Nghị quyết 29 của Đảng về đổi mới căn bản Giáo dục và đào tạo trong đó có đổi mới chương trình và sách giáo khoa đã được thực hiện và đang đi tiếp chặng đường theo đúng lộ trình. Tuy nhiên, trong khi tất cả những học sinh phổ thông đã và đang được học và sử dụng sách giáo khoa theo chương trình Giáo dục phổ thông mới thì những em học sinh khiếm thị vẫn tiếp tục trông chờ những bộ sách giáo khoa chữ nổi. 4 năm qua, việc không có sách giáo khoa đã khiến kết quả học tập của các em sụt giảm đáng kể.
Học sinh khiếm thị và 1 chương trình 3 bộ sách giáo khoa
Chương trình giáo dục phổ thông 2018 theo tinh thần đổi mới đã quyết định lựa chọn 3 bộ sách giáo khoa phục vụ việc dạy và học cho học sinh phổ thông các cấp. Với những em học sinh khiếm thị đang tham gia học hòa nhập ở các trường phổ thông, thay vì dùng 1 bộ sách giáo khoa như trước đây bây giờ cũng cần có 3 bộ sách giáo khoa chữ nổi Braille mới có thể phù hợp với chương trình dạy và học của các nhà trường.
Việc làm một bộ sách chữ nổi Braille là công việc khá công phu và tốn kém. Chính vì vậy mà khi công cuộc đổi mới giáo dục đang diễn ra với rất nhiều vấn đề cần giải quyết, câu chuyện sách giáo khoa cho học sinh khiếm thị đã được bàn đến nhưng mãi chưa được triển khai. Những em học sinh khiếm thị phải tự vật lộn, đối mặt với những khó khăn trong lúc chờ đợi có sách giáo khoa mới.
Không có sách giáo khoa, học sinh khiếm thị gặp khó khăn gì?
Phải học trong tình trạng không có sách giáo khoa, khiến việc tiếp thu kiến thức của các em học sinh khiếm thị đang gặp nhiều khó khăn.
Minh Tú - một học sinh khiếm thị đang học lớp 9 trường THCS Nguyễn Đình Chiểu, Hà Nội cho biết: "Bắt đầu lên lớp 6, khóa 2021-2025 là con không có sách. Trong lớp học hòa nhập có 42 bạn thì chỉ 36 bạn có sách giáo khoa còn 6 học sinh khiếm thị bọn con không có sách".
Cái cảm giác lật giở từng trang sách vẫn in dấu trong tâm thức Minh Tú 5 năm tiểu học. Cảm giác học không sách và có sách khác nhau rất nhiều, khi có sách em học các môn tự nhiên như toán, KHTN rất dễ nhưng lúc không có sách bộ môn toán hình rất khó tưởng tượng.
Những năm tiểu học, bọn em được học bản đồ, được sờ tay vào các hình nổi để tưởng tượng ra các trận đánh. Hiện tại không có sách em và các bạn rất khó tưởng tượng, Minh Tú chia sẻ.
Bà Nguyễn Thị Kim Nhung, Giám đốc Trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập tỉnh Thái Nguyên cho biết: Trung tâm hiện có 17 cháu học sinh khuyết tật về nhìn đang học chương trình từ lớp 1 cho đến lớp 9, các cháu gặp rất nhiều khó khăn trong quá trình học tập vì thiếu sách giáo khoa.
Các cháu đa số là học sinh ở nội trú tại trung tâm, ngoài giờ dạy của các thầy cô ở trên lớp thì việc có sách giáo khoa để củng cố lại những kiến thức hoặc để làm những bài tập trên lớp mà các thầy cô giao cho là rất cần. Không có sách giáo khoa, nếu chỉ nghe giảng trên lớp, các cháu khiếm thị bị hạn chế việc tiếp thu kiến thức hằng ngày vì không thể tự học và ôn tập củng cố kiến thức cũng như chuẩn bị trước kiến thức để học bài học ngày hôm sau. Việc không có sách giáo khoa để ôn luyện đồng thời với việc cha mẹ, người thân không có tư liệu để hỗ trợ con học khiến nhiều cháu trở nên xao nhãng việc học và tạo thành thói quen thiếu chủ động việc học tập.
Cô Nguyễn Hương Lan – Phó Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Đình Chiểu, Hà Nội chia sẻ, việc không có sách giáo khoa gây khó khăn cho cả thầy cô giáo và học sinh vì trong môi trường hòa nhập, học sinh khiếm thị không thể thiếu sách giáo khoa.
Sách giáo khoa không thể thiếu trong quá trình học hòa nhập, các thầy cô làm việc cùng học sinh khiếm thị không thể dành nhiều thời gian để giải thích hoặc bổ sung phần kiến thức trong sách giáo khoa cho học sinh khi các em không có sách trong tay.
Đối sánh với thời điểm học sinh khiếm thị có đầy đủ sách giáo khoa để học trước đây, các kỹ năng của các em khá thành thạo. Việc học chay không có sách giáo khoa đang trở thành thách thức lớn với các thầy cô trong quá trình dạy trẻ khiếm thị ở môi trường hòa nhập. Sách giáo khoa chữ nổi đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển chức năng xúc giác của học sinh khiếm thị, qua quá trình 3 năm không có sách giáo khoa để học, kỹ năng của các em đang thụt lùi, cô Nguyễn Hương Lan khẳng định.
Giải pháp tạm thời cho sách giáo khoa chữ nổi
Việc in sách giáo khoa cho học sinh khiếm thị trước đây chủ yếu được thực hiện một cách nhỏ lẻ. Trường Nguyễn Đình Chiểu có hệ thống máy in phục vụ việc in tài liệu cung cấp cho học sinh khiếm thị. Để có được những cuốn sách giáo khoa chữ nổi cho học sinh, các thầy cô làm việc không có ngày nghỉ suốt cả mùa hè để chuyển đổi sách giáo khoa. Mặc dù vậy vẫn không thể đáp ứng đủ sách giáo khoa cho các em vì để chuyển đổi 1 cuốn sách giáo khoa sang chữ nổi mất rất nhiều thời gian. Nên dù nhà trường có máy nhưng không thể chế bản in đủ sách giáo khoa cho học sinh khiếm thị.
4 năm qua không có sách giao khoa để học, với những học sinh năm nay vào lớp 9 đều trong tình trạng không có sách giáo khoa ở tất cả các bộ môn kể cả các bộ môn chính toán, ngữ văn và Tiếng Anh. Nhà trường đã cố gắng nỗ lực hết khả năng huy động các nguồn xã hội hóa và nhờ sự sự hỗ trợ từ Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam và các tổ chức xã hội. Tuy vậy mới chỉ đáp ứng được một phần nhỏ sách giáo khoa cho học sinh từ lớp 1 đến lớp 9 với 3 đầu sách chính là Toán, Ngữ văn và Tiếng Anh. Trong quá trình chuyển đổi sách giáo khoa lớp 8, lớp 9 trường gặp nhiều bất cập vì bản chính năm nay so với năm trước nội dung đã có sự điều chỉnh gây khó khăn cho giáo viên dạy trên lớp cũng như học sinh.
Đề án thư viện sách giáo khoa chữ nổi – Giải pháp tạm thời
Trước những bất cập về việc học sinh khiếm thị không có sách giáo khoa, TW Hội người mù Việt Nam, Trung tâm giáo dục đặc biệt quốc gia, Hiệp hội vì giáo dục cho mọi người Việt Nam đã này ra ý tưởng xây dựng Đề án xây dựng thư viện lưu động sách giáo khoa chữ nổi cho học sinh khuyết tật nhìn với kỳ vọng huy động các nguồn lực xã hội chung tay với ngành giáo dục giải quyết vấn đề sách giáo khoa cho học sinh khiếm thị.
