“Vùng này cũng là một vùng hẻo lánh, năm 89-90, Bí thư tỉnh Sơn La, bác Tòng Thị Phóng về đây cũng vận động cả làng này phá bỏ cây thuốc phiện" - một buổi chiều cuối năm, A Chu ngồi bên hiên ngôi nhà sàn, chậm rãi kể câu chuyện: vì sao A Chu ngược dòng đất “nóng” thuốc phiện.
Tốt nghiệp ngành Công nghệ thực phẩm, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, trở về quê là bản Hua Tạt, xã Hua Tạt, huyện Vân Hồ, tỉnh Sơn La, A Chu suy nghĩ nhiều đêm và thấy rằng mình không thể tiếp tục cuộc sống như bố mẹ mình, như những người dân ở bản mình.
"Mình là những người có học mà mình về chúng nó cười mình, chúng nó buôn ma túy, chúng nó bảo mình là đi sang Lào mấy hôm là chúng mày sáng mắt thôi mà, chúng mày có thu nhập cao lên chúng mày thích gì chẳng được chứ đi học về làm nương thì nhục quá" - A Chu nhớ lại
Đúng lúc đang trăn trở về điều này thì anh gặp ông Dương Minh Bình, khi đó được huyện Mộc Châu mời lên khảo sát để phát triển du lịch gắn với nông nghiệp. Nghe ông Bình nói chuyện, A Chu vỡ ra nhiều điều.
"2 vợ chồng quyết định xây dựng mô hình du lịch với phương châm xây dựng du lịch dựa vào bản sắc văn hóa và khai thác trang phục dân tộc và một số điệu múa, tiếng sáo, tiếng khèn lá của người H’Mông để phục vụ cho du khách quốc tế và trong nước”, A Chu kể.
Thời gian đầu làm du lịch, vợ chồng A Chu chật vật xoay xở vì không có vốn, vừa chưa có kinh nghiệm. "A Chu đi vay không được, người ta nghĩ mình đi vay về để buôn ma túy vì trong giai đoạn đó Hua Tạt đang nổi cộm vì tệ nạn ma túy".
Hai vợ chồng lúc ấy trong tay không có tiền, A Chu thuyết phục bố, lúc đấy đang ốm nặng. Ông đã không đồng ý vì sợ A Chu không làm được, thế rồi sau nhiều đêm thuyết phục, bố cũng đã đồng ý, đưa A Chu sổ đỏ đi thế chấp để vay tiền ngân hàng.
Hàng ngày cứ 4h sáng, A Chu đi xe máy về thị trấn Mộc Châu cách Hua Tạt gần 30 cây số để mua sữa, mua các thứ khác và phải quay về trước 6h để khách kịp ăn sáng. Còn chị Hàng Thị Sua - vợ A Chu thì dậy mổ gà, nấu mì. Ngày đó, chưa có tiền mua được tủ lạnh, tủ cấp đông, nên dù giá rét, hay mưa, nắng, A Chu cũng đi xe máy như vậy. Sau này quen được các nhà xe đi giao bánh mì, bánh cuốn, sữa Mộc Châu… A Chu mới có thể đặt đồ và chỉ cần ra đầu đường quốc lộ 6 đón xe.
"Năm đầu tiên khoảng 300 khách thôi, năm thứ 2 đông dần chủ yếu là khách nước ngoài tại vì khách Việt rất lo vì vào vùng Vân Hồ này có ma túy, có nghiện ngập."
Sau 10 năm lập nghiệp làm du lịch, đến nay homestay của A Chu ngày càng hoàn thiện với 10 phòng riêng và hai nhà sàn chung với quy mô chứa khoảng 60 khách/ngày. Giờ đây homestay của anh này đã trở thành địa chỉ "đỏ" của khách du lịch trong nước và du khách nước ngoài mỗi khi đến với Vân Hồ vào những dịp cuối tuần, nghỉ lễ, Tết.
“10 năm, trong hành trình đó thì ngày nào 2 vợ chồng cũng quát nhau cả”, A Chu cười lớn.
Có lần A Chu nói với vợ, đốt nhà sàn thôi, bỏ không làm du lịch nữa!
Hiện ở Hua Tạt còn có 5 hộ gia đình khác cùng A Chu làm du lịch. "Mọi người bắt đầu hiểu về du lịch cộng đồng, bây giờ thấy có khách ra vào là mọi người chào nói vui vẻ, khách lên du lịch còn ăn Tết với bà con say sưa hết, đấy là điều mình cảm thấy cộng đồng đang nhìn nhận, cảm thông và nhận thấy du lịch đang đem lại thu nhập nhưng phải có tri thức, phải có sự kiên trì và học tập không ngừng thì mới duy trì được dịch vụ này".
Và mong ước lớn nhất của anh là giữ được bản sắc văn hóa của đồng bào mình, thắp lửa cho thế hệ trẻ tình yêu giữ gìn bản sắc, văn hóa của người Mông. Xây dựng Bảo tàng trưng bày những đồ dùng sinh hoạt, trang phục, dụng cụ làm nương của người Mông, như một cách lưu giữ và bảo tồn văn hóa cho đời sau.
"A Chu thấy mình không giàu về cái gì cả, bây giờ 2 vợ chồng nợ còn rất nhiều nhưng thấy xứng đáng tại vì mọi người được chăm sóc ông bà ở nhà, được ăn Tết ở ngay sân nhà mình, mọi người có thêm thu nhập, được gần gũi với gia đình, những lúc ốm đau có gia đình đó là điều mừng nhất".
Chặng đường 10 năm của người đàn ông lựa chọn “vác đá ngược núi” được phóng viên Đài Tiếng nói Việt Nam ghi lại bằng những câu chuyện và chia sẻ chân thực từ những người dân đang sống ở Hua Tạt. Mời quý vị và các bạn cùng nghe: