Sáng 13/11, các đại biểu Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về hoạt động chất vấn tại kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV. Nghị quyết nêu rõ, sau 2,5 ngày làm việc khẩn trương, nghiêm túc, Quốc hội đã hoàn thành phiên chất vấn và trả lời chất vấn đầu tiên của nhiệm kỳ khóa XV trong không khí dân chủ, thẳng thắn, sôi nổi, xây dựng.

Các đại biểu Quốc hội đã tập trung chất vấn đối với những vấn đề trọng tâm trong các lĩnh vực y tế, lao động, thương binh và xã hội, giáo dục và đào tạo, kế hoạch và đầu tư, là các vấn đề được cử tri và Nhân dân cả nước đang rất quan tâm. Các Bộ trưởng được phân công trả lời đúng trọng tâm, rõ ràng, đầy đủ các vấn đề được đại biểu Quốc hội chất vấn.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã thay mặt Chính phủ báo cáo làm rõ những vấn đề thuộc trách nhiệm chung của Chính phủ và trực tiếp trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội.

Việc tổ chức chất vấn và trả lời chất vấn cơ bản đáp ứng yêu cầu đề ra, được dư luận và Nhân dân đánh giá cao.

Quốc hội yêu cầu Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ tập trung thực hiện những giải pháp, cam kết, khắc phục những tồn tại, hạn chế, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong công tác quản lý nhà nước trên các lĩnh vực được chất vấn.

Trước ngày 01/01/2022, ban hành Chiến lược tổng thể phòng, chống dịch COVID-19

Đối với lĩnh vực y tế, Nghị quyết của Quốc hội yêu cầu trước ngày 01/01/2022, ban hành Chiến lược tổng thể phòng, chống dịch COVID-19 với các phương án, kịch bản cụ thể, sát với tình hình, không để lúng túng, bị động, bất ngờ. Sớm khắc phục những vấn đề chưa thống nhất, thiếu nhất quán trong chỉ đạo, điều hành, triển khai thực hiện.

Từng bước hoàn thiện hệ thống pháp luật về việc áp dụng tình trạng khẩn cấp về dịch bệnh, phòng, chống bệnh truyền nhiễm, khám bệnh, chữa bệnh, bảo hiểm y tế, quản lý và sử dụng thuốc chữa bệnh, quản lý và mua sắm trang thiết bị y tế.

“Khẩn trương nghiên cứu xem xét, đưa một số loại trang thiết bị, vật tư y tế (bao gồm kit xét nghiệm COVID-19) vào danh mục quản lý giá, bình ổn giá; ban hành quy định về mức giá trần xét nghiệm COVID-19 đối với cơ sở y tế tư nhân", Nghị quyết nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, Nghị quyết cũng yêu cầu Chính phủ, Bộ Y yế và các Bộ, ngành đầu năm 2022 phấn đấu hoàn thành tỷ lệ tiêm chủng đủ liều vaccine bao phủ dân số trên 18 tuổi đạt 100%, ưu tiên sớm tiêm vắc xin cho người trên 50 tuổi (trừ đối tượng thuộc diện chống chỉ định tiêm vaccine).

Nghiên cứu chuẩn bị kỹ lưỡng tiêm vắc xin cho trẻ dưới 18 tuổi; triển khai kế hoạch tiêm mũi thứ ba. Trong năm 2022, sớm xem xét cấp phép sản xuất cho vaccine trong nước và đưa vào sử dụng, tiến tới tự chủ nguồn vaccine.

Đặc biệt, trong năm 2022, giải quyết dứt điểm việc phân cấp quản lý đối với hệ thống trung tâm y tế cấp huyện, trạm y tế cấp xã theo hướng giao Ủy ban nhân dân cấp huyện quản lý ở những nơi đủ điều kiện theo quy định của Bộ Y tế. Đồng thời, trong năm 2022, trình cơ quan có thẩm quyền xem xét, quyết định Đề án tăng cường năng lực hệ thống y tế để triển khai thực hiện.

Phải có giải pháp “giữ chân”, “thu hút” lao động quay trở lại nơi làm việc

Đối với lĩnh vực lao động, thương binh và xã hội, Nghị quyết Quốc hội yêu cầu Chính phủ và các Bộ, ngành đẩy nhanh việc triển khai các gói hỗ trợ đối tượng bị ảnh hưởng của dịch COVID-19, bảo đảm thuận lợi, chính xác, nhanh chóng.

Rà soát, nghiên cứu để có đề xuất hỗ trợ kịp thời đối với người dân có hoàn cảnh khó khăn nhưng không thuộc đối tượng theo quy định đã ban hành, quan tâm nhóm đối tượng yếu thế. Tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi tiêu cực, trục lợi chính sách.

Trong năm 2021, ban hành và triển khai thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển thị trường lao động và an sinh xã hội phù hợp với tổng thể Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Trong đó, đặc biệt quan tâm việc phân bố lại dân cư và lao động trên phạm vi toàn quốc, việc đào tạo, đào tạo lại nguồn nhân lực, nâng cao kỹ năng nghề, vấn đề nhà ở cho công nhân, người lao động...

Xây dựng phương án hiệu quả khắc phục tình trạng số lượng lớn người lao động di chuyển tự phát khỏi các tỉnh, thành phố lớn, bảo đảm an sinh xã hội tại các địa phương, nhất là các địa phương có người lao động hồi hương. Có giải pháp “giữ chân” và “thu hút” lực lượng lao động quay trở lại nơi làm việc. Khắc phục tình trạng thiếu hụt lao động tại các vùng kinh tế trọng điểm.

Rà soát, ban hành chính sách bảo trợ đối với trẻ em mồ côi do dịch COVID-19, bảo đảm trẻ em có nơi nương tựa, không bị bỏ rơi.

“Khẩn trương làm rõ các vấn đề dư luận quan tâm trong thời gian qua; đồng thời, tăng cường kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm tổ chức, cá nhân có sai phạm trong việc thực hiện chính sách trợ giúp xã hội và quản lý vận động, tiếp nhận, sử dụng nguồn đóng góp tự nguyện; lợi dụng thiên tai, dịch bệnh, các hoàn cảnh khó khăn để kêu gọi hỗ trợ từ thiện, trục lợi”, Nghị quyết của Quốc hội nêu.

Yêu cầu xây dựng lộ trình, phương án cụ thể cho học sinh, sinh viên trở lại trường

Về lĩnh vực Giáo dục, Nghị quyết Quốc hội yêu cầu đánh giá đầy đủ, chính xác tác động của dịch COVID-19, cả thách thức và cơ hội đối với lĩnh vực giáo dục và đào tạo, chủ động xây dựng chiến lược tổng thể, kế hoạch triển khai của ngành giáo dục và đào tạo thích ứng với dịch bệnh.

Đầu năm 2022, tiến hành rà soát, đánh giá hiệu quả học tập trực tuyến, học tập qua truyền hình của các nhóm đối tượng học sinh, sinh viên, nhất là học sinh tiểu học; có giải pháp bảo đảm chất lượng, bổ sung kiến thức cho học sinh khi trở lại trường học.

Nghị quyết yêu cầu Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp chặt chẽ với Bộ Y tế và các địa phương nghiên cứu kỹ lưỡng, sớm triển khai chương trình tiêm vaccine phòng, chống COVID-19 cho học sinh. Thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn trường học, hệ thống y tế trường học. Xây dựng chiến lược, lộ trình, phương án cụ thể cho học sinh, sinh viên trở lại trường học tập trung.

Tiếp tục rút kinh nghiệm tổ chức thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2021, hoàn thiện phương án tổ chức thi cho năm 2022 bảo đảm an toàn, chất lượng, phù hợp với tình hình dịch bệnh.

Bên cạnh đó Nghị quyết của Quốc hội cũng yêu cầu Bộ Giáo dục và Đào tạo tăng cường thanh tra, kiểm tra, nhất là hoạt động dạy thêm, học thêm. Tiếp tục hoàn thiện cơ chế tự chủ cho các trường đại học, định hướng phát triển các trường đại học, cao đẳng sư phạm. Tăng cường quản lý việc mở ngành đào tạo khối sức khỏe của các trường đại học...

Tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong đầu tư công

Đối với lĩnh vực Kế hoạch-Đầu tư, Nghị quyết yêu cầu đánh giá sâu sắc, toàn diện những tác động của dịch COVID-19 đến tình hình kinh tế - xã hội của đất nước. Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội phải có sự điều hành linh hoạt, hiệu quả, bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, chú trọng cả về tổng cung và tổng cầu, có trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào các khu vực thực sự cấp bách và cần thiết, có khả năng hấp thụ vốn, theo lộ trình phù hợp trong giai đoạn 2022 - 2023.

Đồng thời, xây dựng những chương trình quản lý rủi ro, đảm bảo cho việc huy động, phân bổ các nguồn lực được công khai, minh bạch, đúng mục đích, hiệu quả, chống thất thoát, lãng phí, chống lợi ích nhóm, tiêu cực và tham nhũng trong quá trình phân bổ và sử dụng chính sách hỗ trợ này.

Tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong đầu tư công, đánh giá thực trạng, xác định nguyên nhân khách quan và chủ quan, trách nhiệm của tổ chức, cá nhân có liên quan và trách nhiệm của người đứng đầu, có biện pháp quyết liệt trong việc chuẩn bị đầu tư, phân bổ vốn, giải ngân kế toán và quyết toán vốn đầu tư.