Năm 1977, ông Nguyễn Văn Thời ra quân với 62% thương tật. Cuộc sống vợ chồng hạnh phúc chưa được bao lâu thì ông lại sớm chịu cảnh gà trống nuôi 3 người con. Dù thương tật, đau yếu và phải chịu biến cố gia đình nhưng lúc nào ông cũng mạnh mẽ, kiên cường và đầy nghị lực. Ông bảo đã là lính thì không được phép đầu hàng số phận.

Từ khi xuất ngũ trở về ông Thời cũng phải lặn lội, bươn trải nhiều nghề để nuôi các con. Vì vậy ông thấu hiểu hơn nỗi khó khăn của những thương binh như mình khi tìm kiếm việc làm. “Anh em trở về chủ yếu là thương binh, cơ quan nhà nước cũng khó xin nên những đồng đội ốm yếu khó xin việc, chúng tôi tụ họp về đây thành lập đội xe ba bánh, những anh em yếu tay, yếu chân vẫn có thể ngồi lên như xe máy nhưng có thể chở hàng được. Công ty Tây Trường Sơn mang trong đó là nghĩa tình đồng đội và đùm bọc lẫn nhau”, ông Thời chia sẻ.

Sau bao trăn trở đến năm 2005 công ty Cổ phần đồng đội Tây Trường Sơn trực thuộc Hiệp hội doanh nghiệp thương binh và người khuyết tật Việt Nam ra đời. Và đó cũng là dấu mốc của những cựu chiến binh khởi nghiệp.

Hiện nay, công ty có hơn 200 thành viên. Mỗi người một hoàn cảnh, một số phận khác nhau nhưng tất cả đều là thương bệnh binh, được tôi luyện, trưởng thành trong quân đội, từng kinh qua “mưa bom, bão đạn”, đối diện sự sống - cái chết chỉ trong gang tấc nên họ hiểu hơn ai hết sự thiêng liêng của tình đồng chí, đồng đội. “Tôi thích nhất khi vào Tây Trường Sơn là mọi người đều thương nhau và trong sâu thẳm vẫn còn tình đồng chí, đồng đội, ngày xưa khói lửa chia nhau từng bát cơm, củ sắn, bây giờ tình đồng chí, đồng đội vẫn vậy”, ông Lê Thế Mạnh xúc động.

Ông Phạm Văn Hùng ở quận Hoàng Mai – Hà Nội mang trong mình nhiều bệnh như: hen suyễn, co thắt phế quản nên khó xin việc vì chẳng nơi nào dám nhận người lớn tuổi vào làm. Thế nhưng khi được gặp ông Thời, ông được khuyến khích đi học bằng lái xe A3 để chở những mặt hàng nhẹ. Cuộc sống của ông vì thế cũng khá hơn khi có đồng ra đồng vào. Vào công ty được anh Thời giúp đỡ, không có tiền được anh giúp tiền mua xe, đợt trước nằm viện do viêm phổi cũng được anh em đến động viên, chia sẻ xúc động lắm. Nếu không vào công ty thì mình thấy cô đơn, lạc lõng, ở đây có tập thể vui và quan trọng là tình đồng đội tuyệt vời, ông Hùng trải lòng.

Tự ti vì sức khỏe giảm sút, chưa qua đào tạo nghề, thiếu kinh nghiệm, khả năng tiếp cận, ứng dụng khoa học, kỹ thuật chậm hơn so với thế hệ trẻ…những điều đó khiến ông Nguyễn Vinh Hiển chẳng dám xin việc ở đâu. Từ ngày được vào làm ở công ty, ông Hiển đã cởi bỏ được sự mặc cảm đó.

Trước sự đùm bọc, giúp đỡ đầy tình nghĩa như anh em một nhà của những người lính Tây Trường Sơn nên sức khỏe dù không được tốt nhưng nhiều năm nay ông Vũ Văn Thịnh vẫn luôn cố gắng vươn lên cùng vợ con phát triển kinh tế gia đình. Với ông điều quý nhất là luôn có sự động viên, quan tâm của những người đồng chí, đồng đội.

Dù cuộc sống có gian khổ, có vất vả đến đâu nhưng những người lính cựu ở Công ty Cổ phần đồng đội Tây Trường Sơn vẫn nắm tay dìu nhau bước tiếp để thắt chặt thêm tình đồng chí, đồng đội như những ngày còn trong quân ngũ.

Giữa những năm tháng chiến tranh ác liệt, gian khổ, tình đồng chí, đồng đội đã tạo nên sức mạnh đoàn kết để đánh thắng kẻ thù xâm lược. Trở về đời thường, tình cảm ấy vẫn sống mãi với thời gian với hơi ấm của sự đùm bọc, sẻ chia./.

Mời nghe chương trình tại đây: