Việc kết nối tiêu thụ nông sản Việt trên nền tảng số đã giúp cho người nông dân, doanh nghiệp nông nghiệp gia tăng giá trị, đưa hàng nông sản nước ta ra thị trường quốc tế. Đây cũng là nhận định của bà Ngô Tường Vy, Tổng giám đốc công ty cổ phần Tập đoàn Xuất nhập khẩu Trái cây Chánh Thu, Bến Tre – một trong những doanh nghiệp đưa trái bưởi của Việt Nam thành công vào thị trường Mỹ.

Việc kết nối tiêu thụ hàng nông sản bằng các nền tảng số đã giúp cho hàng Việt tăng vị thế trong chuỗi giá trị. Những phần mềm “made in Vietnam” cũng góp phần không nhỏ trong việc đưa hàng nông sản Việt lên sàn thương mại quốc tế. Theo ông Phan Việt Hoàn, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Cung ứng Thực phẩm sạch Freshdi, phát triển các giải pháp nâng cao hiệu quả chuỗi giá trị từ sản xuất đến tiêu thụ giúp gia tăng giá trị sản phẩm nông sản. Sàn thương mại điện tử Freshdi kết nối trực tiếp đơn vị phân phối với nhà sản xuất, dựa trên giải pháp truy xuất và xác thực xuyên suốt chuỗi cung ứng thực phẩm theo nguyên tắc “một bước trước, một bước sau”. Mục tiêu của Freshdi là phát triển thành công các giải pháp công nghệ đang thực hiện và triển khai trên quy mô toàn cầu, từ đó đưa hàng nông sản Việt đi khắp các thị trường quốc tế.

Để hàng Việt lên sàn quốc tế thì ngay từ khâu đầu tiên cần phải thực hiện nghiêm túc vì khi hội nhập, hàng hóa của nước ta phải đối mặt với hàng rào kỹ thuật của các thị trường. Nếu muốn đưa hàng nông sản ra thị trường quốc tế thì cần tuân thủ các luật lệ chung và truy xuất nguồn gốc chính là một trong những cách thức để hàng Việt bước vào các thị trường lớn. Theo ông Lê Nhật Thành, Giám đốc Trung tâm kiểm dịch thực vật sau nhập khẩu I - Cục Bảo vệ thực vật, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, truy xuất nguồn gốc sản phẩm và kiểm soát được dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trên nông sản xuất khẩu theo yêu cầu của các nước nhập khẩu là một trong những yếu tố cần ứng dụng công nghệ số. Từ đó, chúng ta sẽ đáp ứng các điều kiện bắt buộc phải tuân thủ trong thỏa thuận hợp tác ký kết giữa hai cơ quan bảo vệ thực vật quốc gia về Chương trình làm việc/Nghị định thư xuất khẩu quả tươi từ Việt Nam sang nước nhập khẩu tương ứng.

Ứng dụng công nghệ số để kết nối, tiêu thụ hàng nông sản đã góp phần đa dạng hóa các kênh tiêu thụ, mở rộng thị trường cho hàng nông sản nước ta. Điều đó tạo cơ hội thúc đẩy xuất khẩu hàng nông sản thực phẩm ra thị trường quốc tế.Thông qua thương mại điện tử xuyên biên giới, hàng nông sản nước ta ngày càng khẳng định vị thế của mình. Việc ứng dụng nền tảng số trong quản lý lưu thông, tiêu thụ nông sản Việt không thể thiếu vai trò của cơ quan quản lý Nhà nước. Theo phân tích của bà Nguyễn Thị Minh Thúy, Giám đốc Trung tâm Ứng dụng công nghệ thông tin xúc tiến thương mại, Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công thương, hệ sinh thái Xúc tiến thương mại số là kết cấu hạ tầng mềm trong thương mại do Chính phủ đầu tư, phát triển gồm các nền tảng cơ bản dùng chung cho nền kinh tế như Hội chợ, triển lãm số, Kết nối giao thương thông minh, cơ sở dữ liệu chuyên ngành xúc tiến thương mại, tư vấn-huấn luyện trực tuyến.... Nền tảng bản đồ phát triển theo quy định Cục đo đạc Bản đồ và Thông tin Địa lý Việt Nam giúp người dùng có được trải nghiệm mới trong tìm kiếm thông tin thị trường sản phẩm, kết nối giao thương hiệu quả.

Đưa hàng nông sản lên các nền tảng số đã và đang được các cơ quan chức năng và doanh nghiệp số triển khai với các địa phương và ngành nông nghiệp để nông dân, các doanh nghiệp nông nghiệp có thể tiêu thụ hàng hóa một cách hiệu quả và nhanh chóng hơn, gia tăng giá trị hàng Việt trong giai đoạn hiện nay./.