Ngày 5/10, tại Nghệ An, 7 trường đại học kỹ thuật hàng đầu Việt Nam đã thực hiện ký kết ghi nhớ hợp tác về đào tạo, nghiên cứu khoa học lĩnh vực công nghệ cao. Đây là nội dung quan trọng phù hợp với định hướng phát triển giáo dục đại học và gắn với yêu cầu về chất lượng nguồn nhân lực trong thời đại công nghiệp 4.0, chuyển đổi số và mục tiêu phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới.

Không thể chinh phục, làm chủ công nghệ cao nếu không có nguồn nhân lực chất lượng cao. Ý thức rõ trách nhiệm của mình, 7 trường ĐH kỹ thuật hàng đầu Việt Nam đã không ngừng đổi mới trên nhiều lĩnh vực trong điều kiện eo hẹp về kinh phí do dịch bệnh Covid-19, do nền kinh tế Việt Nam còn nhiều khó khăn... Với tinh thần "tự lực", các trường ĐH đạt nhiều thành tựu trong giảng dạy, nghiên cứu khoa học, hợp tác quốc tế, từng bước nâng cao vị thế của Giáo dục ĐH Việt Nam trên bản đồ Giáo dục khu vực và thế giới. Nhiều đề tài nghiên cứu giá trị, số lượng các bài báo quốc tế tăng nhanh, nhiều giảng viên có năng lực đã khẳng định mình và trở thành những chuyên gia trên nhiều lĩnh vực khoa học công nghệ cao.

Trong lễ ký kết thỏa thuận hợp tác lần này, mục tiêu của Trường đặt ra là cùng nhau phát triển, phát huy thế mạnh của mỗi Trường một cách toàn diện.

Hoạt động hợp tác bao gồm 6 nội dung quan trọng như: Chia sẻ kinh nghiệm trong hoạt động đào tạo, nghiên cứu khoa học - chuyển giao công nghệ lĩnh vực công nghệ cao.

Tăng cường phối hợp trong hoạt động đào tạo, nghiên cứu khoa học - chuyển giao công nghệ lĩnh vực công nghệ cao trọng tâm trong các ngành khoa học công nghệ mũi nhọn như Công nghệ thông tin, Điện tử viễn thông, Điều khiển tự động hóa, Công nghệ chế tạo, Xây dựng, Giao thông, Cơ khí, Năng lượng tái tạo, Vật liệu tiên tiến, Quản lý xây dựng và các ngành/lĩnh vực phục vụ tăng trưởng xanh.

Tổ chức trao đổi, xây dựng cơ chế chung trong phối hợp đào tạo về lĩnh vực vật liệu mới, vật liệu bán dẫn, vi điện tử, thiết kế vi mạch, đường sắt đô thị, đường sắt tốc độ cao.

Xây dựng mạng lưới hạ tầng chuyển đổi số cho phép trao đổi tài nguyên số giữa các Trường như thông tin, thư viện, học liệu số … liên quan đến lĩnh vực Công nghệ cao.

Chia sẻ kinh nghiệm trong quản trị đại học, chiến lược quản trị hướng tới tự chủ đại học, đại học thông minh, đại học số để tạo điều kiện phát triển các hoạt động đào tạo, nghiên cứ khoa học và chuyển giao công nghệ trong lĩnh vực công nghệ cao.

Tăng cường phối hợp nghiên cứu và triển khai áp dụng mô hình quản trị đại học phù hợp với điều kiện kinh tế xã hội Việt Nam nói chung và với điều kiện của từng trường đại học nói riêng để đáp ứng nhu cầu phát triển công nghệ công cao tại Việt Nam.

Việc đi trước đón đầu xu thế phát triển của giáo dục Đại học và yêu cầu về chất lượng nguồn nhân lực trong giai đoạn cách mạng công nghiệp 4.0, thế kỷ Al, chuyển đổi số là tầm nhìn mang tính chiến lược của các cơ sở giáo dục ĐH Việt Nam đặc biệt là 7 trường ĐH kỹ thuật hàng đầu Việt Nam.

PGSTS Nguyễn Hữu Hiếu, Hiệu trưởng Trường ĐH Bách Khoa, ĐH Đà Nẵng - đơn vị đào tạo nhân lực phục vụ chủ yếu cho khu vực miền Trung cho rằng: Trong 4 năm qua các trường đã hợp tác rất chặt chẽ với nhau, sau mỗi lần ký kết đều rà soát vấn đề mình làm những việc mình triển khai và có trao đổi lẫn nhau giữa 7 trường để thực hiện công tác dào tạo NCKH cũng như phục vụ cộng đồng. ĐH Bách Khoa Đà Nẵng cũng đã phối hợp với các trường để xây dựng chương trình đào tạo và trao đổi sinh viên.

Trường ĐH Thủy Lợi là một trong 7 trường ĐH kỹ thuật hàng đầu tham gia ký kết hợp tác trên nhiều lĩnh vực. Nhờ sự hợp tác này, trường đã có những thay đổi bứt phá để phát triển và đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Riêng hiệu quả từ các hoạt động nghiên cứu khoa học, năm 2023 nhà trường đã thu về số tiền hơn 485 tỷ đồng. Bên cạnh đó công tác tuyển sinh cũng đã có những kết quả nổi bật, từ chỗ tuyển sinh khó khăn đến nay số lượng thí sinh đăng ký và lựa chọn ĐH Thủy Lợi đã tăng nhanh cả về số lượng và chất lượng.

GS.TS Trịnh Minh Thụ, Hiệu trưởng trường Đại học Thuỷ lợi đánh giá cao các hoạt động hợp tác giữa các trường. Lễ ký kết lần này phù hợp với yêu cầu của Chính Phủ về tăng cường đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ lĩnh vực công nghệ cao. "Việc các trường hợp tác với nhau chia sẻ về chương trình đào tạo, kinh nghiệm nguồn nhân lực cơ sở vật chất, con người để nâng cao chất lượng những chương trình đào tạo của những ngành mới là vô cùng quan trọng".

Theo GS.TS Mai Thanh Phong - Hiệu trưởng trường ĐH Bách Khoa - ĐHQG TP HCM, hiện nay nước ta đang có những chính sách đẩy mạnh phát triển công nghiệp, đặc biệt công nghệ cao trong đó ưu tiên cho một số lĩnh vực mũi nhọn như chíp bán dẫn, Al... Nguồn nhân lực là vô cùng quan trọng, để làm được điều đó ĐHBK TPHCM liên tục có chính sách nâng cao các kỹ năng của sinh viên để người học sau khi tốt nghiệp có thể nhanh chóng đáp ứng được yêu cầu của nhà sử dụng lao động.

Hiện nay nhà nước đang dự định triển khai một số đề án nhằm phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, "chúng tôi kỳ vọng đề án sớm được triển khai, chúng tôi sẽ nhận được sự đầu tư để hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình", GS TS Mai Thanh Phong bày tỏ.

PGS.TS Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Bộ Giáo dục đào tạo đánh giá cao sự hợp tác giữa 7 trường ĐH kỹ thuật hàng đầu Việt Nam. 7 trường đã có mối quan hệ hợp tác rất chặt chẽ trong thời gian qua một cách toàn diện và phong phú không chỉ trong đào tạo, NCKH, hợp tác quốc tế, truyền thông, chuyển đổi số... Sự hợp tác lần này trong lính vực đào tạo nhân lực công nghệ cao hết sức kịp thời và đúng lúc khi chủ trương của Đảng và nhà nước tập trung phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ phát triển công nghệ cao cũng là tiền đề phát triển kinh tế xã hội lên tầm cao mới trong giai đoạn mới.

"Sự hợp tác này sẽ thành động lực to lớn không chỉ đối với các trường kỹ thuật mà là động lực chung cho cả hệ thống giáo dục ĐH phát triển theo hướng đầu tư nhiều hơn cho nguồn nhân lực về khoa học kỹ thuật trong lĩnh vực STEM, Toán thống kê để tạo ra những đột phá mới trong chuyển giao công nghệ thúc đẩy sự phát triển kinh tế xã hội."

Hiện nay, Bộ GD-ĐT đang lấy ý kiến góp ý Dự thảo Đề án Đào tạo nguồn nhân lực phục vụ phát triển công nghệ cao giai đoạn 2025 – 2035 và định hướng tới năm 2045.

Đề án Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao sẽ sớm được hoàn thiện, trình Chính phủ trong năm nay để có thể ký ban hành, và sự hợp tác của các trường ĐH khối kỹ thuật Việt Nam sẽ đóng vai trò chủ chốt để thực hiện đề án này trong tương lai, PGSTS Nguyễn Thu Thủy khẳng định.

Trước đó ngày 4 tháng 10, tại UBND tỉnh Nghệ An đã diễn ra lễ ký kết hợp tác giữa 7 trường ĐH kỹ thuật với tỉnh Nghệ An. Hai bên kỳ vọng sẽ hỗ trợ nhau trong đào tạo nguồn nhân lực cho địa phương đồng thời cùng nhau giải quyết những bài toán trong phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh đặc biệt trong những lĩnh vực là thế mạnh của các trường.

Tháng 6 năm 2020, tại Đà Nẵng, 7 trường Đại học Kỹ thuật hàng đầu Việt Nam gồm: Trường Đại học Bách khoa, ĐHQG-HCM, Trường Đại học Bách khoa, Đại học Đà Nẵng, Đại học Bách khoa Hà Nội, Trường Đại học Giao thông vận tải, Trường Đại học Mỏ - Địa chất, Trường Đại học Thủy lợi và Trường Đại học Xây dựng Hà Nội đã tiến hành ký kết thỏa thuận hợp tác. Sau tuyên bố chung Đà Nẵng, 7 trường đã thực hiện các hoạt động hợp tác nhằm hỗ trợ, học hỏi cùng nhau nâng cao chất lượng các cơ sở giáo dục đại học trên nhiều lĩnh vực: Truyền thông, hợp tác quốc tế, tuyển sinh, kiểm định, xây dựng chương trình đào tạo, quản trị đại học, chuyển đổi số, nghiên cứu khoa học...