Theo đó, từ ngày 15/11/2020 đến hết ngày 30/11/2020, Bộ GD&ĐT sẽ tiếp nhận hồ sơ đề nghị thẩm định đợt 2 sách giáo khoa lớp 2. Nếu hồ sơ gửi qua bưu điện, thời gian được tính theo ngày của dấu bưu điện đóng trên bưu phẩm.

Hồ sơ, điều kiện và mẫu đơn đề nghị thẩm định sách giáo khoa thực hiện theo quy định tại Thông tư 33. Các tổ chức, cá nhân biên soạn sách giáo khoa có nhu cầu thẩm định sách giáo khoa cần thực hiện thông qua đơn vị đề nghị thẩm định là các nhà xuất bản đáp ứng các yêu cầu được quy định của Thông tư 33.

Bộ cũng đã ban hành Thông tư số 23/2020/TT-BGD&ĐT về việc sửa đổi, bổ sung một số Điều quy định tiêu chuẩn, quy trình biên soạn, chỉnh sửa sách giáo khoa; tiêu chuẩn tổ chức, cá nhân biên soạn sách giáo khoa.

Hiện nay, Bộ đang tiếp tục nghiên cứu vể bổ sung các quy định về việc thực nghiệm khi biên soạn sách giáo khoa.Việc tổ chức đọc phản biện độc lập các bản mẫu sách giáo khoa khi Hội đồng đánh giá "Đạt" và lấy ý kiến rộng rãi của các tầng lớp xã hội trước khi Bộ trưởng ký ban hành. Dự kiến sẽ tổ chức lấy ý kiến trên Cổng thông tin của Bộ GD&ĐT tương tự như quy trình lấy ý kiến các dự thảo văn bản quy phạm pháp luật.

Tại phiên thảo luận sáng 4/11 tại kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa XIV, vấn đề sách giáo khoa tiếp tục làm “nóng” nghị trường. Ghi nhận ý kiến của các đại biểu Quốc hội, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam khẳng định, Chính phủ chỉ đạo Bộ trưởng nói riêng và Bộ GD&ĐT nói chung phải hết sức chú ý, rút kinh nghiệm để quy trình biên soạn sách giáo khoa lớp 2, lớp 6 năm nay và các năm tiếp không xảy ra tình trạng như sách giáo lớp 1.

Phó Thủ tướng chỉ đạo Bộ GD&ĐT phải tận dụng công nghệ thông tin, đưa bản thảo các bộ sách giáo khoa lên sớm trước khi phê duyệt, thậm chí trong quá trình thẩm định để mọi người dân góp ý, qua đó tiếp thu, chắt lọc những ý kiến đúng. Những ý kiến chưa đúng có thể giải thích lại để toàn xã hội đồng thuận.