Đăng ký tín chỉ: không gian nan không phải sinh viên

“Đăng ký rất khó khăn. Trước hôm đăng ký bình thường sinh viên phải thức từ 12h đêm, nếu không sáng hôm sau dậy đăng ký sẽ hết lớp”.

“Đăng ký giờ học rất là khó khăn, bản thân em cũng phải thức suốt đêm để đăng ký mới có lịch học được và phải học tập trung theo một lớp đông”.

“Tồn tại một số hạn chế như là nhà trường vẫn chưa đủ cơ sở vật chất cho quá trình học và hệ thống đăng ký học chưa được ổn định. Nhiều khi bọn em vào đăng ký học vẫn xảy ra tình trạng sập server không thể đăng ký được”.

Đồng tình với những khó khăn khi đăng ký tín chỉ của các bạn sinh viên, Duy Sơn cho rằng đó chính là một “cuộc chiến nhỏ”. Là sinh viên năm cuối với kinh nghiệm 9 lần đăng ký tín chỉ, Duy Sơn “bật mí” không chỉ có một đường link để truy cập vào trang web của trường mà còn có những cách khác. Cũng giống như tham gia giao thông vậy, nếu đường chính tắc, bạn có thể cố gắng tìm những con đường nhỏ xung quanh. Tuy nhiên, làm thế nào để tìm những con đường nhỏ đó, Duy Sơn xin được giữ bí mật và mong các em tân sinh viên sẽ tự tìm hiểu vì “nếu tiết lộ thì đường nhỏ sẽ trở thành đường chính mất rồi.”

Duy Sơn cũng chia sẻ một bí quyết, hãy cố gắng là người truy cập sớm nhất. Nếu trường mở hệ thống từ 3h sáng thì 2h30 đã phải vào web chờ để tăng cơ hội đăng ký.

Còn với kinh nghiệm 7-8 lần đăng ký tín chỉ của mình, Quỳnh Anh cho biết, trước kỳ đăng ký, em thường tự chuẩn bị cho mình một đường truyền Internet ổn định nhất và dùng một dây dẫn cắm thẳng từ modem Wifi tới laptop cá nhân. Cùng với đó, em thường truy cập vào hệ thống bằng nhiều thiết bị cùng một lúc để tăng khả năng đăng ký học và cứ 5 phút lại F5 (làm mới) trang một lần.

Đăng ký nhiều tín vì sợ “hết chỗ” – một sai lầm đáng tiếc

Quỳnh Anh chia sẻ, khi là sinh viên năm nhất, một trong những sai lầm lớn nhất của em và nhiều bạn khác đó là không lên kế hoạch rõ ràng cho giai đoạn học sắp tới. “Em đã từng đăng ký 6 môn học trong một giai đoạn bởi vì em sợ không đăng ký nhanh sẽ hết chỗ. Điều này dẫn đến quá tải, không phân bổ được thời gian cho việc học, việc ôn thi và việc thi. Vì vậy điểm GPA của kỳ bị kéo xuống không phanh”.

Đồng tình với Quỳnh Anh, Duy Sơn khuyên các em tân sinh viên, nếu cảm thấy mình đủ khả năng hãy đăng ký vượt, còn không hãy đăng ký đủ và hoàn thành đúng thời gian, chương trình đào tạo. Nếu đăng ký nhiều quá, không học được, nguy cơ dẫn đến trượt môn sẽ rất cao. Nếu trượt phải đi học lại sẽ dễ dẫn đến tâm lý chán học.

Bên cạnh đó, Duy Sơn lưu ý các em tân sinh viên, không được quên lịch đăng ký tín chỉ và chú ý đến các tín tự chọn.

Bí quyết học tín chỉ hiệu quả

Theo Quỳnh Anh, việc đặt mục tiêu rất quan trọng. Trước khi bước vào thời gian đăng ký học, các em tân sinh viên nên có một mục tiêu rõ ràng cho giai đoạn sắp tới và lên kế hoạch, xem xét nên đăng ký những môn học nào ở kỳ này. Trong một học kỳ sẽ có những môn khó và môn dễ, các em nên ưu tiên các môn khó trước, đầu tư nhiều thời gian và công sức ở những môn này để tránh việc phải ôn dồn môn vào thời gian cuối kỳ.

Quỳnh Anh cũng khuyên các em tân sinh viên nên học nghiêm túc ngay từ đầu chứ không để đến thời gian ôn thi mới vùi đầu thức khuya để học. Như vậy sẽ gây quá tải cho não bộ và việc ôn tập, kết quả thi không hiệu quả.

Còn Duy Sơn khuyên các em tân sinh viên nên đăng ký học xong các môn thể chất trong năm nhất, năm hai để các năm sau tập trung vào những môn cơ sở ngành và chuyên ngành.

Duy Sơn cũng gửi đến một lời khuyên nhỏ đến các em tân sinh viên, hãy cố gắng ở tất cả các môn để đạt được thành tích tốt. Tuy nhiên, trong trường hợp không may có kỳ học nào đó lượng kiến thức và lượng tín chỉ hơi vượt quá khả năng của mình, các em nên dành thời gian nhiều hơn cho những môn có nhiều tín chỉ.

Chúc các em tân sinh viên có một đợt đăng ký tín chỉ thành công và một học kỳ thật rực rỡ!

Nghe chia sẻ những kinh nghiệm liên quan đến tín chỉ của Duy Sơn và Quỳnh Anh: