Liên tiếp nhiều ngày qua, TP. Hà Nội đứng hàng đầu thế giới về ô nhiễm không khí, với chỉ số chất lượng không khí ngày càng diễn biến theo chiều hướng xấu, gây ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng và các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội. Đây là một vấn đề cấp bách, cần được giải quyết sớm để bảo vệ sức khỏe cộng đồng và mang lại bầu không khí trong xanh cho Hà Nội.

Trao đổi với Phóng viên VOV2, Tiến sĩ Hoàng Dương Tùng, Chủ tịch Mạng lưới không khí sạch Việt Nam cho biết, những năm gần đây, hàm lượng bụi mịn PM 2.5 ở trong không khí rất cao. Thông qua số liệu được đo đạc chính xác từ các thiết bị quan trắc được thông báo trên website, một số app của các cơ quan quản lý cho thấy không khí Hà Nội đang ô nhiễm nặng, mức độ gây hại cho sức khỏe là rất lớn.

Theo Tiến sĩ Hoàng Dương Tùng, để cải thiện chất lượng không khí không thể thực hiện nhanh trong ngày một, ngày hai. Tuy nhiên cần có cách làm đúng và trúng ngay từ những bước đi đầu tiên, xác định nguyên nhân và đưa ra giải pháp kịp thời. Các nguyên nhân dẫn đến ô nhiễm không khí ở Hà Nội hiện nay là từ các nguồn công nghiệp như khí thải các nhà máy, cơ sở sản xuất; từ các làng nghề tái chế nhôm, chì, kim loại, xi măng, sắt thép...ở Hà Nội và các địa bàn lân cận.

Ngoài ra, tốc độ đô thị hóa tại Hà Nội nhanh với việc xây dựng mới và cải tạo hệ thống hạ tầng cũng là một nguyên nhân gây ra tình trạng ô nhiễm không khí. Nhiều nơi, đường sá bụi bặm, công trình xây dựng không được che chắn, cát sỏi vứt bừa bãi.

Một nguyên nhân nữa là từ các phương tiện giao thông cá nhân khi vẫn chưa kiểm soát khí thải xe máy, ô tô... Hàng ngày, hàng triệu xe máy, ô tô lưu thông trên đường phố Hà Nội, thải ra lượng lớn khí thải độc hại. Đặc biệt, nhiều phương tiện cũ, không qua kiểm định kỹ thuật định kỳ, chất lượng xe kém đến mức nào, lượng khí thải ra thế nào cũng chưa kiểm soát được. Trong khi đó giao thông công cộng chưa được cải thiện nhiều. Chuyên gia Tùng cho rằng cần phải thẳng thắn nhìn nhận, đó là những nguồn gây ô nhiễm không khí.

Bên cạnh đó, tình trạng ô nhiễm không khí ở mức cao thường xảy ra vào thời điểm thời tiết ẩm thấp, nhất là vào mùa đông. Tiến sĩ Hoàng Dương Tùng lý giải, tại một số tỉnh miền Bắc, không riêng gì Hà Nội, chất lượng không khí bị ảnh hưởng một phần do yếu tố thời tiết, khí hậu. Trong thời điểm mùa đông từ tháng 10 năm trước tới tháng 3 năm sau, nhiệt độ thấp, nhiều ngày lặng gió, trời ẩm làm cho bụi mịn PM 2.5 lơ lửng trong không khí, không khuếch tán đi đâu được, không bị rửa trôi. Trong khi vào mùa hè thường có mưa to sẽ phần nào rửa trôi, làm giảm nồng độ bụi trong không khí.

Nói về trách nhiệm cá nhân, Tiến sĩ Hoàng Dương Tùng cho rằng, mỗi người dân vừa là nạn nhân, cũng là nguyên nhân gây ra tình trạng ô nhiễm. Ông Tùng lấy ví dụ về thói quen đi xe máy gần hay xa đều đi, tại các ngã tư đèn xanh đèn đỏ, nhiều người có thói quen khi báo hiệu hơn 15 giây vẫn để nổ máy. Việc kiểm tra khí thải xe máy, Hà Nội đưa ra chính sách kiểm soát thì nhận lại phản ứng của dư luận khi cho rằng, tốn tiền, tốn thời gian.

Để góp phần cải thiện chất lượng không khí ở Hà Nội, mỗi người dân cần tích cực tham gia công cuộc bảo vệ môi trường không khí, ví dụ sử dụng xe máy điện, đi bộ, tham gia phương tiện giao thông công cộng, cùng thành phố quản lý rác thải, giảm thiểu việc đốt rác, cũng như tích cực góp ý phản ánh với chính quyền về những nơi bị ô nhiễm. Ngoài ra, việc theo dõi các thông tin về môi trường, không khí hàng ngày cũng là cách bảo vệ mình, cũng là trách nhiệm đóng góp cho xã hội.

Tiến sĩ Hoàng Dương Tùng cho hay, thời đại 4.0 nên rất nhiều cơ quan, đơn vị công bố, cập nhật chất lượng không khí không chỉ hàng ngày mà là hàng giờ qua các app, website. Người dân hoàn toàn có thể tham khảo thông tin từ đây để biết chất lượng không khí đang ở ngưỡng nào. Cũng cần tìm hiểu về nguyên nhân gây ô nhiễm để có những hiểu biết, kiến thức và kỹ năng bảo vệ sức khỏe cho bản thân và gia đình.

Việc làm sạch không khí Hà Nội không thể chậm trễ nữa, cần làm ngay, làm gấp để cải thiện chất lượng không khí và bảo vệ sức khỏe cho mọi người. Để giảm thiểu ô nhiễm không khí, bên cạnh quyết tâm của Hà Nội, cần có sự phối hợp của các tỉnh, thành phố lân cận trong triển khai giải pháp ngăn chặn, xử lý nguồn gây ô nhiễm không khí. Đồng thời, cần sự chung tay hỗ trợ, hợp tác của các tổ chức quốc tế và các tầng lớp nhân dân để xây dựng Thủ đô Hà Nội xanh, sạch, đẹp, không ô nhiễm.

Nghe nội dung chương trình tại đây: