"Rừng ngập mặn được gọi là các "chiến binh khí hậu". Trong dịp này, Bộ Tài nguyên và Môi trường và các đơn vị đồng hành trao tặng Khu Bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Thái Thụy và người dân huyện Thái Thụy 10.000 cây xanh gồm cây Trang và cây Thủy liễu (cây bần chua). Trong đó, hơn 1.000 cây xanh được trồng tại buổi Lễ hôm nay và 9.000 cây xanh còn lại sẽ được Ban Tổ chức triển khai trồng cây từ sau buổi lễ đến hết ngày 30 tháng 3 năm 2025.

Ông Đỗ Đức Duy, Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết: hơn 10.000 cây xanh được trồng tại Chương trình là những cây bản địa phù hợp với điều kiện tự nhiên, thổ nhưỡng, khí hậu của vùng đất ngập nước tỉnh Thái Bình, góp phần bảo tồn đa dạng sinh học, bảo vệ các hệ sinh thái đất ngập nước, phòng chống thiên tai, xâm nhập mặn, ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo vệ đê biển, chắn sóng và tạo sinh kế bền vững cho nhân dân địa phương.

Việt Nam có khoảng 12 triệu ha đất ngập nước, chiếm khoảng 37% tổng diện tích đất tự nhiên của cả nước. Các hệ sinh thái đất ngập nước tự nhiên quan trọng như các hồ, đầm, rừng ngập mặn, vùng đất ngập nước ven biển rất có giá trị về đa dạng sinh học.

Trong bài phát biểu, bà Ramla Khalidi, Đại diện Thường trú Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam nhấn mạnh: đất ngập nước và rừng ngập mặn không chỉ là đơn thuần là cảnh quan thiên nhiên mà còn có vai trò huyết mạch trong việc bảo vệ các cộng đồng ven biển giảm thiểu tác động của các cơn bão và lũ lụt, là nguồn lưu trữ carbon để chống lại biến đổi khí hậu và nuôi dưỡng, gìn giữ các dịch vụ hệ sinh thái và đa dạng sinh học phong phú.

"Đối với hàng triệu người dân Việt Nam, các hệ sinh thái này rất cần thiết cho sinh kế của họ; cung cấp thực phẩm, nguồn nước và tài nguyên cho cuộc sống bền vững. Bảo vệ các hệ sinh thái này vừa là trách nhiệm chung vừa là khoản đầu tư quan trọng cho tương lai".

Năm 2019, UNDP đã đồng hành và hỗ trợ tỉnh Thái Bình trong việc thành lập Khu bảo tồn đất ngập nước Thái Thụy. "Việc chăm sóc và gìn giữ khu bảo tồn này là minh chứng cho thấy Việt Nam có thể theo đuổi tăng trưởng và phát triển kinh tế mà không phải hy sinh, đánh đổi môi trường" - bà Ramla Khalidi khẳng định.

Trong nỗ lực bảo tồn và phục hồi các hệ sinh thái đất ngập nước và rừng ngập mặn nói chung, UNDP đã hợp tác lâu dài với Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn và chính quyền địa phương. Đó là trồng và phục hồi hơn 4.000 ha rừng ngập mặn kể từ năm 2017, kế hoạch trồng thêm 1.000 ha trong những năm tới. Thông qua sáng kiến ​​Lời hứa khí hậu (Climate Promise), UNDP đang hỗ trợ xây dựng cơ sở dữ liệu carbon rừng ngập mặn ven biển, để làm đầu vào quan trọng cho các chính sách về bảo tồn và ứng phó với khí hậu.

Bà Ramla Khalidi đánh giá cao sự kiện Tết trồng cây với sự hợp tác và đồng hành giữa các bên liên quan khác nhau — các cơ quan chính phủ, tổ chức chính trị-xã hội, khối tư nhân và cộng đồng trong việc chung tay bảo vệ di sản thiên nhiên của chúng ta. Những nỗ lực của mỗi thành viên cộng đồng sẽ giúp đảm bảo các thế hệ tương lai được thừa hưởng một môi trường lành mạnh hơn, có sức chống chịu tốt hơn.

Lễ phát động Tết trồng cây “Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ”, xuân Ất Tỵ năm 2025 năm nay, cũng là dịp hưởng ứng Ngày Đất ngập nước thế giới năm 2025 (02/02/2025), với chủ đề “Bảo vệ đất ngập nước vì tương lai của chúng ta”; Chủ đề Ngày Đất ngập nước thế giới năm nay với mục tiêu nhấn mạnh sự chung tay góp sức của cộng đồng để bảo vệ các hệ sinh thái đất ngập nước, hướng đến thế giới mà tất cả mọi người có thể tiếp tục hưởng lợi từ các dịch vụ duy trì sự sống mà đất ngập nước cung cấp.

Về phía địa phương, ông Nguyễn Mạnh Hùng - Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Thái Bình cho biết, những năm qua, biến đổi khí hậu đã gây ra những thách thức to lớn đối với môi trường. Việc bảo vệ rừng, trồng cây và bảo vệ môi trường sinh thái là một trong những giải pháp quan trọng nhằm thích ứng với biến đổi khí hậu.

Nhân dịp này, ông Hùng kêu gọi các cơ quan, tổ chức, đoàn thể, doanh nghiệp, người dân hãy luôn đề cao vai trò, tầm quan trọng của các hệ sinh thái đất ngập nước trong việc bảo vệ đa dạng sinh học và đảm bảo môi trường sống cho con người.

"Chúng ta hãy luôn đề cao vai trò, tầm quan trọng của các hệ sinh thái đất ngập nước trong việc bảo vệ đa dạng sinh học và đảm bảo môi trường sống cho con người. Thiên nhiên đã tạo nên vùng đất ngập nước tại vùng ven biển tỉnh Thái Bình, với giá trị cao về đa dạng sinh học. Hiện tỉnh Thái Bình đã thành lập hai khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước (Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Thái Thụy và Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Tiền Hải), nơi đây là nơi cư trú của nhiều loài động, thực vật nằm trong sách đỏ của Việt Nam và thế giới... Do đó, bảo vệ và phát triển các khu vực này là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng" ông Hùng nhấn mạnh.

Theo đó, các cấp, các ngành, cơ quan, đơn vị, địa phương, mọi nhà, mọi người dân cần ý thức rõ trách nhiệm bảo vệ môi trường sinh thái, cần tập trung bảo vệ các vùng đất ngập nước, trồng các loại cây phù hợp với các vùng đất ngập nước để nhanh hình thành và phát triển rừng; phải đẩy mạnh các phong trào trồng cây xanh, nâng cao ý thức và có biện pháp hữu hiệu để bảo vệ rừng, ngăn chặn tình trạng chặt phá, đốt rừng, khai thác rừng trái phép./