Chuẩn bị hoàn thành chương trình xóa nhà tạm, Nghệ An đang là một trong những địa phương có nhiều nỗ lực về thực hiện chính sách an sinh xã hội. Tới nay, toàn tỉnh đã xây mới và sửa chữa hơn 20.500 căn nhà, đạt 98,63% so với tổng nhu cầu trên 20.800 căn, phản ánh quyết tâm cao độ của hệ thống chính trị và sự đồng lòng từ nhân dân.
Trong tuần thứ hai của tháng 7, toàn tỉnh tiếp tục bàn giao thêm 80 căn nhà (53 căn xây mới, 27 căn sửa chữa), rút ngắn khoảng cách về đích. Đặc biệt, đã có thêm 7 xã hoàn thành chương trình, nâng tổng số xã/phường cán đích lên 89/130 đơn vị. Nghệ An đặt mục tiêu xóa hết nhà tạm, nhà dột nát trước ngày 30/8, trong đó hoàn thành hỗ trợ cho người có công trước dịp 27/7.
Mỗi ngôi nhà - Một điểm tựa để vươn lên
Những ngày đầu hè, nhiều bản làng vùng cao Nghệ An rộn ràng niềm vui khi hàng chục hộ nghèo và gia đình người có công được vào ở trong căn nhà mới. Ông Vi Đình Hoạt, 78 tuổi, xóm Hạ Đông, xã Mường Ham - nguyên là quân y từng công tác tại huyện Quỳ Hợp (cũ) xúc động khi kể về căn nhà mới được bàn giao đúng dịp 30/4.
“Giờ tôi rất sung sướng, cảm thấy rất thoải mái. 30/4 được vào nhà mới, có cả huyện lên, xã lên. Rất phấn khởi và cảm ơn Nhà nước” - ông Hoạt chia sẻ.
Căn nhà trị giá khoảng 270 triệu đồng, trong đó Nhà nước hỗ trợ 60 triệu, phần còn lại do họ hàng góp sức và gia đình đi vay mượn. Con trai ông - anh Vi Văn Dương khẳng định: “Không có hỗ trợ thì mình không vay được. Nhờ có giấy xác nhận của xã thì mới làm được nhà.”
Tại xã Châu Tiến, gia đình cựu chiến binh Quàng Văn Hoan cũng vừa được hỗ trợ xây nhà mới. Trong hoàn cảnh khó khăn khi có hai con mắc bệnh tâm thần, căn nhà khang trang là điểm tựa để cả gia đình yên tâm hơn trong cuộc sống.
“Có căn nhà mới, gia đình tôi vui lắm. Cảm ơn sự giúp đỡ, hỗ trợ của Nhà nước, bà con, anh em chòm xóm. Gia đình sẽ cố gắng phấn đấu để có cuộc sống tốt hơn nữa.” - ông Hoan bày tỏ.
Theo ông Lê Văn Từ - Trưởng Ban công tác Mặt trận bản Lầu: “Hỗ trợ 60 triệu là điều kiện quan trọng để người dân có thể vay thêm, góp thêm và xây được nhà ở đàng hoàng. Các hộ đều rất phấn khởi.”

Phong trào lan tỏa, chính sách đi vào đời sống
Chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát ở Nghệ An là một nỗ lực đồng bộ, quyết liệt của cả hệ thống chính trị, nhận được sự ủng hộ rộng rãi từ cộng đồng. Từ đầu năm 2023, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Chỉ thị số 21 nhằm tăng cường lãnh đạo công tác hỗ trợ xây dựng nhà ở cho hộ nghèo.
Khi Trung ương phát động phong trào “Chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát”, Nghệ An triển khai ngay với phương châm “6 rõ”: rõ người, rõ việc, rõ thời gian, rõ trách nhiệm, rõ kết quả, rõ sản phẩm. Tỉnh đã rà soát toàn diện, xác định chính xác hơn 20.800 hộ cần hỗ trợ. Nhờ kết hợp nguồn lực từ Chương trình mục tiêu Quốc gia và xã hội hóa, phong trào đã lan tỏa mạnh mẽ tới từng thôn bản.
Tại xã Mường Ham, chỉ trong 2 tháng, toàn xã đã xóa xong nhà tạm. Ông Lô Minh Đức – Chủ tịch UBMTTQ xã cho biết: “Cấp ủy, chính quyền vào cuộc hàng ngày. Nếu thiếu vật liệu, không vay được, thì đồng chí Chủ tịch xã đứng ra vay giúp. Dân quân, thanh niên, chi hội đều hỗ trợ tận tình.”
Tương tự, xã Châu Tiến cũng cơ bản hoàn thành chương trình vào cuối tháng 6, dù địa hình khó khăn. Nhờ tổ chức tốt từ khảo sát, họp dân, đến vận động xã hội hóa, chương trình được triển khai đúng tiến độ.
“Các tổ chức hội vận động ngày công như san nền, đào móng, giảm chi phí cho hộ dân. Ngoài ra, có nhiều doanh nghiệp trên tỉnh cũng tham gia hỗ trợ.” - ông Sầm Văn Hùng, Chủ tịch MTTQ xã Châu Tiến cho hay.

Chính quyền kiến tạo - Hành động vì người dân
Thành quả hôm nay có sự chỉ đạo quyết liệt, nhân văn của Tỉnh ủy và vai trò tham mưu của Ủy ban MTTQ tỉnh - cơ quan thường trực chương trình. Với hàng trăm văn bản chỉ đạo, công cụ quản lý hiện đại, các hội nghị được tổ chức đồng bộ từ tỉnh đến cơ sở, Nghệ An đã vận động hiệu quả các tổ chức, doanh nghiệp, lực lượng vũ trang, báo chí và người dân cùng chung tay.
Nhiều cách làm sáng tạo được ghi nhận như: chiến dịch “90 ngày đêm xây dựng, sửa chữa nhà cho người nghèo”, phong trào khởi công đồng loạt trong một ngày tại Quỳ Hợp, hay mô hình “chìa khóa trao tay” cho hộ đặc biệt khó khăn, trong đó chính quyền đứng ra ghi nợ vật liệu, thuê nhân công, hộ dân chỉ việc dọn vào ở.
Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc xã Mường Ham, ông Lô Minh Đức chia sẻ: “Chương trình đã giúp bà con an cư, từ đó có điều kiện vươn lên. Tới đây, địa phương sẽ tiếp tục hỗ trợ kế sinh nhai như bò, trâu…, giúp bà con thoát nghèo, ổn định lâu dài.”

Chính sách nhân văn - Lan tỏa nghĩa tình
Có thể khẳng định, chương trình xóa nhà tạm ở Nghệ An không chỉ giải quyết chỗ ở, mà còn mang lại niềm tin và khơi dậy sức mạnh cộng đồng. Mỗi ngôi nhà là nền tảng để người dân an cư, từng bước thoát nghèo, ổn định cuộc sống.
Và trên hành trình ấy, chính quyền Nghệ An đang thể hiện một tinh thần kiến tạo - hành động - nhân văn, đặt người dân ở vị trí trung tâm trong phát triển bền vững, đúng như tinh thần: Không ai bị bỏ lại phía sau”.