Chờ nước rút

Tính đến hết ngày 11/9 vị trí vỡ đê sông Lô đoạn tuyến qua xã Quyết Thắng, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang, tạm thời chưa được khắc phục.

Trao đổi với phóng viên VOV2, ông Hoàng Hải Trường - Phó Chủ tịch UBND huyện Sơn Dương cho biết, nước sông Lô đang ở mức cao, tại vị trí vỡ đê dòng chảy chảy đang rất mạnh.

"Lượng nước xói vào phần đê rất lớn, chúng tôi tập trung khắc phục bằng các biện pháp huy động thiết bị tại chỗ, con người tại chỗ để đảm bảo phần vỡ không bị lan rộng" - ông Trường nói.

Theo quan sát, mực nước ở trong đê và ngoài đê đã cân bằng khiến cho một khu vực rộng lớn cùng nhiều nhà dân tại xã Quyết Thắng bị nhấn chìm dưới nước.

"Lưu lượng nước sông lớn, dòng chảy mạnh nên chưa thể khắc phục được hoàn toàn" - Phó Chủ tịch UBND huyện Sơn Dương nhấn mạnh.

Khu vực vỡ đê đỡ được lập rào chắn, căng dây cảnh báo và luôn có đại diện chính quyền xã, thôn túc trực để đảm bảo an toàn cho người dân.

Ông Âu Văn Luận - Chủ tịch UBND xã Quyết Thắng thông tin, bạn đầu vị trị vỡ là một vết nứt nhỏ.

Từ chiều 10/9, chính quyền địa phương cùng lực lượng quân sự, công an tăng cường kiểm tra trên tuyến đê.

"Khi phát hiện vết nứt, chúng tôi đã báo cáo và đưa những hộc đá xuống để giữ chắc chân đê nhưng nước lên cao, nhanh, dòng chảy mạnh nên cũng không ngăn được dòng nước" - ông Luân kể lại.

Trên địa bàn huyện Sơn Dương dọc theo tuyến bờ sông Lô có khoảng 8 xã có tuyến đê xung yếu. Trong đó, 2 tuyến đê huyết mạch ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống nhân dân và có nguy cơ cao là xã Quyết Thắng và xã Trường Sinh.

"Tại các vị trí xung yếu luôn có người túc trực cũng như sử dụng toàn bộ nguồn lực địa phương để đảm bảo an toàn cho các tuyến đê xung yếu" - ông Hoàng Hải Trường cho biết thêm, khi nước rút đến mức cho phép, địa phương sẽ tiến hành vá đê.

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Quốc gia, cập nhật lúc 19h ngày 11/9, lũ trên sông Thao tại Yên Bái và Phú Thọ, lũ trên sông Lô tại Tuyên Quang đang xuống. Trên sông Lô tại Tuyên Quang 26,95m, trên BĐ3 0,95m; tại Vụ Quang 21,13m, trên BĐ3 0,63m.

Không để người dân bị bất ngờ

Xã Quyết Thắng có 925 hộ dân, 4.745 nhân khẩu với hai dân tộc chính là dân tộc Kinh chiếm 64% và dân tộc Cao Lan chiếm 34%, còn lại là các dân tộc khác. Kinh tế dựa vào nông nghiệp và trồng rừng.

Ngày 10/9 trong quá trình tuần tra dọc tuyến đê và phát hiện vết rò rỉ, địa phương đã chủ động thông báo trên loa và di dời toàn bộ hộ dân được xác định trong vùng ảnh hưởng đến nơi tạm trú an toàn. Không để xảy ra thiệt hại về người.

"Khi phát hiện vết nứt tức là nó nằm trong dự đoán và hiểu biết của mình rồi chứ không bị bất ngờ" - ông Âu Văn Luận - Chủ tịch UBND xã Quyết Thắng nhấn mạnh.

Thống kê của UBND xã, có 35 hộ và 138 nhân khẩu trực tiếp bị ảnh hưởng bởi sự cố vỡ đê.

Anh Vũ Hồng Hòa, thôn Sài Lĩnh, xã Quyết Thắng cho biết, khi đê bị rò rỉ người dân đều lo lắng.

"Qua loa truyền thanh xã, lãnh đạo các cấp chỉ đạo kịp thời, phối hợp với nhân dân cùng với sự giúp đỡ của lực lượng vũ trang đã cứu hộ đê tạm thời và đưa người dân, tài sản đến nơi an toàn ngay trong chiều và đêm" - anh Hòa chia sẻ.

Còn chị Lê Thị Hà thì tin rằng chỉ cần còn người là còn của. "Đã không có bất trắc gì xảy ra với người dân chúng tôi, ai cũng an toàn và ứng phó kịp thời" - chị nói.

Hiện tại có các đoàn từ thiện đến hỗ trợ lương thực, thực phẩm cho người dân vùng ngập lụt. Các cửa hàng tạp hóa và chợ không tăng giá.

"Nước ngập, điều đáng lo ngại của chúng tôi là ô nhiễm môi trường và giao thông đi lại cho người dân. Công cuộc khắc phục sau lũ sẽ còn rất dài" - lãnh đạo xã Quyết Thắng chia sẻ.

Như thông tin đã đưa vào tối 10/9, một đoạn đê sông Lô qua xã Quyết Thắng, huyện Sơn Dương (Tuyên Quang) dài khoảng hơn 10m đã bị vỡ. Vị trí đê vỡ giáp ranh giữa xã Quyết Thắng của huyện Sơn Dương với xã Hợp Nhất của huyện Đoan Hùng, tỉnh Phú Thọ.