Tham dự buổi lễ có ông Phạm Ngọc Thưởng, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo; ông Nguyễn Ngọc Ân, Chủ tịch Công đoàn Giáo dục Việt Nam; ông Nguyễn Văn Minh, Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Hà Nội và nhiều đồng chí lãnh đạo đại diện các Cục, Vụ thuộc Bộ GD&ĐT,đại diện Lãnh đạo các Sở GD&ĐT, và các tác giả có tác phẩm đoạt giải.

Được tổ chức từ năm 2011 với tên gọi “Những kỷ niệm sâu sắc về giáo viên chủ nhiệm và công tác chủ nhiệm lớp”, năm 2018, Cuộc thi được đổi tên thành “Những kỷ niệm sâu sắc về thầy cô và mái trường” được tổ chức thường niên.

Mục đích của cuộc thi nhằm ghi nhận, tôn vinh những thầy giáo, cô giáo có thành tích, việc làm tốt có những đóng góp tích cực cho công cuộc đổi mới giáo dục; ghi nhận và tôn vinh những cơ sở giáo dục có nhiều đổi mới, sáng tạo trong dạy học, giáo dục học sinh; lan tỏa những tình cảm tốt đẹp của học sinh, sinh viên, cha mẹ học sinh đối với thầy cô, mái trường.

Tác phẩm dự thi tập trung vào những kỷ niệm sâu sắc về thầy cô và mái trường. Những ấn tượng sâu sắc về thầy cô giáo mà tác giả yêu quý, ngưỡng mộ hoặc những tác động, ảnh hưởng đặc biệt của thầy cô giáo tới việc học tập, nhận thức, làm thay đổi cuộc sống của cá nhân tác giả (hoặc bạn bè, người thân tác giả).

Những tình huống sư phạm tiêu biểu, điển hình và cách giải quyết các tình huống ấy của thầy cô giáo mà tác giả đã từng gặp hoặc trải qua, thể hiện năng lực nghề nghiệp, khả năng sáng tạo cũng như tình cảm của thầy cô giáo đối với học sinh, đối với nghề.Những kỷ niệm, những ấn tượng, tình cảm gắn bó sâu sắc đối với ngôi trường mà tác giả hoặc bạn bè, người thân của tác giả đã và đang theo học.

Nhiều năm qua, Cuộc thi này luôn nhận được hưởng ứng của đông đảo các tầng lớp nhân dân, thể hiện ở số lượng bài dự thi nhận được năm sau nhiều hơn năm trước.

Năm 2022, có hơn 60.000 tác phẩm gửi dự thi, Ban giám khảo đã chọn ra 14 tác phẩm xuất sắc nhất để trao giải với 1 giải Nhất, 2 giải Nhì, 3 giải Ba và 8 giải Khuyến khích. Ngoài ra, 2 đơn vị có số lượng bài dự thi lớn, đạt chất lượng tốt được trao giải Tập thể và 2 giải thưởng phụ được trao cho tác giả nhỏ tuổi dự thi.

Giải nhất thuộc về cô giáo Nguyễn Thị Liên – giáo viên trường Phổ thông Dân tộc Nội trú tỉnh Quảng Trị với bài viết về thầy giáo Hoàng Đức Vinh – người đã có ảnh hưởng rất lớn đến việc chọn nghề giáo của cô và những đức tính tốt đẹp, tấm gương của thầy đã khiến cô thủy chung với nghề và hết lòng với các em học sinh dân tộc.

Bài dự thi của cô giáo Trương Thị Thủy, giáo viên trường tiểu học Lê Hồng Phong, Thành phố Thái Bình về em học sinh khuyết tật Nguyễn Quang Minh vô cùng xúc động . Hay hình ảnh về người mẹ giáo viên qua bài viết của em Nguyễn Thị Hồng Dương , học sinh trường THPT chuyên Sơn La, tỉnh Sơn La cũng là bài viết ấn tượng. Tấm gương của mẹ, một cô giáo tận tụy với nghề , lăn lội vượt núi băng đèo đi gieo cái chữ cho học trò đã nuôi dưỡng tâm hồn của cô con gái và hướng em tiếp tục đi theo cái nghề của mẹ, với mong muốn góp phần nhỏ bé của mình cùng các em nhỏ vùng cao chinh phục ước mơ .

Việc cuộc thi viết nhận được đông đảo sự quan tâm của mọi đối tượng trong xã hội cho thấy tình cảm thầy trò là thứ tình cảm thiêng liêng được cả xã hội trân trọng, vai trò, vị thế của nhà giáo luôn được tôn vinh.Thứ trưởng Bộ giáo dục đào tạo Phạm Ngọc Thưởng khẳng định “ ý nghĩa giáo dục của cuộc thi hết sức sâu sắc đối với các thế hệ học sinh đã học, đang học, luôn luôn xây đắp những tình cảm tốt đẹp nhất về thầy cô và mái trường nên cuộc thi có ý nghĩa nhân văn rất sâu sắc nó vun đắp tình cảm của mỗi con người với những điều tốt đẹp nhất.”

Một số hình ảnh tại lễ trao giải