Nghe chương trình tại đây:

Chủ động, rà soát trước mùa mưa bão

Truyền tải điện Đông Bắc 1 hiện đang quản lý 06 TBA (01 TBA 500kV và 05 TBA 220kV) với tổng công suất 3200 MVA, khối lượng các tuyến đường dây có 38 đường dây (10 đường dây 500kV và 28 đường dây 220kV).

Đối với lưới truyền tải khu vực Quảng Ninh (thuộc Truyền tải điện Đông Bắc 1, Công ty truyền tải điện 1) khối lượng đi qua vùng núi cao chiếm khoảng 75-80%. Do vậy vào mùa mưa bão các vị trí cột có nguy cơ bị sạt lở móng cột. Ông Phạm Minh Khôi - Phó giám đốc phụ trách đường dây Truyền tải điện Đông Bắc 1 cho biết: Hàng năm đơn vị chủ động phòng chống sạt lở các điểm cột trước mùa mưa bão.

"Cuối năm liền kề chúng tôi đã lập các phương án cho mùa mưa trên cơ sở dữ liệu trong quá trình quản lý vận hành thu thập được. Đối với những điểm có nguy cơ sạt lở, các đội sẽ thực hiện che phủ bạt, chằng néo cột..." - ông Khôi nói - đơn vị luôn nắm sẵn dữ liệu, tập trung kiểm tra theo mức độ ưu tiên, đưa nhân lực, vật lực đến các vị trí để sẵn sàng ứng phó.

Có 6 điểm có nguy cơ sạt lở móng cột nằm ở vị trí đấu nối với các nhà máy nhiệt điện đó là: 6 vị trí đường dây 220kV gồm: vị trí 17 ĐZ 220kV Phả Lại- Bắc Giang, vị trí 185 ĐZ 220 kV Hải Hà - Cẩm Phả, vị trí 64 ĐZ 220 kV Quảng Ninh-Cẩm Phả, vị trí 28 ĐZ 220 kV Sơn Động -Tràng Bạch, vị trí 09 ĐZ 220 kV Mạo Khê-Tràng Bạch; một số điểm vượt sông Thái Bình, sông Kinh Thầy; một số điểm trên khu vực Nam Sách, Chí Linh thuộc tỉnh Hải Dương. Đây đều là những vị trí đặc biệt quan trọng trong việc truyền tải công suất các từ các nhà máy nhiệt điện ở Quảng Ninh, Hải Dương và nhiệt điện Sơn Động (Bắc Giang) vào với lưới điện truyền tải quốc gia.

"Đơn vị thường xuyên giữ mối liên hệ với chính quyền địa phương ở những điểm xung yếu cần lưu tâm, các cơ quan ban ngành lân cận các vị trí móng cột như các công ty than, khi cần thiết, họ giúp đỡ máy móc phương tiện để ứng phó kịp thời" - ông Phạm Minh Khôi cho biết.

Người dân cùng bảo vệ đường dây

Trạm 500kV Quảng Ninh đóng tại xã Thống Nhất, thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh. "Đây là đường điện quốc gia, truyền tải điện từ các nhà máy về để phát triển kinh tế toàn quốc" - ông Nguyễn Hồng Tráng người dân trong xã nói về đường dây đi qua địa bàn xã mình.

Người làm truyền tải điện ngoài vững về chuyên môn còn phải giỏi về dân vận. Anh Nguyễn Giang Nam đội truyền tải điện Hạ Long lần nào đi kiểm tra các vị trí, đường dây đều ghé qua nhà ông Tráng và một số hộ dân sống quanh đây.

"Đây là công việc thường xuyên của chúng tôi, vừa kiểm tra vừa tuyên truyền đến các hộ dân để đường dây vận hành an toàn, truyền tải liên tục" - anh Nam chia sẻ.

Ngày qua ngày, sự có mặt của những người lính truyền tải trên địa bàn xã đã không còn xa lạ với người dân. "Xác định quản lý đường dây suốt đời nên người dân như là gia đình chúng tôi".

Ông Nguyễn Đình Đàn - Phó Chủ tịch UBND xã Thống Nhất, TP. Hạ Long (Quảng Ninh) cho biết: Xã đã phối hợp rất tốt với đơn vị truyền tải điện để thực hiện công tác tuyên truyền phổ biến đến người dân cùng nắm được chủ trương, các quy định của nhà nước về an toàn hành lang lưới điện cao áp.

"Những năm qua trên địa bàn xã đã không để xảy ra sự cố do vi phạm an toàn hành lang lưới điện cao áp" - ông Đàn tự hào về điều này.

Bên cạnh sức người, Truyền tải điện Đông Bắc 1 đã triển khai các ứng dụng khoa học công nghệ để thực hiện giám sát hành lang lưới điện tại một số vị trí nguy cơ cao về mất an toàn. Đơn vị đã trang bị 8 camera nhằm kịp thời phát hiện các nguy cơ cháy rừng hay các vi phạm hành lang an toàn lưới điện truyền tải./.