Mới đây, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) công bố Dự thảo thông tư sửa đổi, bổ sung quy chế tuyển sinh THCS và THPT. Theo đó, về phương thức thi tuyển lớp 10, có 3 môn thi gồm toán, ngữ văn và môn thứ 3 do Sở GD-ĐT bốc thăm ngẫu nhiên trong số các môn tính điểm của chương trình cấp THCS như ngoại ngữ, khoa học tự nhiên, lịch sử và địa lý, giáo dục công dân, tin học, công nghệ.
Đại diện lãnh đạo Bộ GD-ĐT lý giải, nếu chọn một môn cố định, Bộ lo gây ra tình trạng học tủ, học lệch. Như thế, học sinh không được chuẩn bị đầy đủ phẩm chất và năng lực theo yêu cầu của chương trình mới.
Đề xuất này ngay lập tức nhận được sự quan tâm của luận bởi sức nóng của kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT vốn đã áp lực, gay cấn, cạnh tranh hơn cả kỳ tuyển sinh đại học thì việc bốc thăm may rủi để xác định môn thi thứ 3 có thể làm gia tăng thêm áp lực cho học sinh, phụ huynh và cả giáo viên.
Chia sẻ quan điểm với VOV2, ông Đặng Minh Tuấn, giảng viên Trường Đại học Giáo dục (ĐHQG Hà Nội) đặt câu hỏi, việc Bộ GD-ĐT đề xuất bốc thăm môn thi thứ 3 kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT để làm gì? Nếu chỉ để thể hiện sự dân chủ, ngẫu nhiên trong việc lựa chọn môn thi, ông Tuấn cho rằng không đáng phải thực hiện một giải pháp "cồng kềnh" như vậy.
"Tôi hiểu mục đích của Bộ GD-ĐT nhằm tránh học sinh học tủ, học lệch, người học phải luôn sẵn sàng cho kỳ thi dù là phải thi môn nào. Mục đích này là tốt đẹp nhưng vấn đề quan trọng là việc dạy và học ở phổ thông hiện nay lại không đáp ứng được việc đó. Điều mà phụ huynh, học sinh, giáo viên cần là sự ổn định để người học có sự chủ động về kiến thức, thời gian ngay từ đầu năm học" - ông Tuấn nêu quan điểm.
Đồng tình việc Bộ GD-ĐT cần sửa đổi, bổ sung Thông tư về quy chế tuyển sinh THCS và THPT để thống nhất số lượng môn thi vào lớp 10 THPT của tất cả các địa phương nhưng chuyên gia giáo dục, TS. Lê Thống Nhất cho rằng, Bộ GD-ĐT cần cân nhắc phương án bốc thăm để xác định môn thi thứ 3. Bởi trước đó, bốc thăm ngẫu nhiên môn thi đã được nhiều Sở GD-ĐT thực hiện để tránh nhà trường, học sinh buông lỏng việc dạy và học nhưng hiệu quả của cách làm này như thế nào thì dư luận đã thấy rõ.
Ông Lê Thống Nhất nói, có nhiều giải pháp để không cần sử dụng đến phương án cực đoan bốc thăm may rủi để xác định môn thi thứ 3, chẳng hạn như quản lý chặt chẽ việc dạy và học ở phổ thông, quản lý việc đánh giá chất lượng học sinh, xóa bỏ căn bệnh thành tích trong giáo dục... nếu làm tốt được điều này thì thậm chí việc tuyển sinh vào lớp 10 THPT chỉ cần xét tuyển mà không cần phải tổ chức một kỳ thi.
"Việc bốc thăm ngẫu nhiên lựa chọn môn thi chẳng qua là chúng ta công nhận không có cách quản lý dạy và học hiệu quả ở tất cả các môn. Đừng vì không đánh giá tốt thường xuyên học sinh ở các bộ môn mà phải tăng số môn thi", ông Lê Thống Nhất nói.
Trong trường hợp cần phải tổ chức môn thi thứ 3 ngoài hai môn Ngữ văn và Toán, TS. Lê Thống Nhất nghĩ tới một phương án là cho phép học sinh được lựa chọn môn thi thứ 3.
Trên cơ sở định hướng tương lai và năng lực, sở thích cá nhân, học sinh có thể lựa chọn môn thi thứ 3 là Ngoại ngữ, Khoa học tự nhiên, Lịch sử - Địa lý, Tin học hoặc Nghệ thuật... Điều này không chỉ giảm áp lực, mà còn khuyến khích các em phát huy thế mạnh và hứng thú học tập. Việc lựa chọn này cũng phù hợp với tinh thần chương trình giáo dục phổ thông 2018 ở bậc THPT khi học sinh được lựa chọn môn học theo định hướng nghề nghiệp.
Kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 là bước ngoặt quan trọng nhưng không nên trở thành gánh nặng đè lên vai học sinh. Việc bốc thăm môn thi thứ 3 cần được Bộ GD-ĐT xem xét thận trọng, lấy ý kiến nhiều chiều bởi rất có thể nó sẽ tăng thêm áp lực cho học sinh trong một kỳ thi đã quá thừa áp lực.
Chúng ta cần tạo ra một môi trường giáo dục mà ở đó học sinh được khuyến khích phát triển toàn diện, tự tin với kiến thức và kỹ năng mình có thay vì lo lắng quá nhiều về các môn thi.