Tọa đàm trực tuyến “Vaccine số - Vai trò của gia đình và nhà trường trong việc bảo vệ thanh thiếu nhi trên không gian mạng” đã diễn ra sáng 21/10 tại Hà Nội. Đây là chương trình nằm trong chuỗi tọa đàm trực tuyến do Báo Thiếu niên tiền phong và Nhi đồng phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương Đoàn tổ chức nhằm trao đổi, giao lưu, nâng cao nhận thức và kỹ năng cho thanh thiếu nhi Việt Nam tự tin bước vào kỷ nguyên số.

Internet ngày càng mang lại nhiều cơ hội, tiện ích cho cuộc sống hàng ngày. Tuy nhiên, internet cũng mang lại những thách thức và rủi ro cho tất cả chúng ta, đặc biệt là thanh thiếu nhi, nếu chúng ta không sử dụng đúng cách và an toàn. Môi trường kỹ thuật số ngày càng quan trọng hơn đối với hầu hết các khía cạnh của cuộc sống. Việc thanh thiếu nhi ngày càng dành nhiều thời gian sử dụng internet với nhiều mục đích khác nhau, kéo theo đó sẽ phải đối mặt với rất nhiều nguy cơ tiềm ẩn trên môi trường mạng, gây nên nhiều tổn thương dai dẳng không đáng có.

Tại buổi tọa đàm, các đại biểu nhấn mạnh không thể phủ nhận những ích lợi to lớn mà Internet và mạng xã hội đã mang đến cho con người. Chúng làm cuộc sống của con người hiện đại hơn, phát triển hơn, thông minh hơn, và đây cũng là kho cung cấp tri thức của nhân loại. Internet và mạng xã hội cung cấp rất nhiều những thông tin, nội dung tư vấn, hướng dẫn con người nói chung và người trẻ nói riêng dễ dàng thực hành các hoạt động cần thiết trong cuộc sống…

Mạng xã hội giúp mỗi người trong đó có thanh, thiếu niên và trẻ em tăng sự đồng cảm, quan tâm đối với những người khác thông qua các hành động yêu thích (like), chia sẻ hoặc bày tỏ các cảm xúc của bản thân đối với những bài viết, hình ảnh hay các chia sẻ của người khác. Cũng thông qua mạng xã hội, thanh, thiếu niên có nhu cầu tìm kiếm sự đồng cảm, sẻ chia, an ủi động viên của người khác bằng cách bày tỏ các cảm xúc, tâm trạng của mình.

Trên thực tế, công nghệ số đem lại nhiều lợi ích cho trẻ em. Đó là khả năng tiếp cận thông tin khổng lồ trên mạng Internet để phục vụ cho việc rèn luyện, vui chơi, giải trí. Mạng Internet đã xóa nhòa khoảng cách không gian, thời gian, đem đến cơ hội học tập và giáo dục rộng mở cho trẻ. Ngoài mục đích tìm kiếm các hoạt động mang tính giải trí thì Internet và mạng xã hội còn hỗ trợ cho các em trong việc học tập những kiến thức theo chương trình giáo dục phổ thông. Những phần mềm ứng dụng trong giáo dục trực tuyến trên mạng giúp trẻ em ở vùng nông thôn có cơ hội tiếp cận và học tập. Với ưu thế hình ảnh, âm thanh sinh động… của các chương trình hấp dẫn và kích thích trẻ học. Hàng năm, ngành GD&ĐT tổ chức các cuộc thi giải toán, Olympic tiếng Anh, thi an toàn giao thông… trên mạng Internet thu hút nhiều học sinh tham gia, trong đó không ít học sinh ở các trường vùng nông thôn và có cả học sinh ở vùng sâu, vùng xa.

Tuy nhiên, cùng với những ích lợi to lớn ấy, Internet và mạng xã hội cũng mang đến nhiều tác hại, không chỉ đối với người trẻ tuổi mà còn đối với tất cả những ai không biết cách kiểm soát chúng. Trước hết, khi sử dụng các thiết bị công nghệ nhiều sẽ ảnh hướng đến thị giác của trẻ và thực tế cho thấy tỷ lệ trẻ em bị các bệnh về mắt ngày càng nhiều và ở độ tuổi nhỏ hơn nhiều so với trẻ em ở các thế hệ không dùng Internet và các thiết bị công nghệ.

Bên cạnh đó, trẻ cũng dễ bị tiêm nhiễm bởi các nội dung độc hại, bị kẻ xấu lôi kéo, dụ dỗ khi kết bạn trên mạng xã hội. Điều này thật sự nguy hiểm vì sẽ làm tăng tỷ lệ các trẻ bị trầm cảm, cô đơn và tự ti khi giao tiếp với xã hội bên ngoài. Thời gian qua, những vụ việc đáng thương, đáng tiếc, đau lòng xảy ra với trẻ nhỏ liên quan đến mạng xã hội xảy ra khá nhiều trên phạm vi cả nước. Đây là nỗi lo thường trực của các bậc phụ huynh trong việc nuôi, dạy con trẻ trong thời đại công nghệ số phát triển mạnh mẽ như hiện nay.

Tại buổi tọa đàm, nhà giáo Phạm Thị Hương Giang (hiệu trưởng trường THCS Nguyễn Trãi, quận Ba Đình, Hà Nội) đã chia sẻ về vai trò của nhà trường trong việc tạo “lá chắn” an toàn cho thanh thiếu nhi khi tham gia môi trường mạng.

Việc xã hội cùng chung tay để bảo vệ thanh thiếu nhi có thể “miễn nhiễm” với các nguy cơ có hại, thông tin xấu, độc đồng thời có năng lực phòng ngừa và bảo vệ bản thân cũng như các thông tin cá nhân quan trọng là việc hết sức cần thiết. Bên cạnh những kỹ năng tự bản thân trang bị thì cần có sự đồng hành rất lớn đến từ gia đình và nhà trường để tạo lập cuộc sống, môi trường thế giới số ngày càng an toàn lành mạnh hơn với các em; Xây dựng những giải pháp cụ thể hơn, thiết thực hơn để bảo vệ thanh thiếu nhi an toàn, cũng như thúc đẩy các cơ hội để các em có thể tham gia tích cực hơn trên môi trường mạng.

Việt Nam là quốc gia đứng thứ 18 thế giới về tỷ lệ người dân sử dụng Internet và là một trong 10 nước có lượng người dùng Facebook và YouTube cao nhất thế giới, trong đó thanh, thiếu niên chiếm tỷ lệ khá lớn.

Kết quả một số điều tra cũng cho thấy, một bộ phận người trẻ hiện nay đang bị phụ thuộc vào Internet và mạng xã hội, khả năng tự kiểm soát trong việc sử dụng Internet và mạng xã hội còn chưa cao.