thang”... là những tiêu đề thường được bắt gặp trên trang Fanpage “Trạm cứu hộ động vật Nông nghiệp Hà Nội”. Nhiều năm nay, Trạm không chỉ cứu trợ cho nhiều thú cưng bị bỏ rơi, tai nạn mà còn giúp tìm chủ mới cho những “người bạn bốn chân”.

Nguyễn Hải Long, Trưởng nhóm cứu hộ động vật Nông nghiệp Hà Nội cho biết: Chúng em nhận các thông tin tìm thấy các chú chó, mèo đi lạc, bị bệnh, chúng em khai thác thông tin qua facebook, zalo...và chuẩn bị đồ đi cứu hộ. Có những "bé" nào bị bệnh, tai nạn nặng thì chúng em nhờ hỗ trợ bên phòng khám, điều trị ổn định cho các "bé”.

Theo Lê Thị Lan Thương, một bạn trẻ yêu thú cưng, trong khi nhiều người chỉ có nhu cầu nuôi những "bé" lành lặn, khỏe mạnh, còn những động vật bị bệnh hoặc khuyết thiếu thì thường bị bỏ rơi. “Tình yêu của nhóm sinh viên Nông nghiệp dành cho đông vật là rất lớn, thông qua từng hành động, cử chỉ đối xử, chăm sóc, cho các "bé" ăn. Các "bé" thật may mắn khi gặp được các bạn ở Trạm” – Thương chia sẻ.

“Trạm cứu hộ động vật hỗ trợ các em chó, mèo gặp nguy hiểm, đưa các em về cứu chữa, chăm sóc và tìm cho các em chủ mới để các em có cuộc sống ổn định” - Nguyễn Thị Linh, chủ một chú mèo cho biết.

Bằng tình yêu thương động vật, nhóm sinh viên tại trạm cứu hộ động vật Nông nghiệp đã tiếp nhận, chăm sóc và tìm chủ mới cho hơn 2 nghìn chú chó mèo bệnh tật, bị bỏ rơi.

Trạm cứu hộ động vật Nông nghiệp Hà Nội là dãy nhà cấp 4 được các bạn sinh viên thuê và cải tạo lại nằm sâu trong con ngõ nhỏ ở đường Ngô Xuân Quảng (Gia Lâm, Hà Nội). Đúng như tên gọi, Trạm là nơi cứu hộ, cưu mang, chăm sóc, điều trị và tìm chủ cho các chú chó, mèo hoang, mắc bệnh, bị dị tật hoặc bị bỏ rơi.

Ngô Quang Minh, sinh viên năm cuối Khoa Thú y, Học viện Nông nghiệp Việt Nam đã tham gia cứu trợ được nhiều chú chó, mèo bị bỏ rơi, đi lạc bên ngoài. Có một chuyện mà Minh nhớ mãi, đó là lần cứu được chú mèo tên “Cam”.

Minh kể: “Ca ấn tượng nhất là bên phòng truyền nhiễm. Có một bạn mèo tên Cam, mắc bệnh truyền nhiễm được chủ mang tới trong tình trạng sức khỏe suy kiệt, chủ bạn ấy khóc rất nhiều”. Lúc ấy Minh cố gắng tận dụng hết tất cả những kiến thức học được vào cấp cứu, trợ sức. Thật may là sau đó chú mèo đã vượt qua được nguy kịch, ổn định trở lại. Thấy được nụ cười của người chủ khi chú mèo khỏe lên Minh cảm thấy rất vui. Đây cũng là động lực để Minh và nhóm sinh viên gắn bó lâu dài với Trạm.

Có nhiều bệnh truyền nhiễm giữa người và động vật. Nhưng Nguyễn Ngọc Nhi, sinh viên Khoa Thú y không lo ngại, bởi Nhi tự tin với những kiến thức đã được học ở trường, đồng thời chủ động chuẩn bị các biện pháp phòng chống lây nhiễm như tiêm phòng, sử dụng khẩu trang, đeo găng tay và không tiếp xúc trực tiếp với nguồn lây bệnh.

“Thường khi cứu hộ các "bé" thì nhiều "bé" bị bệnh ngoài da, bị nhiễm nắm hoặc ghẻ, ký sinh trùng bên ngoài, một số bệnh truyền nhiễm. Với những động vật bị bệnh truyền nhiễm thì sẽ được cách lý ở phòng riêng” – Nhi kể.

Trạm hiện có tất cả 32 bạn tình nguyện viên. Tùy theo lịch học mỗi tuần mà các bạn sẽ tự chia ca trực cho phù hợp. Thời điểm này, trạm nhận thêm rất nhiều chú chó, mèo bị bệnh. Công việc cũng vì thế mà nhiều lên.

Mỗi chú chó, mèo được cứu hộ đều có một hoàn cảnh đặc biệt. Nhưng dù là bị bệnh nặng, bị bỏ rơi thì các bạn tình nguyện viên như Đỗ Minh Phượng cũng đều tiếp nhận và gắng sức để giúp đỡ.

“Bọn em có nhiều khó khăn, cơ sở vật chất thiếu thốn, nhiều lúc không có đủ trang bị để cứu trợ các "bé". Hồi em mới vào chỉ là một nhà cấp 4 cũ, trời mưa lụt tới đầu gối, chúng em phải đưa các "bé" về nhà. Trời mà nắng thì mấy cái quạt không đỡ được. Giờ chúng em phải xây dựng lại hết, chứ các "bé" ở môi trường cũ thì không sống được, bệnh hơn” - Phượng tâm sự.

Có chứng kiến từng hành động, cử chỉ nâng niu, chăm sóc dành cho các chú chó, mèo bị bệnh, bị dị tật mới thấy rõ tình yêu dành cho động vật của các bạn trẻ là rất lớn.

Phần lớn tình nguyện ở Trạm là các bạn sinh viên chưa đi làm, chưa có kinh tế nên nguồn kinh phí để hỗ trợ các chú chó, mèo cũng hết sức eo hẹp. “Thường thường mỗi tháng chúng em trích quỹ nho nhỏ từ sinh hoạt cá nhân, khoảng 100 nghìn, cũng có những người chủ thú cưng họ biết đến thông tin thì họ ủng hộ” - Nguyễn Hải Long, Trưởng nhóm cứu trợ động vật Nông nghiệp chia sẻ.

Bằng tình yêu thương động vật, trạm cứu hộ do nhóm các bạn sinh viên Học viện Nông nghiệp thành lập đã luôn giúp đỡ, cưu mang nuôi dưỡng những đàn chó, mèo bị bỏ rơi.

Trần Phúc Lâm, người vừa nhận nuôi một chú chó tại Trạm cảm nhận: “Đây là hành động nhân văn, mình mong muốn các bạn ở Trạm tiếp tục cố gắng cứu hộ được nhiều chú chó, mèo hơn, lan tỏa tình yêu thương động vật đến với nhiều người hơn nữa”.

Trạm cứu hộ động vật Nông nghiệp Hà Nội thường xuyên cập nhật thông tin về các chú chó, mèo được cứu trợ trên Fanpage chính thức. Nếu bạn muốn đóng góp cho trạm thì có thể liên hệ tới địa chỉ: Số 5 ngõ 31/333/4 đường 5, Ngô Xuân Quảng, huyện Gia Lâm, TP. Hà Nội. Số điện thoại của trạm: 0981737545./.