TS Trần Thị Thư, cán bộ Trung tâm Giáo dục đặc biệt Quốc gia Viện Khoa học giáo dục Việt Nam cho biết: Với vai trò là một đơn vị tư vấn cho Bộ GD&ĐT về các vấn đề liên quan đến chính sách, liên quan đến chương trình sách giáo khoa dành cho học sinh có nhu cầu giáo dục đặc biệt trong đó có học sinh khuyết tật nhìn, từ năm 2018 khi chương trình giáo dục phổ thông bắt đầu ra đời, Trung tâm đã nhìn thấy những khó khăn mà học sinh khuyết tật phải đối mặt đặc biệt là việc tiếp cận thông tin đối với từng nhóm đối tượng học sinh.
Dựa trên nhu cầu thực tế của nhóm đối tượng học sinh khiếm thị, nhu cầu chuyển đổi sách giáo khoa chữ nổi là một thách thức lớn, nhất là khi chúng ta thực hiện chủ trương một chương trình, nhiều bộ sách giáo khoa. Bộ GD&ĐT cho phép Trung tâm giáo dục đặc biệt quốc gia – Viện khoa học giáo dục Việt Nam được chuyển đổi sách giáo khoa bản in phổ thông sang sách giáo khoa chữ nổi dành cho học sinh khuyết tật nhìn, Trung tâm đã làm việc với các đối tác cụ thể là tập đoàn Vingroup và Quỹ Thiện tâm để làm sao thúc đẩy được nguồn kinh phí thực hiện việc chuyển đổi sách giáo khoa.
TS Trần Thị Thư cho biết từ năm 2019 đến nay, trung tâm đã chuyển đổi được sách giao khoa cho 6 nhóm lớp với 3 bộ sách giáo khoa hiện hành là lớp 1, lớp 2, lớp 3, lớp 6, lớp 7 và lớp 10. Tuy nhiên nguồn lực từ phía Trung tâm giáo dục đặc biệt quốc gia cùng với các đơn vị địa phương và sự hỗ trợ của tập đoàn Vingroup còn quá ít ỏi chưa thể thúc đẩy nhanh được việc đảm bảo cho học sinh tiếp cận một cách nhanh nhất, hiệu quả nhất đối với sách giáo khoa. Chính vì vậy Trung tâm đã phối hợp với Hiệp hội vì giáo dục cho mọi người Việt Nam và Hội người mù Việt Nam thực hiện dự án xây dựng thư viện lưu động sách giáo khoa chữ nổi cho học sinh khuyết tật nhìn với kỳ vọng sự chung tay của các bên sẽ giúp cho việc cung cấp sách giáo khoa đến với học sinh khuyết tật nhìn một cách hiệu quả hơn và một nhanh hơn.
Ưu điểm của mô hình thư viện này được TS Trần Thị Thư chỉ rõ: Trong quá trình chúng ta đợi các cái văn bản của nhà nước để giải quyết được vấn đề một cách hệ thống thì chúng ta phải cung cấp được ngay sách cho học sinh khuyết tật nhìn, cụ thể cần phải in ngay sách giáo khoa chữ nổi để cấp cho các địa phương. Đề án được triển khai sẽ giúp huy động được hầu hết các nguồn lực tham gia. Đề án có tính bền vững rất là cao bởi vì một bộ sách giáo khoa chữ nổi thì không chỉ là dành cho một em học sinh khuyết tật năm nay mà cả những năm sau.
TS Thư khẳng định với sự tham gia của 3 bên đề án đảm bảo hoàn toàn tính minh bạch. Cụ thể: Hiệp hội giáo dục vì mọi người Việt Nam sẽ là đơn vị điều phối và công khai tất cả những nội dung liên quan đến báo cáo tài chính, Trung tâm giáo dục đặc biệt quốc gia phụ trách các nội dung liên quan vấn đề chuyên môn kỹ thuật là đảm bảo bộ sách đó nó phù hợp với lại nhu cầu của học sinh khuyết tật nhìn. Còn đơn vị hưởng lợi là Hội người mù Việt Nam thì sẽ đảm bảo được rằng dù là trẻ khuyết tật nhìn ở đâu, ở đơn vị tỉnh thành nào thì cũng có thể tiếp cận được sách giáo khoa để học tập.
TS Nguyễn Đức Minh – chuyên gia giáo dục nguyên Phó viện trưởng Viện Khoa học giáo dục Việt Nam đánh giá rất cao ý nghĩa và tính khả thi của Đề án xây dựng thư viện lưu động sách giáo khoa chữ nổi cho học sinh khuyết tật nhìn.
Theo ông Minh: Chương trình giáo dục phổ thông 2018 rất tốt đối với lại học sinh sáng mắt, tuy nhiên đối với học sinh khiếm thị thì đây là một khó khăn rất lớn bởi vì chúng ta sẽ phải bổ sung thêm kinh phí để chuyển đổi không phải là một bộ mà là ba bộ sách giáo khoa sang định dạng sách chữ nổi mà kinh phí chuyển đổi cũng như là kỹ thuật thực hiện thì rất khó khăn.
Một điều khó khăn nữa đấy là chúng ta đều biết là một trường có thể tuyển chọn không chỉ một bộ sách hoặc có thể là nhiều sách giáo khoa từ các bộ khác nhau.
"Tôi nghĩ rằng các em đã rất thiệt thòi và khi mà các em lại đi học không có sách giáo khoa nữa thì cái thiệt thòi của nhân lên rất nhiều lần. Đề án chuyển đổi này sẽ giảm kinh phí và sẽ tận dụng được tất cả các nguồn lực để mà làm thế nào đó nhanh chóng nhất cho học sinh khuyết tật nhìn có sách, công bằng về tham gia giáo dục cho các em", TS Minh khẳng định.
Đề án thư viện sách giáo khoa cho học sinh khó khăn về nhìn đang là niềm hy vọng của các em học sinh khiếm thị và các thầy cô giáo dạy trẻ khuyết tật. Cô Đinh Thị Nhung- Giám đốc Trung tâm Thái Nguyên đánh giá : tôi thấy ngoài tính nhân văn, trẻ khuyết tật được tiếp cận học tập một cách bình đẳng như học sinh bình thường khác, các em đi học là có sách giáo khoa, trẻ được tiếp cận sách giáo khoa đồng thời nhận được tính nhân ái của cộng đồng".
Bà Nguyễn Thị Kim Anh, điều phối viên quốc gia Hiệp hội vì giáo dục cho mọi người Việt Nam cho biết: “Một trong những ưu tiên hàng đầu của hiệp hội là nhóm học sinh khuyết tật. Khi biết đến tính cấp thiết của việc thiếu sách chữ nổi dành cho học sinh khiếm thị cũng như nhu cầu, khó khăn trong thực tế, phía Hội người mù và Viện khoa học giáo dục Việt Nam, hiệp hội vào cuộc ngay và cùng với 2 bên huy động các nguồn lực với mong muốn sớm cung cấp sách giáo khoa cho các em học sinh khiếm thị.
Tuy nhiên, giải pháp bền vững lâu dài thì Chính phủ cũng như là Bộ GD&ĐT phải vào để làm sao mà có thể giải quyết ngay vấn đề này. Các em học sinh khiếm thị không thể đợi được, các em không thể học mà lại không có sách, điều này rất ảnh hưởng đến việc học của các em. Chúng tôi cũng rất hi vọng có sự vào cuộc của rất nhiều các bên liên quan trong xã hội cùng đóng góp để chúng ta sớm mang sách đến với các em học sinh khiếm thị .”
Cần sớm chuyển đổi sách giáo khoa chương trình giáo dục phổ thông mới cho học sinh khiếm thị
Chúng ta đã và đang thực hiện công bằng bình đẳng tiếp cận giáo dục cho mọi người trong đó có học sinh khiếm thị. Vì vậy việc chậm trễ chuyển đổi sách giáo khoa chữ nổi cho các em học sinh khiếm thị trong 4 năm qua khiến việc dạy và học của các em học sinh gặp rất nhiều khó khăn rất cần được ngành giáo dục và các cơ quan chức năng quan tâm, tháo gỡ kịp thời.