“Ngôi nhà bình yên” của Hội LHPN Việt Nam là mô hình đầu tiên tại nước ta giúp phụ nữ, trẻ em bị bạo lực gia đình, bị xâm hại tình dục, bị mua bán người và gia đình họ ổn định, xây dựng lại cuộc sống và tái hòa nhập cộng đồng. Nhận thức được vai trò đó, các nhân viên công tác xã hội tại Phòng tham vấn tâm lý, Trung tâm phụ nữ và phát triển (số 20 Thụy Khuê, Tây Hồ, Hà Nội) đã tích cực cung cấp dịch vụ xã hội, tư vấn pháp luật, trị liệu tâm lý, tuyên truyền, nâng cao nhận thức, và trách nhiệm cho mọi người dân.
Mỗi khi nghe thấy tiếng chuông, chị Hoàng Bích Thảo lại nhanh chóng nhấc điện thoại lên, bởi nếu như chậm một giây, các nạn nhân đôi khi sẽ phải chịu những hậu quả đáng tiếc.
“Việc đồng hành với nạn nhân là quan trọng nhất. Vì mình biết vấn đề họ đang gặp phải là gì, mong muốn, nhu cầu của họ ra sao. Mình ngồi lại với nạn nhân, trao đổi về những gì họ lo lắng, tìm hướng giải quyết” – Thảo cho biết.
Gắn bó với công việc này 5 năm qua, Thảo đã tham vấn, can thiệp và hỗ trợ cho hàng trăm phụ nữ, trẻ em tái dựng lại cuộc sống sau những biến cố, tổn thương. Các nạn nhân luôn được chăm sóc tốt để ổn định về thể chất, tâm lý, cảm xúc và tinh thần.
Thảo chia sẻ thêm:“Với vai trò là nhân viên xã hội, mình định hướng xây dựng kế hoạch đầy đủ và an toàn cho nạn nhân”.
Những nhân viên tham vấn tâm lý như Thảo không chỉ tốt nghiệp các trường đào tạo chuyên ngành công tác xã hội, tâm lý... mà còn có kiến thức pháp luật vững vàng trong bảo vệ quyền của phụ nữ, trẻ em và phòng chống bạo lực giới.
Để làm tốt công việc, theo Thảo, ngoài kỹ năng giao tiếp, xử lý tình huống tốt còn cần khả năng kết nối với chính quyền địa phương, các ban ngành liên quan để hỗ trợ can thiệp và ứng phó linh hoạt trong tình huống khẩn cấp.
“Ở lĩnh vực khác thì làm việc với máy móc, giấy tờ, còn đặc thù công việc mình làm là với con người. Chỉ cần những thay đổi nhỏ trong cử chỉ, nét mắt hay ánh mắt thì nạn nhân đều hiểu được mình có thực sự thấu cảm họ hay không” – Thảo trải lòng.
Những nạn nhân chịu tổn thương bị ảnh hưởng rất lớn về thể chất, sức khỏe, nếu không được chữa trị sớm sẽ gây nên những hậu quả xấu. Thế nên, các nhân viên như chị Phan Thị Bình sẽ kết nối với các cơ sở cung cấp dịch vụ y tế miễn phí, giúp các nạn nhân được khám, điều trị bệnh và giám định tỷ lệ thương tật cho họ. Ngoài ra, việc hỗ trợ tư vấn pháp lý được thực hiện để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp cho các nạn nhân.
Khi tiếp cận với nạn nhân, những việc chị Bình cần làm là lập kế hoạch tái hòa nhập, hướng dẫn kỹ năng sống và hỗ trợ các nạn nhân tích cực tham gia các hoạt động vui chơi, giải trí, tăng cường giao lưu...
Chị Bình cho biết, có rất nhiều cơ hội việc làm khác, nhưng chị vẫn lựa chọn gắn bó với công việc này, bởi theo chị, đây là một công việc nhân văn, khiến cho chị có cảm giác được hỗ trợ người khác, giúp họ thoát khỏi cuộc sống khó khăn hiện tại.
Nạn nhân bị mua bán người là một trong những đối tượng yếu thế cần sự giúp đỡ, chia sẻ toàn diện với những tổn thất cả về thể chất và tinh thần. Nhiều người không có việc làm, không có định hướng cho tương lai. Việc giúp họ sớm trở lại cuộc sống bình thường càng cần được thực hiện nhanh chóng, kịp thời.
Đánh giá mức độ tổn thương tâm lý, xác định phương pháp tham vấn và trị liệu và cung cấp dịch vụ trị liệu tâm lý để phục hồi sang chấn cho nạn nhân...cũng rất quan trọng trong hỗ trợ các phụ nữ bị bạo lực, bị mua bán hoặc xâm hại tình dục. Song song với đó, các nạn nhân sẽ được trang bị các kỹ năng tìm kiếm việc làm, tiếp cận với nhà tuyển dụng. Đội ngũ nhân viên tham vấn sẽ phối hợp với các cơ quan, tổ chức, đơn vị để giới thiệu việc làm phù hợp cho các nạn nhân.
Với những hỗ trợ thiết thực từ các nhân viên Phòng tham vấn tâm lý, chị Lê Thị H., nạn nhân của bạo lực gia đình đã được nâng cao nhận thức trong ngăn ngừa và đối phó với các vấn đề bạo lực trên cơ sở giới.
“Mình chưa nói ra vấn đề của mình, các nhân viên đã hiểu mình. Nhân viên ở đây là vậy. Sau khi được họ chăm sóc, tư vấn, trao đổi, bổ sung kiến thức, tôi đã hiểu ra vấn đề mình gặp phải suốt mấy chục năm” – chị H. chia sẻ.
Một trong những thách thức đặt ra là vấn đề tái hòa nhập cộng đồng cho các nạn nhân. Để khắc phục khó khăn này, bà Nguyễn Thúy Hiền, Phó Giám đốc Trung tâm phụ nữ và phát triển cho biết, Trung tâm đặt ra mục tiêu hỗ trợ kịp thời, khẩn cấp và toàn diện. Hàng trăm nạn nhân đã được phục hồi sức khỏe thể chất và tinh thần, được tư vấn và hỗ trợ dạy nghề.
Với việc đẩy mạnh các hoạt động thiết thực, các nhân viên Phòng tham vấn tâm lý của “Ngôi nhà bình yên” không chỉ bênh vực quyền lợi cho nạn nhân, mà còn nâng cao nhận thức của người dân, từ đó có những hành động cấp bách để ngăn ngừa và đối phó với vấn đề bạo lực, xâm hại tình dục và mua bán người với phụ nữ và trẻ em./.