1. 10 năm thực hiện Nghị quyết 29 của Trung ương về đổi mới căn bản và toàn diện Giáo dục và Đào tạo

Sau 10 năm đổi mới căn bản và toàn diện theo Nghị quyết 29 của Trung ương, ngành Giáo dục và Đào tạo đạt được nhiều kết quả quan trọng. Hệ thống giáo dục quốc dân cơ bản được hoàn thiện theo hướng mở, liên thông giữa các cấp học, trình độ; hoàn thành phổ cập giáo dục cho trẻ em 5 tuổi; Chương trình Giáo dục phổ thông mới được triển khai, chuyển từ nặng về truyền thụ kiến thức sang phát triển toàn diện phẩm chất, năng lực học sinh; Đồng thời, lần đầu tiên triển khai một chương trình nhiều sách giáo khoa và xã hội hóa trong biên soạn, phát hành sách…

Tuy nhiên, sau 10 năm đổi mới, Giáo dục-Đào tạo vẫn tồn tại nhiều tồn tại, hạn chế như tình trạng thiếu trường, lớp ở các thành phố lớn, khu công nghiệp, khu vực đông dân cư và miền núi; Việc triển khai chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới còn gặp nhiều khó khăn; chưa hoàn thành mục tiêu thực hiện giáo dục bắt buộc 9 năm từ sau năm 2020...

Hành trình đổi mới giáo dục vẫn còn lắm chông gai và thách thức nhưng người đứng đầu ngành Giáo dục-Đào tạo, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn mong, dù khó khăn nhưng rất cần sự kiên trì, kiên định trong đổi mới giáo dục.

"Bởi giáo dục là con người cho nên không thể đơn thuần một sớm một chiều đánh giá được! Do vậy, điều quan trọng cần kiên trì trong định hướng đổi mới. Bởi kiên trì thì những việc làm đã qua mới có thể có tác dụng trong thời gian sắp tới", Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nhấn mạnh.

2. “Chốt” phương án thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025

Sau một thời gian chờ đợi và vấp phải nhiều tranh cãi, phương án thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 đã được Bộ GD-ĐT công bố. Phương án này nằm trong tổng thể lộ trình đổi mới chương trình và sách giáo khoa mới.

Theo đó, thay vì phải thi nhiều môn, kể từ kỳ thi năm 2025, thí sinh chỉ cần làm 2 bài thi bắt buộc là Toán, Ngữ văn và 2 môn còn lại thí sinh tự chọn trong số các môn học ở lớp 12. Việc ngoại ngữ không phải là môn thi bắt buộc khiến dư luận lo ngại chất lượng dạy và học ngoại ngữ liệu có đi xuống, đại diện Bộ GD-ĐT cho rằng:

"Môn Ngoại ngữ trong chương trình giáo dục phổ thông 2018 được chú trọng. Ngay từ lớp 3 các em học sinh đã được học, đến bậc THCS và THPT đều là môn học bắt buộc và được kiểm tra, đánh giá. Như vậy, trong quá trình từ năm lớp 3 đến lớp 12, học sinh đều được học, lựa chọn môn Ngoại ngữ mà mình thích và định hướng" (PGS.TS Huỳnh Văn Chương, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng, Bộ GD-ĐT)

Phương án thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 cũng khép lại cuộc tranh cãi suốt nhiều năm qua: “Lịch sử là môn học bắt buộc thì có nên là môn thi bắt buộc?”.

3. Nhiều bất cập, hạn chế đổi mới sách giáo khoa

Hàng loạt tồn tại, hạn chế trong thực hiện đổi mới sách giáo khoa giáo dục phổ thông được Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉ ra sau khi kết thúc giám sát việc thực hiện Nghị quyết số 88 và Nghị quyết số 51 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông.

Cụ thể, việc thẩm định, tiếp thu chỉnh sửa một số sách giáo khoa chưa chặt chẽ dẫn tới chất lượng chưa bảo đảm; Tại một số địa phương, việc lập hồ sơ lựa chọn sách giáo khoa còn thiếu sót so với quy định của Thông tư số 25; Trong khi đó, cung ứng, phát hành sách giáo khoa còn nhiều bất cập, qua nhiều khâu trung gian; Giá sách giáo khoa mới tăng 2-4 lần giá sách giáo khoa chương trình cũ...

Đặc biệt, Bộ GD-ĐT không tổ chức biên soạn được một bộ sách giáo khoa theo quy định của Nghị quyết số 88 của Quốc hội bằng ngân sách Nhà nước, hoàn toàn phụ thuộc vào xã hội hóa biên soạn sách giáo khoa là chưa phù hợp với chủ trương, quan điểm của Đảng, Nhà nước.

4. Dự kiến có thêm 3 Đại học Quốc gia

Dự thảo Quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục đại học và sư phạm thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050, Bộ GD-ĐT dự kiến đến năm 2030 có khoảng 30 cơ sở giáo dục đại học trọng điểm quốc gia, bao gồm 5 đại học quốc gia; 5 đại học vùng và từ 18 đến 20 cơ sở giáo dục đại học trọng điểm ngành quốc gia.

Cụ thể, ngoài 2 Đại học quốc gia hiện tại là Đại học Quốc gia TP. HCM và Đại học Quốc gia Hà Nội, dự kiến đến năm 2030, nước ta có thêm 3 đại học quốc gia là: Đại học Bách khoa Hà Nội, Đại học Huế, Đại học Đà Nẵng.

Bản dự thảo Quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục đại học và sư phạm thời kỳ 2021-2030 cũng gây ra những tranh cãi khi đại diện nhiều trường đại học cho rằng trường mình xứng đáng lọt vào danh sách các trường trọng điểm ngành quốc gia với những lý lẽ riêng.

5. Phó Giáo sư bán bài báo khoa học để kiếm tiền: “Phát súng” bắn vào sự liêm chính khoa học

Vụ việc PGS.TS Đinh Công Hướng - giảng viên Trường Đại học Công nghiệp TP.Hồ Chí Minh, thành viên Hội đồng ngành toán Quỹ Nafosted (Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ quốc gia) thừa nhận hành vi bán bài báo khoa học để kiếm tiền như “phát súng” bắn vào sự liêm chính khoa học.

Mặc dù về pháp lý, việc tác giả ghi công trình nghiên cứu khoa học ở nơi khác có thể không vi phạm quy định nếu cơ quan chủ quản cho phép nhưng việc làm này đã tiếp tay cho cơ sở giáo dục đại học "mua bài" để ngụy tạo thành tích đánh lừa xã hội và thu hút sinh viên vào học.

Vụ việc PGS.TS Đinh Công Hướng cũng hé lộ “thế giới ngầm” của việc mua bán bài báo khoa học đòi hỏi nhà nước cần có chế tài với những cơ sở đào tạo ngụy tạo thành tích, đồng thời có chính sách đãi ngộ thích đáng với các nhà khoa học.

6. Nở rộ dạy học liên kết trong trường học

Tiếng Anh liên kết, STEM liên kết, Tin học, võ thuật, mỹ thuật, âm nhạc cũng liên kết… chưa bao giờ dạy học liên kết trong nhà trường lại nở rộ trong những năm qua. Điều này khiến phụ huynh tại nhiều tỉnh, thành phố lên tiếng vì việc tổ chức dạy học dù trên danh nghĩa là thỏa thuận nhưng cách triển khai không khác gì là bắt buộc.

Đặc biệt, việc nhiều trường “chèn” môn liên kết vào lịch chính khóa khiến nhiều người cho rằng không khác gì là xé rào tổ chức dạy thêm ngay trong trường học.

Trước phản ứng của phụ huynh, Bộ GD-ĐT khẳng định, việc chèn môn liên kết vào giờ học chính là làm sai chương trình phổ thông mới. Đồng thời yêu cầu các địa phương rà soát, chấn chỉnh.

Mặc dù động thái này khiến một số trường học tạm dừng việc tổ chức dạy học liên kết nhưng thực tế, việc dạy học liên kết vào giờ chính khóa vẫn âm thầm được nhiều trường triển khai trên danh nghĩa tự nguyện.

7. Lạm thu trường học và trách nhiệm của người đứng đầu

Vẫn núp dưới danh nghĩa Ban đại diện cha mẹ học sinh và “thỏa thuận” nhiều trường vẫn lách luật để tận thu tiền từ phụ huynh.

Năm 2023, hàng loạt trường học bị phụ huynh "điểm danh" vì có dấu hiệu lạm thu: Trường THCS Tứ Hiệp (Thanh Trì, Hà Nội), Trường tiểu học Hồng Hà, (quận Bình Thạnh, TP. Hồ Chí Minh), Trường THCS Nguyễn Trãi, TP. Chí Linh (Hải Dương); Trường THPT Thanh Miện III (Hải Dường), Trường Tiểu học Văn Luông (Tân Sơn, Phú Thọ)...

Dư luận đặt câu hỏi vấn nạn "lạm thu" trong trường học này năm nào cũng xảy ra khiến phụ huynh bức xúc thì thanh tra Bộ GD-ĐT ở đâu? Việc Bộ GD-ĐT chỉ ra văn bản mà thiếu kiểm tra, giám sát việc xử lý nghiêm các vi phạm ở địa phương, hay việc hiệu trưởng các cơ sở giáo dục để xảy ra thu - chi sai quy định chủ yếu bị nhắc nhở rút kinh nghiệm… liệu đủ sức răn đe, cảnh báo?

"Phải quy trách nhiệm tới người đứng đầu trường học. Trường học xảy ra hiện tượng lạm thu thì hiệu trưởng phải chịu hình thức kỷ luật thích đáng" (Bà Nguyễn Thị Việt Nga, Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương).

8. Nhức nhối nạn bạo lực học đường

Vụ việc một nam sinh lớp 7 Trường THCS Đại Đồng (Thạch Thất, Hà Nội) bị bạn bạo hành tới mức phát bệnh tâm thần hay một nữ sinh trường THCS Xuân Nộn (Đông Anh, Hà Nội) bị đánh phải nhập viện điều trị cũng như nhiều vụ việc khác tiếp tục gióng lên hồi chuông về bạo lực học đường cũng như giáo dục đạo đức học sinh.

Trên nghị trường Quốc hội, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn thông tin, trong 3 năm học qua cả nước xảy ra 699 vụ bạo lực học đường, liên quan đến 2.016 học sinh, trong số đó có 854 học sinh nữ.

Đáng buồn hơn, vụ việc một nữ giáo viên trường THCS Văn Phú (Tuyên Quang) bị một nhóm học sinh dồn vào góc tường, xúc phạm cho thấy giáo dục gia đình và giáo dục nhà trường cần phải có giải pháp để ngăn chặn.

"Nếu tất cả chúng ta không cùng chung tay giáo dục cho các em những nguyên tắc, chuẩn mực, giá trị thì những hiện tượng này sẽ tiếp tục xảy ra, gây đau lòng cho những người làm cha, làm mẹ, những người làm thầy cũng như gây hoang mang cho xã hội" (PGS.TS Trần Thành Nam, Phó Hiệu trưởng trường Đại học Giáo dục, ĐHQG Hà Nội).

9. Cắt xén khẩu phần ăn của học sinh

Những ngày cuối năm, hình ảnh 11 học sinh Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học Hoàng Thu Phố 1, huyện Bắc Hà (Lào Cai) ăn chung 2 gói mì tôm nấu loãng chan với cơm trắng trong khi suất ăn sáng của các em là 1 gói mì tôm và 1 quả trứng thực sự khiến dư luận đau lòng, xót xa và bức xúc.

Trước áp lực dư luận, hiệu trưởng Trường PTDT bán trú tiểu học Hoàng Thu Phố 1, đã nộp đơn xin từ chức. Đồng thời UBND huyện Bắc Hà (Lào Cai) đã chuyển một số nội dung theo phản ánh của cơ quan báo chí sang cơ quan Công an huyện Bắc Hà để tiếp tục điều tra, xác minh.

Thực tế, không chỉ Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học Hoàng Thu Phố 1, trước đó, không ít vụ việc liên quan đến cắt xén khẩu phần ăn của học sinh bị phụ huynh và báo chí lên tiếng.

Trong Công điện ngày 20/12, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã chỉ đạo: Bộ GD-ĐT cùng các địa phương rà soát việc tổ chức, thực hiện các bữa ăn cho trẻ em mầm non, học sinh bán trú, nội trú, học sinh vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi và việc thực hiện các chế độ chính sách khác đối với trẻ em mầm non, học sinh tại các cơ sở giáo dục thuộc phạm vi quản lý; xử lý nghiêm đối với các tập thể, cá nhân nếu có vi phạm.

10. Học sinh Việt Nam tiếp tục tạo dấu ấn trên “đấu trường” quốc tế

Năm 2023 là năm gặt hái được rất nhiều thành tích xuất sắc của các đội tuyển tham dự Olympic quốc tế, khu vực và Hội thi Khoa học kỹ thuật quốc tế.

Cụ thể, trong năm, Việt Nam có 7 đoàn học sinh tham dự Olympic khu vực và quốc tế với 36 lượt học sinh tham gia và tất cả học sinh của các đoàn học sinh dự thi đều đạt giải với 8 Huy chương Vàng, 12 Huy chương Bạc, 12 Huy chương Đồng và 4 Bằng khen. Việt Nam tiếp tục giữ thành tích trong top 10 quốc gia đạt kết quả cao nhất.

Kết quả này không chỉ thể hiện sự nỗ lực, cố gắng của học sinh mà còn khẳng định chính sách đúng đắn, chiến lược phát triển giáo dục phù hợp của Bộ Giáo dục và Đào tạo.