Không khí của một buổi học ngoại khóa về phòng cháy, chữa cháy (PCCC) tại Trường Tiểu học Dịch Vọng A, quận Cầu Giấy, Hà Nội đem lại cho học sinh sự hứng thú khác biệt so với những nội dung từng học trước đó. Không chỉ được cung cấp kiến thức cơ bản về PCCC, nhận diện lính cứu hỏa, học sinh còn được trải nghiệm và thực hành các kỹ năng như thoát nạn trong môi trường khói, khí độc, thoát nạn trong địa hình nhà cao tầng, sơ cấp cứu cho người bị nạn… Số lượng học sinh tham gia rất lớn - hơn 1.500 em nhưng tất cả đều chăm chú lắng nghe hướng dẫn của những người lính cứu hỏa.
Khi đã nắm rõ kiến thức, em nào em nấy đều hào hứng thực hành các kỹ năng sinh tồn khi xảy ra sự cố cháy nổ. “Đây là lần đầu tiên con được học và thực hành về phòng cháy, chữa cháy. Con thấy rất bổ ích; sau khi được nghe hướng dẫn và thực hành, giờ con đã biết cách sử dụng bình cứu hỏa và thoát nạn khi xảy ra hỏa hoạn”, hai học sinh của Trường Tiểu học Dịch Vọng A chia sẻ.
Cô Nguyễn Thị Trúc Quỳnh, Phó Hiệu trưởng Trường tiểu học Dịch Vọng A, quận Cầu Giấy cho biết, thời gian gần đây liên tiếp xảy ra các vụ cháy. Trong đó, có một vụ xảy ra tại trường trung học cơ sở Văn Quán, phường Văn Quán, quận Hà Đông, Hà Nội. Dù không gây thiệt hại về người nhưng sự việc này khiến cô càng thêm lo lắng về nguy cơ cháy nổ, bởi đây là nơi luôn có hàng nghìn người đến học tập, làm việc mỗi ngày. Hơn thế, trong số này chủ yếu là học sinh - đối tượng còn thiếu kiến thức và kỹ năng về PCCC. Để giảm thiểu rủi ro cũng như thiệt hại không đáng có do cháy nổ gây ra, nhà trường đã chủ động phối hợp với lực lượng công an về PCCC trên địa bàn, tổ chức các buổi truyền thông, nâng cao nhận thức, ý thức và kỹ năng cho học sinh và giáo viên trong các giờ học ngoại khóa. “Tôi thấy rằng thông qua những buổi giáo dục trải nghiệm, các em đã biết cách bảo vệ bản thân mình khi xảy ra hỏa hoạn”, cô Quỳnh đánh giá.
Trường học là nơi tập trung đông người, đặc biệt là các trường mẫu giáo, tiểu học, trung học cơ sở. Đây là nơi tiềm ẩn nguy cơ xảy ra cháy nổ do các sự cố về nguồn điện, nguồn nhiệt từ việc sử dụng lửa tại bếp ăn, phòng thí nghiệm; nguồn điện chạy các thiết bị làm mát như điều hòa vào mùa nắng nóng bị quá tải... Qua nghiên cứu và từ thực tế, Thiếu tá Nguyễn Xuân Linh, Đội Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy, Công an quận Cầu Giấy còn nhận ra học sinh là đối tượng dễ bị hoảng loạn khi xảy ra cháy nổ. Chính vì thế, trường học là một trong những cơ sở luôn nhận được sự quan tâm đặc biệt của lực lượng PCCC. Ngoài việc thường xuyên đi kiểm tra hệ thống PCCC tại các cơ sở này, đơn vị còn luôn đổi mới công tác tuyên truyền để học sinh dễ tiếp thu kiến thức và kỹ năng phòng cháy, chữa cháy. “Chúng tôi vừa giảng giải lý thuyết theo cách truyền thống vừa sử dụng các bài giảng điện tử. Sau mỗi bài giảng, chúng tôi cho các em thực hành, giúp các em nâng cao nhận thức, lan tỏa việc nêu cao ý thức cho phụ huynh và người thân”, Thiếu tá Nguyễn Xuân Linh cho biết.
Chưa khi nào tình trạng hỏa hoạn, cháy nổ lại xảy ra liên tục như thời gian qua. Hậu quả mà nó gây ra cũng rất nặng nề, không chỉ thiệt hại về tài sản mà còn để lại nỗi đau khôn nguôi. Việc các nhà trường phối hợp với đơn vị chức năng tổ chức tuyên truyền, tập huấn về phòng cháy, chữa cháy vì thế là rất thiết thực. Có thể nói, đây là giải pháp hiệu quả để giảm thiểu nguy cơ cháy nổ cũng như thiệt hại nếu chẳng may xảy ra sự cố dẫn đến hỏa hoạn.
Nghe bài viết dưới đây: