Tiên phong trong việc đổi mới phương thức kiểm tra, đánh giá, chất lượng của Kỳ thi Đánh giá năng lực (HSA) của Đại học Quốc gia Hà Nội đã nhận được sự tin yêu của thí sinh và được gần 100 cơ sở giáo dục ĐH sử dụng làm phương thức xét tuyển. Tuy nhiên, từ năm học 2025 trở đi, thí sinh sẽ thi theo Chương trình GDPT mới 2018 vì vậy nội dung bài thi Đánh giá năng lực (HSA) phải có sự điều chỉnh cho phù hợp. Nhân dịp này, PV VOV2 có bài Phỏng vấn GS.TS Nguyễn Tiến Thảo - Giám đốc Trung tâm Khảo thí ĐHQG Hà Nội.

Phóng viên: Năm học 2023-2024 đã kết thúc và chuẩn bị bước vào năm học 2024-2025 với khóa học sinh đầu tiên tốt nghiệp chương trình trung học phổ thông mới. ĐHQGHN có điều chỉnh gì đối với bài thi Đánh giá năng lực 2025 hay không?

GS.TS Nguyễn Tiến Thảo: Năm học 2024-2025 là năm học quan trọng với khóa học sinh theo học chương trình trung học phổ thông mới tốt nghiệp. Các học sinh theo học chương trình trung học phổ thông mới có nhiều lựa chọn các môn học nên cách dạy, học và thi cũng có những thay đổi. Bài thi Đánh giá năng lực học sinh trung học phổ thông (HSA) của Đại học Quốc gia Hà Nội (ĐHQGHN) sẽ có một số điều chỉnh để phù hợp với việc dạy và học bậc trung học phổ thông nhưng vẫn đảm bảo các nguyên tắc bất biến như: đánh giá năng lực học sinh, đảm bảo tính ổn định, tính phân loại và hướng nghiệp. Chúng tôi điều chỉnh cả hình thức lẫn nội dung nhưng vẫn đảm bào sự ổn định, kế thừa thành tự đạt được thời gian qua.

Cụ thể, bài thi sẽ giữ nguyên cấu trúc gồm 3 phần: Phần 1- Toán học và xử lý số liệu (50 câu hỏi, 75 phút); Phần 2- Ngôn ngữ - Văn học (50 câu hỏi, 60 phút); Phần 3 – Khoa học (50 câu hỏi, 60 phút). Tổng điểm bài thi là 150 điểm.

Về hình thức, bài thi ĐGNL năm 2025 điều chỉnh chủ yếu ở phần 3 và cách thiết kế câu hỏi chuẩn hóa. Với phần 3, thí sinh sẽ được lựa chọn 3 trong 5 chủ đề thuộc lĩnh vực Lý, Hóa, Sinh, Sử, Địa . Thí sinh sẽ hoàn thành bài thi trong thời gian 195 phút (không kể thời gian bù thêm cho câu hỏi thử nghiệm).

Riêng phần lựa chọn liên quan đến Ngoại ngữ đang xây dựng thành một hợp phần riêng thay thế phần Khoa học để đánh giá năng lực chuyên biệt.

Về nội dung, chúng tôi bổ sung câu hỏi chùm, trong một ngữ cảnh dữ liệu đầu bài có 1-3 ý hỏi khác nhau để đánh giá năng lực tổng hợp của thí sinh. Câu hỏi chùm cũng cho phép khai thác các chủ đề mới với ngữ liệu cho trước đòi hỏi thí sinh phải nhận định, phân tích và đưa ra phương án giải quyết vấn đề đã cho.

Phóng viên: Như vậy là bài thi ĐGNL 2025 có những điều chỉnh nhất định cả về nội dung và hình thức. Vậy công tác chuẩn bị cho kỳ thi ĐGNL năm 2025 ra sao thưa ông?

GS.TS Nguyễn Tiến Thảo: Hiện tại chúng tôi đang thực hiện nhiệm vụ tổ chức kỳ thi Đánh giá năng lực năm 2024 và công tác chuẩn bị cho năm 2025. Theo kế hoạch, chúng tôi đã tiến hành nhóm việc liên quan đến bài thi năm 2025 đầu năm 2023 bao gồm: dạng thức bài thi, chuẩn bị về ngân hàng câu hỏi thi, điều chỉnh ma trận đề thi, xây dựng bài thi tham khảo, văn bản hướng dẫn tổ chức thực hiện, cơ sở dữ liệu và hạ tầng kỹ thuật, hoạt động thử nghiệm… Đến thời điểm hiện tại, ĐHQGHN đã ban hành dạng bài thi và chúng tôi đang tiếp tục phát triển ngân hàng câu hỏi và chuẩn bị công bố đề thi tham khảo trong thán 8 tới đây. Công tác chuẩn bị hạ tầng đã và đang dần hoàn thiện trong năm 2024.

Phóng viên: Hiện nay ngoài ĐHQGHN, một số trường đại học cũng có bài kiểm tra tư duy, đánh giá năng lực để các trường đại học sử dụng trong tuyển sinh. Vậy ĐHQGHN có kế hoạch đầu tư nâng cao chất lượng bài thi ĐGNL như thế nào để cạnh tranh với các trường có kỳ thi kiểm tra năng lực, tư duy?

GS.TS Nguyễn Tiến Thảo: Như đã nói ở trên, chúng tôi có những nguyên tắc bất biến khi xây dựng bài thi ĐGNL là đảm bảo tính ổn định, tính phân loại và hướng nghiệp. Bài thi ĐGNL là bài thi chuẩn hóa và kỳ thi HSA cung cấp sản phẩm chất lượng cho các đơn vị sử dụng. Do đó, chúng tôi lấy tiêu chí chất lượng, khách quan, minh bạch là tôn chỉ hoạt động nên không bị áp lực cạnh tranh với bất kỳ bài thi nào khác.

Cùng với hoạt động đổi mới nâng cao chất lượng đào tạo, việc đầu tư xây dựng bài thi HSA chất lượng được hiện thường xuyên. Chúng tôi không ngừng cải tiến từ quy trình đăng ký thi, tổ chức thi, phát triển ngân hàng câu hỏi thi, triển khai ứng dụng khoa học khảo thí và công nghệ thông tin; tăng cường tính khách quan minh bạch từ đăng ký dự thi, tổ chức thi, chấm điểm và công bố kết quả bài làm thí sinh ngay sau khi kết thúc làm bài; liên thông dữ liệu với Bộ Giáo dục & Đào tạo, các trường đại học phục vụ tuyển sinh.

Về lượng, chúng tôi bổ sung thêm 1 phần thi riêng về ngoại ngữ (dự kiến 60 phút làm bài) phục vụ các khối ngành đào tạo chuyên ngoại ngữ; tăng tính chủ động của thí sinh được lựa chọn 3 trong 5 chủ đề thi theo thế mạnh về khoa học tự nhiên hay khoa học xã hội hoặc liên ngành. Các trường sử dụng kết quả thi có thêm các phương án lựa chọn thí sinh theo thế mạnh và đặc trưng riêng của từng nhóm ngành đào tạo.

Về chất, chúng tôi bổ sung các loại hình câu hỏi theo hướng đánh giá năng lực phân tích, tổng hợp của thí sinh. Thí sinh sẽ làm quen thêm dạng câu hỏi một ngữ cảnh nhiều ý hỏi trong tất cả các chủ đề xuất hiện trong đề thi. Cuối cùng, thí sinh dự thi ĐGNL đạt điểm cao đòi hỏi phải nắm chắc kiến thức cơ bản, có năng lực phân tích tổng hợp, có kiến thức kỹ năng đáp ứng chuẩn đầu vào các chương trình đào tạo bậc đại học; hạn chế việc học tủ hay chỉ luyện thi.

Phóng viên: Năm 2025, kỳ thi ĐGNL có mở rộng thêm địa điểm thi mới nữa không thưa ông?

GS.TS Nguyễn Tiến Thảo: Căn cứ vào nhu cầu dự thi và hạ tầng kỹ thuật mới có thể mở thêm địa điểm thi mới. Năm 2024 chúng tôi đã tổ chức thi tại 11 tỉnh thành khu vực phía Bắc trải rộng từ Thái Nguyên, Hà Nội, Hưng Yên, Nam Định, Hải Phòng, Thanh Hóa, Hà Tĩnh… Năm 2025, chúng tôi cân nhắc thêm một vài địa điểm thi tại miền Trung và Đà Nẵng theo xét nhu cầu thí sinh thời gian tới.

Bên cạnh đó, chúng tôi có thể phối hợp với một số đơn vị tổ chức các đợt thi riêng phục vụ khối các trường đào tạo khối các trường sỹ quan quân đội.

Phóng viên: Xin cảm ơn Giáo sư!