Sáng 21/11, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự thảo Nghị quyết về thí điểm thực hiện dự án nhà ở thương mại thông qua thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất hoặc đang có quyền sử dụng đất.

Dự thảo Nghị quyết về thí điểm thực hiện dự án nhà ở thương mại thông qua thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất hoặc đang có quyền sử dụng đất được xây dựng để tháo gỡ khó khăn về nguồn cung của các dự án bất động sản trong bối cảnh giá bất động sản tăng cao do một phần nguyên nhân là việc tiếp cận đất đai của nhà đầu tư còn khó khăn.

Vì vậy, cần mở rộng điều kiện được nhận chuyển quyền sử dụng các loại đất để thực hiện dự án nhà ở thương mại, góp phần hạn chế khiếu kiện của người dân; đảm bảo công bằng trong tiếp cận đất đai giữa các nhà đầu tư, giữa các địa phương, duy trì ổn định nguồn cung về nhà ở thương mại, góp phần phát triển thị trường bất động sản minh bạch, lành mạnh.

Người thu nhập thấp bốc thăm '5 lần 7 lượt' cũng không có nhà để ở

Phát biểu thảo luận, Đại biểu Đỗ Huy Khánh - Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Nai cho biết: Tại Điều 4 tiêu chí lựa chọn dự án thực hiện thí điểm quy định tổng diện tích đất ở trong các dự án thực hiện thí điểm không vượt quá 30%.

Đại biểu cho rằng, tấc đất, tấc vàng, tài nguyên đất là vô giá. Nhưng tại nhiều địa phương nhà ở thương mại dịch vụ rất nhiều, có những đô thị xây nhà xong không có ai đến ở.

"Vậy hôm nay chúng ta lại bàn thí điểm thực hiện dự án nhà ở thương mại. Trong khi đó nhu cầu thực sự mà người dân quan tâm là nhà ở xã hội. Vậy tại sao lại không dành quỹ đất để làm nhà ở xã hội?", đại biểu Đỗ Huy Khánh nêu vấn đề.

Cũng theo đại biểu Đỗ Huy Khánh, người có thu nhập thấp lương chỉ 7-10 triệu làm sao đủ tiền để mua nhà ở thương mại? Ở một số địa phương, người thu nhập thấp, công nhân bốc thăm "5 lần 7 lượt" với mong muốn mua căn nhà ở xã hội dưới 50 m2, nhưng không mua được, do nguồn cung hạn chế.

"Dự án bỏ hoang, nếu có kinh doanh thì cũng chỉ qua lại với nhau trên giấy tờ để kiếm lời, trong khi đó thực chất không có người ở" - đại biểu Đỗ Huy Khánh nêu thực trạng và cho rằng với các dự án bỏ hoang như vậy, thì việc mở rộng thí điểm có phù hợp hay không.

Cho ý kiến về dự thảo Nghị quyết về thí điểm thực hiện dự án nhà ở thương mại thông qua thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất hoặc đang có quyền sử dụng đất, Đại biểu Nguyễn Công Long - Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Nai cho rằng, đến nay chính sách pháp luật liên quan đến đất đai khá hoàn hiện từ Luật đất đai, Luật nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Quy hoạch... giờ đây lại ban hành một Nghị quyết thí điểm khác liên quan đến kinh doanh bất động sản mà nhà đầu tư không cần phải đáp ứng các yêu cầu của các Luật đã được ban hành.

"Như vậy, khi Nghị quyết này được ban hành sẽ có 2 mặt bằng pháp lý cho hoạt động kinh doanh bất động sản, việc này tác động đến thị trường bất động sản ra sao cần được nghiên cứu kỹ", đại biểu Nguyễn Công Long nói.

Nói về thị trường bất động sản hiện nay, đại biểu Nguyễn Công Long phân tích, giá bất động sản đang tăng phi mã, người nghèo, người lao động, người thu nhập, cán bộ, công chức rất khó mua được nhà, thậm chí nếu một công chức không ăn gì cả, vài trăm năm mới mua được nhà.

"Cử tri cũng đặt câu hỏi tại sao không thí điểm tháo gỡ vướng mắc nhà ở xã hội mà chỉ có cơ chế cho nhà thương mại thôi. Dĩ nhiên có thể nó vẫn đáp ứng nhu cầu nhà ở chung nhưng đối với đối tượng yếu thế cần có nhà ở thì lại thiếu chính sách", đại biểu Nguyễn Công Long băn khoăn.

Tránh lợi dụng chính sách hợp thức hóa sai phạm về đất đai

Mặc dù trong báo cáo đánh giá tác động cũng đề cập những hệ lụy tiêu cực như đầu cơ đất đai, mua gom đất đai, thu gom đất nông nghiệp... nhưng đại biểu Nguyễn Công Long đề nghị cần kiểm soát chặt chẽ tránh tình trạng thu gom hết đất đai, tự thỏa thuận có được mặt bằng đất, trên cơ sở đó triển khai dự án đạt được mục tiêu lợi nhuận.

"Phải có giải pháp chống nguy cơ mua gom đất đai, hợp thức hóa sai phạm trước đây. Chúng ta chứng kiến vụ án điển hình là công ty Alibaba. Những doanh nghiệp khác họ còn khôn khéo hơn rất nhiều, họ đang thu gom và đang chờ chính sách này được thông qua", đại biểu Nguyễn Công Long lo lắng.

Đặc biệt, theo đại biểu Nguyễn Công Long, tuyệt đối không để tình trạng thu gom và chuyển đất lúa, đất rừng, đất sản xuất để thực hiện các dự án nhà ở thương mại.

Trước đó tại phiên thảo Luận tại Tổ bàn về dự thảo Nghị quyết về thí điểm thực hiện dự án nhà ở thương mại thông qua thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất hoặc đang có quyền sử dụng đất, một số đại biểu cũng cho rằng, nghị quyết thí điểm có thể sẽ đem lại nhiều tác động tích cực cho địa phương cũng như nhà đầu tư. Tuy nhiên, chính sách này cũng có thể tác động tiêu cực liên quan đến việc lợi dụng chính sách thu gom đất, hay hợp thức hoá sai phạm.

"Cần đánh giá tác động xem có lợi dụng chính sách thu gom đất nông nghiệp hay không? Thứ hai, lợi dụng chính sách để hợp thức hóa sai phạm trước đây đã thu gom đất nhưng đang bế tắc thì bây giờ thực hiện chính sách này thì liệu có hợp thức hóa sai phạm đó hay không? Điều này cần phải đánh giá tác động để có quy định chặt chẽ hơn, hiệu quả hơn", đại biểu Đỗ Văn Yên - Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa -Vũng Tàu nói.

Dự thảo nghị quyết đã quy định các tiêu chí lựa chọn dự án thực hiện thí điểm như sau:

- Được thực hiện tại khu vực đô thị, khu vực được quy hoạch phát triển đô thị và không vượt quá 30% diện tích đất ở tăng thêm trong kỳ quy hoạch (so với hiện trạng sử dụng đất ở) theo phương án phân bổ và khoanh vùng đất đai trong quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030 đã được phê duyệt.

- Không thuộc các dự án quy định tại khoản 4 Điều 67 của Luật Đất đai.

- Đối với trường hợp nhận quyền sử dụng đất, khu đất thực hiện dự án phải không thuộc danh mục công trình, dự án phải thu hồi đất được HĐND cấp tỉnh thông qua (được xem xét, quyết định đồng thời với việc thông qua danh mục công trình, dự án phải thu hồi đất quy định tại Điều 78 và Điều 79 của Luật Đất đai).

Khi được thông qua, Nghị quyết này được thực hiện trong thời gian 5 năm và có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1.1.2025.