Sáng nay (11/11), Quốc hội chất vấn và trả lời chất vấn nhóm vấn đề thứ nhất thuộc lĩnh vực ngân hàng. Vấn đề quản lý thị trường vàng và tín dụng phát triển nhà ở xã hội làm “nóng” nghị trường với nhiều câu hỏi đặt ra với người đứng đầu Ngân hàng nhà nước.
Tại sao Nhà nước chỉ bán, không mua vàng?
Đại biểu Phạm Văn Hòa, Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp, đánh giá cao nỗ lực của Ngân hàng nhà nước trong việc bình ổn giá giá vàng thời gian qua. Tuy nhiên, ông cho rằng ngân hàng chỉ bán mà không mua, nơi bán chỉ hạn chế ở hai thành phố lớn cũng khiến người dân gặp không ít khó khăn trong việc bán vàng. “Ngân hàng chỉ bán mà không mua. Nếu người dân muốn bán vàng do nhu cầu để sử dụng tiền mặt thì bán ở đâu, ngân hàng không mua thì các cửa hàng và khác cũng không mua. Mặt khác, ngân hàng bán vàng chỉ có ở Tp.Hà Nội và Tp.Hồ Chí Minh, sao không bán cả tại những nơi khác ở trong nước cho người dân có nhu cầu mua để thuận lợi, dễ dàng?”, đại biểu Phạm Văn Hòa đặt câu hỏi.
Trả lời vấn đề này, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Thị Hồng cho biết, từ năm 2014 đến nay, NHNN không cung vàng miếng ra thị trường vì NHNN không sản xuất vàng miếng. Với bối cảnh nhu cầu gia tăng, NHNN cung vàng và chưa đặt vấn đề mua lại. Còn đối với các Ngân hàng Thương mại Nhà nước, khi bán vàng trong giai đoạn này, NHNN chủ yếu thực hiện giải pháp để tăng cung vàng. Đối với hệ thống kinh doanh mua bán vàng miếng, hiện nay có 22 Tổ chức tín dụng (TCTD) và có 16 doanh nghiệp kinh doanh mua bán vàng miếng.
Về lý do vì sao chỉ bán ở Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết, NHNN chỉ cấp phép đối với doanh nghiệp kinh doanh mua bán vàng miếng chứ không có quy định bắt buộc ở địa điểm nào. Bản thân các doanh nghiệp và các TCTD sẽ tự xem xét, đánh giá nhu cầu của các tỉnh thành và mở các địa điểm mua bán vàng miếng. Do đó, thực tế nhu cầu chủ yếu ở Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh và các thành phố lớn, còn các tỉnh thành khác không có hiện tượng người dân xếp hàng mua vàng.
Không hài lòng với phần giải đáp của Thống đốc NHNN, đại biểu Phạm Văn Hòa cho biết, Ngân hàng Nhà nước bán vàng miếng nhưng không mua lại từ thị trường, khiến người dân phải bán vàng ở thị trường đen. Đại biểu đề nghị Ngân hàng xem xét mua lại vàng miếng từ người dân để tạo điều kiện thuận lợi cho họ khi cần bán vàng.
Bên cạnh vấn đề “chỉ bán, không mua”, “chỉ bán tại Hà Nội và Tp. Hồ Chí Minh”, các đại biểu cũng đề nghị người đứng đầu NHNN làm rõ hiệu quả của các chính sách quản lý thị trường vàng thời gian qua. Các đại biểu kiến nghị phải có giải pháp để biến vàng trở thành nguồn lực cho việc phát triển kinh tế xã hội. “Vàng trong dân là vàng chết, trong khi nhu cầu vốn cho sản xuất kinh doanh rất lớn. Đề nghị Thống đốc cho biết thời gian tới cần tập trung thực hiện những giải pháp gì để vàng trở thành nguồn lực của nền kinh tế”, đại biểu Trần Thị Hồng Thanh, Đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Bình, chất vấn.
Khó tiếp nguồn cận vốn dành cho nhà ở xã hội
Vấn đề tín dụng phát triển nhà ở xã hội cũng nhận được sự quan tâm của các đại biểu với những ý kiến cho rằng dù đã nhận được quan tâm của Chính phủ nhưng nguồn cung của phân khúc này đang bị thiếu hụt. “Thị trường bất động sản còn tồn tại nhiều bất cập, như mất cân đối cung cầu; giá bất động sản còn cao so với thu nhập của người dân; nhiều khu đô thị và dự án vướng mắc, chậm triển khai”, đại biểu Trần Thị Vân, Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Ninh, nêu thực tế.
Để vấn đề này sớm được giải quyết, đại biểu Trần Thị Vân kiến nghị: “Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đã có nhiều gải pháp và chỉ đạo tháo gỡ vấn đề này, trong đó có giải pháp về vốn tín dụng. Đề nghị Thống đốc cho biết thời gian tới NHNN sẽ có những giải pháp nào để tiếp tục thúc đẩy thị trường bất động sản đang trầm lắng, đặc biệt là các giải pháp tạo điều kiện cho người có thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp có cơ hội giải quyết nhu cầu về nhà ở khi mà gói tín dụng 120 nghìn tỷ cho nhà ở xã hội đang giải ngân rất chậm”.
Đại biểu Nguyễn Quốc Hận, Đoàn ĐBQH tỉnh Cà Mau, cũng kiến nghị Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết giải pháp của Ngân hàng Nhà nước để đẩy nhanh tiến độ cho vay thực hiện dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân và cải tạo xây dựng lại chung cư theo nghị quyết của Chính phủ.
Giải đáp câu hỏi của các đại biểu, Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cho biết chương trình một triệu căn hộ nhà xã hội là chủ trương lớn, nhân văn, giải quyết nhà ở cho người thu nhập thấp, cần rất nhiều nguồn vốn như ngân sách Nhà nước. Ngân hàng Nhà nước cũng báo cáo Chính phủ về việc các ngân hàng thương mại tự nguyện đưa ra gói 120.000 tỷ, đến nay đã lên đến 145.000 tỷ đồng. Vốn do các ngân hàng huy động từ người dân, lãi suất giảm 1,5-2% so với mức thông thường trong 3 năm với người có thu nhập thấp và 5 năm với chủ đầu tư... Tuy nhiên, giải ngân vốn thấp là do địa phương phải công bố các dự án đủ điều kiện tham gia chương trình này. Việc cho vay vẫn thông thường nên khách vay vẫn phải đảm bảo đủ điều kiện. “Trong bối cảnh sau Covid-19, người bình thường đã rất khó khăn trong việc vay vốn, huống chi người có thu nhập thấp và công nhân nên họ không thể đi vay để sở hữu nhà”, bà Hồng giải thích.
Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cho biết thời gian qua là giai đoạn đầu triển khai gói tín dụng 120.000 tỷ nên chưa tăng giải ngân được. Khi nền kinh tế bớt khó khăn, việc giải ngân sẽ được thúc đẩy. Tuy nhiên, để sớm giải quyết vấn đề nhà ở cho người có thu nhập thấp, Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng đề nghị Bộ Xây dựng và địa phương đánh giá nhu cầu sở hữu và thuê nhà ở của người thu nhập thấp, trên sơ sở đó có thêm các giải pháp phù hợp.