Dư luận vẫn chưa hết phẫn nộ trước hành vi ngược đãi, đánh đập dã man đối với trẻ của các bảo mẫu tại mái ấm Hoa Hồng vừa qua. Mái ấm Hoa Hồng - cái tên mĩ miều, tươi sáng nhưng chẳng khác nào “địa ngục trần gian” được dựng lên để che đậy sự tàn độc của những con người lợi dụng danh nghĩa từ thiện để “trục lợi”. Hiện này, cơ quan chức năng đã thu hồi giấy phép hoạt động của cơ sở này, đồng thời tạm giữ bà Giáp Thị Sông Hương là đại diện pháp luật của mái ấm Hoa Hồng và một số bảo mẫu để điều tra về hành vi bạo hành trẻ em. Bên cạnh tội danh bạo hành trẻ em đã quá rõ, dư luận còn mong cơ quan chức năng điều tra, làm rõ, liệu cơ sở này có lợi dụng danh nghĩa từ thiện, chăm sóc trẻ em mồ côi để "trục lợi"?
Lợi dụng danh nghĩa từ thiện để “trục lợi” là vấn đề gây bức xúc trong dư luận, nhất là trong những ngày này, người dân cả nước và rất nhiều tổ chức thiện nguyện đang chung tay, nỗ lực khắc phục hậu quả của bão số 3, điều này đặt ra câu hỏi: Làm thế nào để hoạt động nhân đạo, từ thiện có ý nghĩa và đảm bảo thực chất?
Trao đổi với phóng viên VOV2, Luật sư Trần Tuấn Anh - Giám đốc công ty Luật Minh Bạch khẳng định, xã hội hoá hoạt động từ thiện là một chính sách mà nhà nước ta khuyến khích nhằm giảm gánh nặng cho ngân sách nhà nước trong khi đảm bảo tối đa nguồn lực, đảm bảo kinh phí hỗ trợ những cá nhân có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn và cũng là phát huy, khích lệ tinh thần đoàn kết, tinh thần tương thân tương ái của dân tộc Việt Nam.
Theo nhu cầu của xã hội và khuyến khích của nhà nước nên ngày càng nhiều các cá nhân, tổ chức tham gia vào công tác từ thiện này. Vì kinh phí hoạt động của các cơ sở này phần lớn đến từ nguồn trợ giúp của các tổ chức cá nhân nên để đảm bảo các cơ sở trợ giúp xã hội, các quỹ từ thiện này hoạt động có hiệu quả và không ảnh hưởng đến uy tín của nhà nước, xâm phạm đạo đức xã hội, tư lợi về tài chính và các hoạt động bất hợp pháp khác thì bắt buộc phải tuân thủ các quy định pháp luật có liên quan.
Đối với các cơ sở trợ giúp xã hội: căn cứ Nghị định 103/2017/NĐ-CP việc thành lập, hoạt động của các cơ sở trợ giúp xã hội phải đảm bảo điều kiện về cơ sở vật chất và nhân lực và được cấp giấy phép hoạt động:
- Người đứng đầu cơ sở phải có năng lực hành vi dân sự đầy đủ; có phẩm chất đạo đức tốt, không mắc tệ nạn xã hội và không thuộc đối tượng bị truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc đã bị kết án mà chưa được xóa án tích.
-. Nhân viên: Có sức khỏe để thực hiện trợ giúp xã hội đối tượng; Có năng lực hành vi dân sự đầy đủ; Có phẩm chất đạo đức tốt, không mắc tệ nạn xã hội và không thuộc đối tượng bị truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc đã bị kết án mà chưa được xóa án tích; kỹ năng để trợ giúp xã hội đối tượng.
Cơ sở phải đặt tại địa điểm thuận tiện về tiếp cận giao thông, trường học, bệnh viện, không khí trong lành có lợi cho sức khỏe của đối tượng; có điện, nước sạch phục vụ cho sinh hoạt.
Cơ sở phải đảm bảo các điều kiện tối thiểu về:
-Diện tích đất tự nhiên, Diện tích phòng ở, Phòng ở phải được trang bị đồ dùng cần thiết phục vụ cho sinh hoạt hàng ngày của đối tượng.
-Phải có khu nhà ở, khu nhà bếp, khu làm việc của cán bộ nhân viên, khu vui chơi giải trí, hệ thống cấp, thoát nước, điện, đường đi nội bộ;
- Các công trình, các trang thiết bị phải bảo đảm cho người cao tuổi, người khuyết tật và trẻ em tiếp cận và sử dụng thuận tiện.
Quản lý tài chính, tài sản theo các quy định của pháp luật. Việc sử dụng và quản lý các nguồn kinh phí phải thực hiện công khai, minh bạch và theo Quy chế hoạt động, Quy chế chi tiêu của cơ sở. Cơ sở có trách nhiệm báo cáo kết quả tài chính định kỳ và hàng năm theo quy định của pháp luật.
Đối với các quỹ xã hội, quỹ từ thiện: căn cứ Nghị định 93/2019/NĐ-CO được hoạt động khi đủ các điều kiện sau:
Có giấy phép thành lập và công nhận điều lệ do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp, phải đủ điều kiện về sáng lập viên, về tài sản hợp pháp để thành lập quỹ…
Đã công bố về việc thành lập quỹ theo quy định
Có văn bản xác nhận của ngân hàng nơi quỹ đăng ký mở tài khoản về số tiền mà từng sáng lập viên cam kết đóng góp để thành lập quỹ đã có đủ trong tài khoản của quỹ.
Quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền công nhận quỹ đủ điều kiện hoạt động và công nhận thành viên Hội đồng quản lý quỹ.
Trong những ngày này khi nhiều tỉnh thành chịu ảnh hưởng nặng nề từ cơn bão số 3 Yagi, rất nhiều người đã chung tay san sẻ với các địa phương. Những lời kêu gọi ủng hộ để lập quỹ làm từ thiện giúp đỡ người dân lại xuất hiện nhiều trên mạng xã hội. Nhiều cá nhân, tổ chức tích cực thực hiện hoạt động góp quỹ từ thiện, thành lập cơ sở trợ giúp xã hội.
Tuy nhiên, theo Luật sư Trần Tuấn Anh, đối với những quỹ tự phát, cơ sở trợ giúp tự phát, việc thu chi số tiền do người ủng hộ đều thông qua tài khoản cá nhân, không được quản lý công khai, minh bạch nên đã bị dư luận lên án mạnh mẽ, ảnh hưởng đến niềm tin của những người đang có mong muốn chia sẻ với người hoạn nạn. Điều này làm xói mòn niềm tin giữa người với người, tác động tiêu cực với đạo đức xã hội, dẫn đến mất niềm tin vào công lý, pháp luật. Vì vậy, để bảo đảm tấm lòng của mình được trao gửi đúng nơi, đúng chỗ, đúng mục đích, các cá nhân, tổ chức từ thiện cần tìm đến những quỹ từ thiện, cơ sở trợ giúp xã hôi đã được nhà nước cấp giấy phép hoạt động.
Có thể vì những hoàn cảnh khác nhau, những lý do khách quan, mà mỗi người không thể tự mình thực hiện những chuyến đi từ thiện được. Vậy, các cá nhân, tổ chức mong muốn được chung tay hỗ trợ, giúp đỡ thì cần liên hệ với những cơ quan, đơn vị chính thống.
Các cá nhân, tổ chức có thể tra cứu danh sách hội, quỹ từ thiện trên trang web https://hoiquypcp.moha.gov.vn/tra-cuu-csdl của Bộ Nội vụ. Hoặc thông qua cơ quan Lao động thương binh xã hội ở địa phương để tiếp cận danh sách các cơ sở trợ giúp xã hội. Với mỗi quỹ, hội có tiêu chí hoạt động, phục vụ những đối tượng cụ thể, chuyên biệt, phù hợp với nhu cầu thiện nguyện. Nếu có nhu cầu hỗ trợ, giúp đỡ đối tượng nào, người dân có thể tra cứu cho phù hợp.
Hoạt động từ thiện là nghĩa cử cao đẹp được cả xã hội coi trọng và tôn vinh. Tuy nhiên không phải ai cũng thấu hiểu được ý nghĩa thực sự của từ thiện và cách làm từ thiện như thế nào cho đúng.
Theo Luật sư Trần Tuấn Anh có thể nhận biết hoạt động lợi dụng từ thiện để trục lợi thông qua những dấu hiệu sau: các tổ chức, cá nhân này không có giấy phép hoạt động gây quỹ, hoạt động cơ sở trợ giúp xã hội; việc lập hoặc giả mạo các trang mạng xã hội để đăng tải những hoàn cảnh bất hạnh, éo le nhằm đánh vào lòng trắc ẩn của mọi người, kêu gọi mọi người giúp đỡ. Yêu cầu gửi tiền vào tài khoản do các đối tượng lừa đảo quản lý, sử dụng; lợi dụng tình hình thiên tai, dịch bệnh để kêu gọi từ thiện, những đối tượng này lại không nhận hiện vật, chủ yêu là yêu cầu chuyển tiền qua tài khoản...
Pháp luật có quy định về việc thành lập các quỹ từ thiện, tính đến năm 2022 cả nước có hơn 3000 quỹ được cấp phép hoạt động. Ngoài ra, một số các tổ chức, cá nhân trong xã hội tích cực tham gia các hoạt động thiện nguyện “tự phát”, dù chưa đăng ký hoạt động nhưng cũng rất đáng trân trọng. Tuy nhiên, hiện nay việc từ thiện “tự phát” chủ yếu dựa trên sự tin cậy lẫn nhau. Trong khi việc quản lý, chi tiêu số tiền lớn quyên góp là một công việc rất khó khăn vì số tiền này xuất phát từ nhiều nguồn, không rõ đối tượng.
Để đảm bảo tính minh bạch và trách nhiệm của các tổ chức từ thiện, góp phần từng bước đẩy lùi và loại bỏ những đối tượng cơ hội, lợi dụng lòng nhân ái để trục lợi, Luật sư Trần Tuấn Anh cho rằng cần có những biện pháp quy định cụ thể về quản lý số tiền này. Ví dụ có thể quy định các tổ chức, cá nhân tham gia từ thiện “tự phát” này bắt buộc cung cấp tài khoản nhận tiền (của cá nhân, hoặc tổ chức) và phải đăng ký tài khoản đó với cơ quan nhà nước khi hoạt động từ thiện.
Việc huy động từ thiện bắt buộc phải sử dụng tài khoản này để cơ quan nhà nước thực hiên theo dõi. Bất kỳ ai thực hiện hành vi quyên góp từ thiện mà không đăng ký tài khoản quyên góp, hoặc sử dụng tài khoản khác không phải là tài khoản đã đăng ký để nhận tiền được coi là bất hợp pháp và phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.
Đối với những hành vi lợi dụng hoạt động từ thiện để trục lợi, tuỳ vào mức độ có thể xử phạt hành chính hoặc xử lý hình sự để răn đe.
Từ diễn biến phức tạp của hoạt động từ thiện hiện nay cho thấy, mỗi cá nhân khi tham gia hoạt động thiện nguyện cần hết sức tỉnh táo, cẩn trọng, cảnh giác trước thủ đoạn kêu gọi từ thiện để trục lợi, chú ý nắm bắt thông tin qua những nguồn tin cậy, xác thực những thông tin liên quan đến các trường hợp cần được giúp đỡ. Khi nghi ngờ, phát hiện dấu hiệu lừa đảo cần kịp thời báo cáo cơ quan chức năng để kiểm tra, xử lý. Về phía các cơ quan chức năng cần thường xuyên giám sát, áp dụng các biện pháp kỹ thuật để rà soát, kịp thời phát hiện những tiêu cực nảy sinh để chấn chỉnh.
Nghe nội dung cuộc trao đổi với luật sư Trần Tuấn Anh- Giám đốc công ty Luật Minh Bạch tại đây: