Theo số liệu thống kê sơ bộ của Cục Phát triển Doanh nghiệp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, hiện nay số doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ chiếm khoảng 24-25% tổng số doanh nghiệp trong cả nước. Các doanh nghiệp nhỏ và vừa do phụ nữ làm chủ đóng vai trò quan trọng trong tạo việc làm và thu nhập cho người lao động, giảm đói nghèo và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Ngành nghề kinh doanh của các doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ tập trung nhiều nhất ở các ngành dịch vụ bán buôn, bán lẻ, chiếm khoảng 75%; ngành công nghiệp chế biến chế tạo 14,6%; khoa học công nghệ 7,3%.

Theo bà Nguyễn Thị Hảo, Giám đốc Trung tâm giáo dục nghề nghiệp và Hỗ trợ phát triển phụ nữ Hà Nội, tỷ lệ nữ làm chủ doanh nghiệp của chúng ta hiện nay chưa nhiều nên chưa thể khai thác hết được tiềm năng vốn có của chị em phụ nữ. Nhiều điển hình doanh nhân nữ thành công trên thương trường và đưa được các thương hiệu, sản phẩm nổi tiếng của Việt Nam ra thị trường quốc tế như Vinamilk, TH True milk, Vietjet… Vai trò đóng góp của chị em phụ nữ trong phát triển kinh tế xã hội là vô cùng lớn. Họ đóng góp rất tích cực vào việc phát triển kinh tế xã hội, giải quyết việc làm cho người lao động, đảm bảo an sinh xã hội. Nếu không khai thác được hết các tiềm năng của phụ nữ để thúc đẩy kinh tế thì đấy là một thiếu sót rất lớn.

Mặc dù phụ nữ Việt Nam cũng đang khẳng định năng lực trong lĩnh vực kinh doanh với tỷ lệ chủ sở hữu doanh nghiệp nhỏ và vừa đạt hơn 20% và tỷ lệ doanh nghiệp có phụ nữ góp vốn lên đến 51%, cao hơn rất nhiều so với một số quốc gia khác. Tuy nhiên, thực tế cho thấy các doanh nghiệp do phụ nữ lãnh đạo thường ở quy mô nhỏ và vừa, hoạt động ở những phân khúc thấp trong chuỗi cung ứng. Nguyên nhân do phụ nữ quen với cách kinh doanh truyền thống và chưa có sự đổi mới nhanh chóng để đáp ứng xu thế phát triển hiện nay.

"Chúng tôi đi thực tế ở nhiều địa phương, các chị em giải quyết rất nhiều việc làm cho lao động, doanh thu rất lớn nhưng mô hình vẫn ở quy mô hộ gia đình, hay quy mô doanh nghiệp rất nhỏ. Mọi người đều nói rằng thế là được rồi, bởi vì nếu phát triển mạnh hơn thì sẽ phát sinh rất nhiều vấn đề về quản lý và điều đấy sẽ là thử thách rất lớn. Từ đó, chị em cảm thấy hài lòng và đã hài lòng như thế thì mãi cũng không bứt phá lên được. Bên cạnh đó, việc tiếp cận chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp của các chị em khi làm chủ doanh nghiệp cũng có nhiều hạn chế và chưa tạo được thuận lợi cho chị em. Ví dụ rào cản về tiếp cận các nguồn vốn. Hiện nay, các cơ chế chính sách về vốn hỗ trợ rất nhiều, nhưng thủ tục tiếp cận để chị em có thể có được hỗ trợ đó thì không đơn giản chút nào", bà Nguyễn Thị Hảo nêu thực tế.

Trong bối cảnh nền kinh tế tiếp tục phải đối diện với khó khăn, thách thức sẽ tác động mạnh mẽ tới hoạt động sản xuất kinh doanh cùng sự phát triển của các doanh nghiệp, trong đó có các doanh nhân nữ, đầu năm 2024, Việt Nam đã công bố Sách Trắng về doanh nghiệp nhỏ và vừa do phụ nữ làm chủ. Sách Trắng đã phân tích tình hình hoạt động của các doanh nghiệp nhỏ và vừa, những rào cản mà các doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ gặp phải, đồng thời rà soát khung pháp lý hiện tại để đưa ra những khuyến nghị nhằm giúp giải phóng tiềm năng của các doanh nghiệp nhỏ và vừa do phụ nữ làm chủ.

Những khuyến nghị này bao gồm: xây dựng cơ sở dữ liệu phân tách theo giới, đưa khái niệm doanh nghiệp nhỏ và vừa do phụ nữ làm chủ vào một số văn bản quy phạm pháp luật cụ thể, trong đó có Luật Bình đẳng giới, các biện pháp khả thi theo lăng kính giới để thi hành Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa; tập trung nhiều hơn vào các hoạt động phổ biến kiến thức, nâng cao nhận thức, bao gồm thúc đẩy tinh thần kinh doanh cho phụ nữ và các nữ doanh nhân thành công tiêu biểu.

Mời nghe cuộc trao đổi giữa phóng viên VOV2 và bà Nguyễn Thị Hảo tại đây: