Các bạn nữ sẵn sàng lựa chọn những ngành học “khó nhằn”
Nguyễn Thị Nhài – Cô gái chọn ngành Cấp thoát nước, “một ngành ý nghĩa”
Nguyễn Thị Nhài, sinh viên ngành Kỹ thuật Cấp thoát nước, Trường Đại học Xây dựng chia sẻ rằng em lựa chọn ngành học này vì yêu thích môi trường nhiều nam sinh, nơi mà em có thể thẳng thẳn, thoải mái bộc lộ cảm xúc mà không cần phải quá trau chuốt. Quan trọng hơn, Nhài nhận thấy ý nghĩa to lớn của ngành mà mình đã chọn đối với cuộc sống. “Từ nước bẩn, chúng ta có thể xử lý thành nước sạch uống được, hoặc làm giảm ô nhiễm môi trường từ nước thải. Đó là một điều rất quan trọng.”
Mặc dù ban đầu không nhận được sự ủng hộ từ gia đình, nhưng Nhài đã chứng minh quyết định của mình là đúng bằng sự nỗ lực không ngừng.
Ngọc Anh – Ngành Hệ thống Kỹ thuật trong công trình “không quá áp lực”
Trái với Nhài, Ngọc Anh – sinh viên ngành Hệ thống kỹ thuật trong công trình lại nhận được sự ủng hộ từ gia đình và tự hào với quyết định của mình. Theo em, ngành học này không quá áp lực và là một môi trường cạnh tranh lành mạnh để phát triển bản thân.
Ngọc Anh khẳng định: “Việc học không phân biệt giữa nam và nữ, mọi thứ phụ thuộc vào sự chăm chỉ và nỗ lực.”
Bích Diệp – Ngành điện “không khó như mọi người nghĩ”
Bích Diệp, sinh viên ngành Điện tại Trường Cao đẳng nghề Bách Khoa Hà Nội cũng không ngần ngại chọn một ngành học được coi là “khó nhằn” với nữ giới. Dù đối mặt với áp lực từ lý thuyết và thực hành, nhưng em thấy đây là một trải nghiệm thú vị giúp mình mạnh mẽ và quyết đoán hơn.
“Ngành điện không hề khô khan như mọi người nghĩ, nó còn mang đến nhiều kiến thức thú vị như lập trình thang máy hay bộ điều khiển”, Diệp chia sẻ.
Thảo Uyên – Ngành Địa chất “đam mê dẫn lối thành công”
Dù thừa nhận làm ngành này phải đi thực địa nhiều, thậm chí thường xuyên phải đến những vùng đồi núi hay rừng rú, nhưng đam mê giúp Thảo Uyên vượt qua mọi trở ngại.
“ Em có đam mê về việc tìm hiểu về những cái sâu trong lòng đất. Thực sự mọi người có đam mê về trái đất thì các bạn sẽ cảm thấy ngành địa chất rất là thú vị. Đam mê giúp em vượt qua mọi trở ngại”, Uyên chia sẻ.
Bạn nữ chọn ngành học “nặng đô”: Đam mê và quyết tâm đưa bạn đến thành công
Lựa chọn những ngành nặng về kỹ thuật luôn gặp nhiều thử thách do yêu cầu về chuyên môn sâu và khối lượng công việc lớn. Tuy nhiên, theo Tiến sĩ Lê Thanh Thảo, cựu sinh viên Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội, hiện là giảng viên tại Trường Đại học Phenikaa, nếu có đam mê và quyết tâm, mọi khó khăn đều có thể vượt qua.
Quay trở lại quãng thời gian lựa chọn nghề nghiệp, trong khi các bạn cùng trang lứa lựa chọn Công nghệ thông tin hay Kinh tế thì Tiến sĩ Thảo lựa chọn Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội và học một ngành kỹ thuật. Tiến sỹ Thảo luôn kiên định với lựa chọn của mình vì cảm thấy phù hợp với khả năng và đam mê. “Các bạn trẻ, đặc biệt là các bạn nữ, nên tìm hiểu kỹ các xu hướng nghề nghiệp và chọn ngành nghề phù hợp với sở thích và năng lực, thay vì chạy theo số đông.”
Hiện nghiên cứu và giảng dạy trong ngành Khoa học Môi trường, Tiến sỹ Thảo cho biết ngành này phải đi thực địa, thu thập số liệu và đánh giá tác động môi trường. Đối với nữ giới, những chuyến đi này đôi khi gặp khó khăn về di chuyển và công việc thực tế. Tuy nhiên, với đam mê và tình yêu nghề, những thử thách này trở nên dễ dàng hơn. “Khi bạn yêu nghề, mọi khó khăn sẽ trở nên thú vị và có ý nghĩa”.
Tiến sĩ Thảo khuyên các bạn trẻ, ngành nào cũng có khó khăn và áp lực, các bạn trẻ không nên ngần ngại theo đuổi đam mê. Cần có đủ đam mê và tìm người đồng hành như thầy cô và bạn bè để vượt qua thử thách. Khi có sự quyết tâm và tình yêu nghề, thành công sẽ đến.
Nghe chương trình tại đây: