Chiều 17/7, Hội nghị Tổng kết công tác Đội và phong trào thiếu nhi năm học 2023, triển khai nhiệm vụ năm học 2023-2023 đã được tổ chức tại Trụ sở Trung ương đoàn.

Đồng chí Nguyễn Phạm Duy Trang – Bí thư T.Ư Đoàn, Chủ tịch Hội đồng Đội Trung ương; đồng chí Lê Hải Long - Ủy viên Ban thường vụ, Trưởng Ban Công tác Thiếu nhi Trung ương Đoàn, Phó Chủ tịch thường trực Hội đồng Đội Trung ương chủ trì Hội nghị.

Báo cáo của Hội đồng Đội cho thấy, năm học 2022-2023, Hội đồng Đội các tỉnh, thành phố đã triển khai các hoạt động theo Chương trình công tác Đội và phong trào thiếu nhi đảm bảo tính thiết thực, hiệu quả với nhiều cách làm sáng tạo, phù hợp với điều kiện cụ thể của từng địa phương, đơn vị.

Phong trào “Thiếu nhi Việt Nam thi đua làm theo 5 điều Bác Hồ dạy” và các phong trào, cuộc vận động lớn của tổ chức Đội tiếp tục được các liên đội tập trung triển khai thực hiện.

Các cấp Đội đã tổ chức nhiều hoạt động ý nghĩa, thiết thực nhân kỷ niệm 60 năm phong trào “Nghìn việc tốt”, phối hợp với các ban, ngành trong tổ chức các hoạt động bảo vệ, chăm sóc, giáo dục thiếu niên, nhi đồng được chú trọng. Các cấp Đội có sự chủ động, linh hoạt trong vận động các nguồn lực xã hội, đồng hành chăm lo cho thiếu nhi có hoàn cảnh khó khăn. Việc ứng dụng công nghệ số trong các hoạt động Đội được các cơ sở từng bước triển khai hiệu quả.

Tuy vậy, công tác Đội và phong trào thiếu nhi tại một số đơn vị chưa thực sự đồng đều, chưa có nhiều phong trào mới, mang màu sắc đặc trưng của địa phương, đơn vị. Việc ứng dụng công nghệ số vào các hoạt động, phong trào của Đội tại một số địa phương còn gặp hạn chế.

Tại một số cơ sở, đặc biệt là trong trường học, các phong trào của Đội chưa được quan tâm, ảnh hưởng đến công tác triển khai, tổ chức thực hiện nhiệm vụ.

Tại nhiều xã, phường nhân sự Hội đồng Đội đa số là kiêm nhiệm, trình độ kỹ năng, nghiệp vụ hoạt động công tác Đội còn hạn chế. Kinh phí hoạt động chưa nhiều, ảnh hưởng không nhỏ đến công tác triển khai phong trào Đội trên địa bàn dân cư.

Đặc biệt, công tác nắm bắt, xử lý, báo cáo các vụ việc liên quan đến trẻ em tại một số cơ sở đôi lúc chưa kịp thời. Công tác phòng, chống đuối nước, tai nạn thương tích trẻ em mặc dù có giảm nhưng vẫn còn nhiều vụ việc trẻ em tử vong do đuối nước.

Ứng dụng công nghệ thông tin vào phong trào thiếu nhi và hoạt động hướng nghiệp cho đội viên

Phát biểu tham luận tại Hội nghị, chị Trịnh Thị Hiền Trân, Phó bí thư Thành đoàn, Chủ tịch Hội đồng Đội TP.HCM đưa ra nhiều dẫn chứng cho thấy sự cần thiết Ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong triển khai phong trào thiếu nhi Việt Nam.

Theo đó, 82% trẻ em Việt Nam trong độ tuổi 12-13 sử dụng internet. Trong quý 3 năm 2022, thống kê của Cục trẻ em, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho thấy có 89% trẻ em sử dụng internet. Tuy nhiên chỉ có 36% trẻ em được giáo dục về an toàn mạng.

Vì vậy, năm học 2022-2023, Thành đoàn phát huy kênh tuyên truyền trực tuyến duy trì các website, kênh thông tin để tăng độ tương tác với thiếu nhi trên không gian mạng. Ngoài các kênh truyền thống TPHCM thông qua đơn vị sự nghiệp doanh nghiệp thành đoàn có kênh mới phục vụ, ra mắt kênh podcast.

Đáng chú ý, qua khảo sát xã hội phục vụ Đại hội đại biểu Đoàn TNCS Hồ Chí Minh thành phố cho thấy thanh thiếu niên dưới 18 tuổi tham gia khảo sát có thời gian sử dụng Tiktok trong ngày vượt trội hoàn toàn so với các nhóm tuổi khác - hơn 2 giờ/ngày.

Thành đoàn đã xây dựng nhiều hình thức thu hút thiếu nhi TP.HCM, phát huy đội viên, thiếu nhi tham gia xây dựng trang theo xu hướng, thị hiếu của các em, nâng cấp sản phẩm chương trình theo hướng đa dạng hóa, tăng tính tương tác thiếu nhi xem nghe đọc để hoạt động trực tuyến, tạo ra trào lưu tích cực trên không gian mạng như làm việc tốt, sống xanh.

Đồng thời, phối hợp với Sở Văn hóa – Thể thao xây dựng không gian sinh hoạt trực tuyến dành cho đội viên, thiếu nhi. “Năm 2023 không gian này tiếp tục được nâng cấp ứng dụng AI tích hợp dữ liệu sản phẩm tuyên truyền để thiếu nhi có thể trải nghiệm sinh hoạt hè ngay tại nhà phòng những ngày thời tiết mưa lớn, bão nắng nóng.... Đây cũng là công cụ để lực lượng phụ trách Đội triển khai tổ chức sinh hoạt hè, sinh hoạt đội định kỳ tập huấn”, chị Trân nói.

Bên cạnh đó, TP.HCM cũng triển khai tập huấn, trang bị kiến thức chuyển đổi số và nâng cao năng lực số cho thiếu nhi, phụ trách đội và phụ huynh.

Chị Trân cho rằng cần từng bước nâng cao năng lực số cho đội ngũ cán bộ phụ trách Đội. Đồng thời, cần cập nhật xu hướng, sự quan tâm của đội viên, thiếu nhi, tiếp tục nâng cao các kênh sản phẩm tuyên truyền, công cụ, chương trình hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin. Xây dụng nguồn tài nguyên số dùng chung có thể tận dụng từ cấp TP đến cơ sở.

Các sản phẩm chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ phục vụ công tác đội cần gắn liền với ngành giáo dục đào tạo, tăng tính trải nghiệm có tính bổ trợ gắn với chương trình giáo dục phổ thông.

Ngoài ứng dụng trong các phong trào thanh thiếu niên, công nghệ thông tin và chuyển đổi số cũng được tận dụng để triển khai hoạt động tư vấn, định hướng, hướng nghiệp và trải nghiệm nghề nghiệp cho các HS cấp THCS.

Chị Hồ Thị Thu Thanh - Phó Bí thư, Chủ tịch Hội đồng Đội tỉnh Quảng Ngãi cho biết, thời gian qua, Quảng Ngãi ứng dụng công nghệ thông tin để lồng ghép các hoạt động tư vấn, hướng nghiệp. Đồng thời thành lập, duy trì đội tư vấn, hướng nghiệp tại các liên đội với phương châm "mỗi thầy, cô giáo là một tư vấn viên", triển khai công tác hướng nghiệp thời đại 4.0.

Tìm cơ hội học lên cao cho những đội viên ở lớp học tình thương

Phát biểu tham luận tại Hội nghị, anh Lê Tuấn Anh, Phó Bí thư, Chủ tịch Hội đồng Đội tỉnh Bình Dương cho biết, Bình Dương duy trì các điểm sinh hoạt vui chơi cuối tuần, tu sửa xây mới khu vui chơi miễn phí do Đoàn Đội quản lý. Năm học vừa qua đã xây dựng 8 khu vui chơi mới, tổ chức sân chơi cuối tuần, tổ chức Ngày Chủ nhật vui, sân chơi lưu động trải nghiệm cho thiếu nhi trên địa bàn dân cư.

"100% xã phường thị trấn và Hội đồng đội cấp huyện tổ chức sân chơi cao điểm thiếu nhi nhân dịp lễ như trung thu, quốc tế thiếu nhi, dịp Tết, dịp hè...với sự tham gia tình nguyện viên đến từ các ĐH, CĐ điều phối hoạt động".

Bình Dương lắp đặt khu vui chơi trên các địa bàn dân cư bằng cách vận động xã hội hóa, triển khai chương trình "Lì xì yêu thương" để tạo kinh phí trang bị sân chơi mới, tái chế trang bị khu vui chơi.

Bên cạnh đó, duy trì các lớp học tình thương cho 400 HS với hơn 50 tình nguyện viên đứng lớp gồm giáo viên, sinh viên sư phạm và giáo viên về hưu.

Tuy vậy, nhiều thiết chế văn hoá nhà thiếu nhi, trung tâm hoạt động thanh thiếu nhi cấp huyện có trụ sở đã xây dựng nhưng do yêu cầu tinh giản biên chế nên điều kiện nhân sự, kinh phí để vận hành các nhà thiếu nhi cấp huyện khó khăn.

Tại những lớp học tình thương, nhiều học sinh có kết quả học tập tốt nhưng do lớp học là tự phát nên điều kiện tiếp tục học lên cao khó khăn. Thông qua Hội nghị, anh Tuấn Anh mong muốn các cơ quan chức năng có hướng dẫn gợi mở để các bạn ở lớp tình thương có kết quả học tập tốt, có ý chí phấn đấu sẽ có điều kiện chuyển cấp học thêm cao nữa.

Kết luận Hội nghị, chị Nguyễn Phạm Duy Trang - Bí thư Trung ương Đoàn, Chủ tịch Hội đồng Đội Trung ương đề nghị các cấp Đội cần phát huy hiệu quả những mô hình hay trong công tác chăm sóc, hỗ trợ thiếu nhi có hoàn cảnh khó khăn; triển khai các hoạt động chuyển đổi số trong việc tổ chức các phong trào của Đội; thực hiện hiệu quả hơn nữa Luật Trẻ em năm 2016; phát huy vai trò đại diện tiếng nói, nguyện vọng của trẻ em và quyền tham gia của trẻ em vào các vấn đề của trẻ em; tăng cường hơn nữa vai trò của Đoàn, Đội trong bảo vệ, chăm sóc, giáo dục và phòng chống xâm hại, tai nạn thương tích trẻ em; nhân rộng mô hình “Hội đồng trẻ em”./.