Xây dựng nhiều phương án lường trước tình huống dịch

Phú Thọ thuộc nhóm các địa phương đang kiểm soát dịch tốt, các trường học ở tỉnh Phú Thọ bước đầu xây dựng kế hoạch cụ thể cho năm học mới 2021-2022.

Nhằm ứng phó với những tình huống thực tế có thể xảy ra từ nay đến mốc khai giảng 5/9, Ban Giám hiệu trường THPT Hạ Hòa, Phú Thọ chuẩn bị các kịch bản khác nhau. Thầy Nguyễn Anh Tuân, Hiệu trưởng nhà trường cho biết năm ngoái trường tổ chức Lễ khai giảng tập trung nhưng hạn chế khách mời tham dự theo chỉ đạo của Sở. Năm nay với những diễn biến khó lường của dịch, nhà trường sẽ cố gắng tổ chức gọn nhẹ, tiết kiệm, đảm bảo an toàn cao nhất. Nhà trường chuẩn bị cho năm học mới theo hai hướng để giữ quyền chủ động trong điều kiện bình thường và kể cả diễn biến dịch bệnh phức tạp.

"Thực ra mong muốn số 1 không chỉ của riêng tôi mà tất cả các thầy cô giáo, phụ huynh học sinh là sẽ được trở lại trường, chất lượng dạy và học vừa đảm bảo vừa nâng cao. Điều này chỉ có được khi dịch bệnh được kiểm soát tốt”, thầy Nguyễn Anh Tuân bộc bạch.

Bên cạnh phương án cho Lễ khai giảng, nhà trường đã sẵn sàng kế hoạch dạy online bằng việc cùng toàn bộ giáo viên rà soát về thiết vị, kỹ thuật và phần mềm. Cùng đó là sự đồng thuận, quyết tâm của phụ huynh trong việc khắc phục khó khăn về thiết bị kết nối, đảm bảo tất cả học sinh tiếp nhận tất cả nội dung học tập theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Việc tập trung nhận lớp và giáo viên chủ nhiệm cho 294 học sinh thuộc khối 10 đầu cấp của trường THPT Hạ Hòa cũng đã được thực hiện trên nguyên tắc đảm bảo 5K.

Bắc Giang, một trong những địa phương bị ảnh hưởng nặng nề của đợt dịch Covid 19, đến nay nhờ kiểm soát tốt dịch bệnh đã tổ chức thành công các kỳ thi quan trọng như tuyển sinh vào 10 và tốt nghiệp THPT. Kế hoạch năm học mới cũng đã được xây dựng đến từng trường.

Bà Nguyễn Phương Lan, Hiệu trưởng trường THPT Lục Nam, Bắc Giang cho biết, nhà trường đang xây dựng các phương án cho năm học mới. Căn cứ tình hình dịch bệnh đã kiểm soát và mọi hoạt động trên địa bàn tỉnh đã trở lại nhịp bình thường mới, theo bà Lan, ngày khai giảng vẫn sẽ tổ chức vào 5/9 theo kế hoạch của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Nhưng với biến thể mới và sự khó lường của dịch Covid-19, trường THPT Lục Nam cũng như tất cả các trường phổ thông ở Bắc Giang vẫn sẵn sàng cho các tình huống. Dự kiến, công tác khử khuẩn sẽ thực hiện trước thời điểm đón học sinh mới một tuần.

“Nếu tình hình yên ổn như hiện nay, chúng tôi sẽ tập trung học sinh đến trường theo khối, vẫn phải đảm bảo phòng bệnh. Khoảng 21- 25/8 chúng tôi đón học sinh đầu cấp. Học sinh lớp 11,12 chỉ tập trung vào ngày 1/9 cùng toàn trường chuẩn bị cho khai giảng năm học mới”, bà Phương Lan chia sẻ thêm.

Mô hình khai giảng cũng dự kiến nhiều phương án: tập trung toàn trường, xuống sân trường một phần, khai giảng tại lớp hoặc khai giảng online theo cô hiệu trưởng Phương Lan phụ thuộc hoàn toàn vào diễn biến dịch ở thời điểm trước ngày 5/9.

Tuy bị ảnh hưởng bởi dịch Covid 19 nhưng huyện Ba Vì, TP. Hà Nội đến thời điểm này vẫn khá an toàn. Việc tổng kết kết thúc năm học đang được thầy cô trường tiểu học Khánh Thượng, Ba Vì gấp rút hoàn thiện để tiếp tục chuẩn bị kế hoạch năm học mới.

“Ngày 23/8 hết đợt giãn cách xã hội, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội mới có hướng dẫn cụ thể còn các nhà trường, trong đó có trường tôi mới chỉ lập phương án căn cứ vào kế hoạch của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Còn tất cả đều phụ thuộc diễn biến dịch bệnh. Năm ngoái chúng tôi tổ chức khai giảng tại trường nhưng năm nay, chúng tôi chuẩn bị cả phương án khai giảng online và tập trung nhưng tại từng lớp", thầy Nguyễn Hoàng Sâm, hiệu trưởng nhà trường cho biết.

Việc tổ chức khai giảng dù theo hình thức nào cũng nằm trong kế hoạch và được xây dựng trên quan điểm nhanh gọn, hạn chế tập trung đông người. Ban giám hiệu cùng các thầy cô trường tiểu học Khánh Thượng cũng lên phương án cụ thể cho dạy học online phòng trường hợp dịch bệnh diễn biến khó lường.

Nhiều địa phương như thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương và nhiều tỉnh phía Nam đang chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19 còn phải tính cả các phương án dạy học online khi dịch bệnh khó có khả năng kiểm soát đủ an toàn cho học sinh trở lại trường. Suốt hơn 2 năm qua, từ một giải pháp mang tính tạm thời, dạy học trực tuyến đã được áp dụng ở tất cả các địa phương buộc phải “dừng đến trường không ngưng học tập”. Tuy nhiên, sử dụng phần mềm nào, kĩ năng giáo viên dạy online ra sao thì vẫn chưa có chuẩn chung và vẫn phụ thuộc vào từng trường hoặc cá nhân thầy cô giáo.

Việc dạy học online cần được tổ chức bài bản và thống nhất

Theo bà Nguyễn Hồng Minh, quản lý, thúc đẩy và phát triển cộng đồng giáo viên sáng tạo Việt Nam dưới sự hỗ trợ của chương trình giáo dục Microsof cho rằng đã đến lúc ngành giáo dục cần tổ chức việc dạy học online bài bản và quy mô, như một thành phần tất yếu để đảm bảo chất lượng cho giáo dục Việt Nam trong giai đoạn chung sống với dịch bệnh.

Từ cộng đồng giáo viên sáng tạo Việt Nam hơn 63.000 thành viên trên khắp mọi miền đất nước và cả ở nước ngoài trên trang Facebook, bà Hồng Minh cho rằng đã có nhiều giáo viên khai thác và sử dụng hiệu quả việc dạy học online bài bản, hiệu quả trên nhiều nền tảng khác nhau.

Các thành phố lớn như Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh luôn đi đầu và thu hiệu quả từ dạy học online. Bên cạnh đó còn nhiều địa phương phía Bắc như Hưng Yên, Bắc Giang, Hải Phòng..., phía Nam có Vũng Tàu, Cần Thơ, Ninh Thuận thuộc nhóm 17 tỉnh thành Sở Giáo dục và Đào tạo làm công văn đề nghị hỗ trợ dạy học online từ đề án mà Micrsoft hỗ trợ về mặt công nghệ, triển khai trên nền tảng Office 365. Mặc dù công tác triển khai thực tế khác nhau nhưng theo bà Hồng Minh phải ghi nhận thành công ở các địa phương này có sự quan tâm của lãnh đạo các tỉnh, các Sở Giáo dục và Đào tạo địa phương.

Để dạy học trực tuyến, quan trọng nhất phải kể đến hệ thống internet với đường truyền đủ mạnh, đủ tốt, tiếp theo phải kể đến máy móc thiết bị kết nối nhưng theo bà Hồng Minh, giáo viên đóng vai trò cực kì quan trọng, quyết định sự thành công của dạy học trực tuyến.

Tuy nhiên, ở vai trò quan sát và thúc đẩy cộng đồng giáo viên sáng tạo Việt Nam, bà Hồng Minh nhận thấy đội ngũ giáo viên "rất có hy vọng". “Giáo viên của chúng ta hiện nay rất năng động. Đó là tinh thần sẵn sàng đáp ứng trong điều kiện, hoàn cảnh dạy học mới. Nhìn rộng ra ngoài cộng đồng giáo viên sáng tạo, hiện chúng ta có 1,2 triệu giáo viên phổ thông trên cả nước. Thực sự nhiều giáo viên ở ngay các thành phố lớn còn không nhiệt huyết, sẵn sàng học hỏi đổi mới như các đồng nghiệp ở vùng sâu vùng xa", bà Hồng Minh nhận xét.

Mời quý thính giả nhấn nút để nghe nội dung bài viết: