Trong quá trình cách ly và điều trị tại nhà, các F0 ăn ở cùng gia đình, rác thải sinh hoạt cùng với rác thải y tế, bông băng, những giấy lau dịch mũi, hoặc khạc đờm của người nhiễm Covid-19 thường được thu chung vào một túi nilong để công nhân vệ sinh môi trường chở tới bãi tập kết. Hiện nhiều địa phương vẫn chưa có hướng dẫn cụ thể việc thu gom, phân loại, bảo quản rác thải của F0 tại nhà như thế nào, nên mỗi nơi thực hiện một cách. Chỉ những gia đình có ý thức thì mới cho rác thải của F0 vào túi nilong riêng, và màu sắc khác để công nhân môi trường phân loại trước khi mang đến nơi tập kết rác.

Theo bà Phạm Thị Xuân – Phó chủ tịch Hội Nước sạch và Môi trường Việt Nam, việc người dân không chủ động phân loại rác của F0 sẽ gây ảnh hưởng tới môi trường và công nhân thu gom rác. “Nên làm tốt công tác tuyên truyền về nguy hại rác thải của F0. Tổ Covid-19 cộng đồng, tổ chức chính trị xã hội, đoàn thành niên, Ban công tác Mặt trận, tổ quản lý điều trị F0 tại nhà cần vào cuộc, đẩy manh tuyên truyền, nâng cao nhận thức của các gia đình trong việc xử lý rác thải tại nhà, hỗ trợ tổ thu gom rác hoàn thành công việc, đảm bảo an toàn phòng chống sự lây lan của dịch bệnh”, bà Xuân chia sẻ.

Quận Cầu Giấy cũng đã hướng dẫn người dân thực hiện đầy đủ các biện pháp phân loại rác thải của F0 điều trị tại nhà. Những trường hợp cố ý không báo phường, hoặc không có ý thức phân loại rác thải đã bị xử phạt. Các trường hợp này bị nêu trong các buổi truyền thanh của phường hoặc nhắc nhở trong nhóm mạng xã hội để răn đe, cảnh cáo.

Dù đã có quy định chung nhưng công tác thực hiện ở mỗi địa phương lại không đồng đều; nơi thực hiện tốt, nơi lơ là. Về vấn đề này, bác sĩ Nguyễn Hải Yến – Phó Giám đốc Trung tâm y tế quận Cầu Giấy khẳng định, Ban chỉ đạo quận quyết liệt nghiêm túc xử lý chất thải ở khu thu dung cũng như tại nhà đề kiểm soát tốt, đảm bảo không phát sinh mầm bệnh, an toàn cho người dân, công nhân môi trường và cán bộ y tế. “Đối với những trường hợp không khai báo thì phải phát huy vai trò của Ban chỉ đạo phòng chống dịch các cấp, các hệ thống chính trị, Uỷ ban Mặt trận, Hội phụ nữ, Đoàn thanh niên, tổ hỗ trợ quản lý F0 kịp thời phát hiện, hướng dẫn để người dân hợp tác, phân rác thải, bảo vệ môi trường phòng chống sự lây lan của dịch bệnh”, bác sỹ Nguyễn Hải Yến nhấn mạnh.

Bà Phùng Phương Thảo, chủ tịch UBND phường Trần Hưng Đạo (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) cũng cho biết, lịch thu gom rác của phường được cố định, hàng ngày sẽ có cán bộ phường phối hợp với Công ty Vệ sinh môi trường đi thu gom rác tại gia đình có F0 để đảm bảo an toàn phòng chống dịch: “Chúng tôi cũng thông báo với nhân dân, hướng dẫn cách thu gom, phân loại rác thải của riêng F0, cách gom vào túi, cách sử dụng túi riêng, cách dán nhãn, đặt ra vào đúng khung giờ quy định để đảm bảo nhân viên thu gom nhanh chóng, gọn nhẹ và an toàn cho người sống xung quanh”.

Ông Vũ Tuấn Cường, Phó giám đốc Urenco 2 cho biết, đơn vị tổ chức các tổ gồm 2 người, công nhân và lái xe mặc quần áo bảo hộ y tế, vận chuyển bằng xe tải nhỏ, chở thùng nhựa màu vàng khoảng 240 lít thực hiện công tác thu gom vận chuyển rác thải từ các gia đình F0 về điểm tập kết tập trung, sau đó Urenco 13 là đơn vị chuyên trách có giấy phép sẽ xử lý. Trước khi thu gom, rác phải được phun khử trùng, khử khuẩn đảm bảo dịch bệnh không bị phát tán ra môi trường trong quá trình thu gom.

Rác thải từ người mắc Covid-19 hay người chăm sóc đều được coi là rác thải có nguy cơ lây nhiễm cho cộng đồng. Những văn bản quy định pháp luật về việc xủ lý rác thải của các F0-F1 đã có, tuy nhiên vấn đề mang tính đột xuất, dịch khẩn cấp khi số ca cách ly, điều trị tại nhà nhiều, nên vẫn rất cần người dân có ý thức và cùng chung tay thực hiện./.