Nhiều tỉnh, thành cho học sinh nghỉ học

Đỉnh Mẫu Sơn (Lạng Sơn) sáng nay xuống -1ºC, giảm 0,5 độ so với sáng qua. Nhiệt độ toàn tỉnh Lạng Sơn cũng không quá 7ºC . Theo ông Bế Đoàn Trọng, Chánh văn phòng Sở GD&ĐT Lạng Sơn, đảm bảo vừa chống rét nhưng cũng vừa chống dịch, nhiều trường tổ chức dạy học theo ca. Ghi nhận trong sáng nay một số trường có điều kiện trang bị lò sưởi, máy điều hòa thì được khoảng 10% học sinh mầm non đến trường. Tỷ lệ này ở trường tiểu học là 38.8%, THCS là 27%, THPT là 49.77%, GDTX hơn 63%.

Trước đó, Sở GD&ĐT Lạng Sơn yêu cầu các cơ sở giáo dục trên toàn tỉnh theo dõi các bản tin thời tiết, căn cứ vào điều kiện thực tế của từng vùng để xem xét cho học sinh nghỉ học. Theo đó, học sinh mầm non và tiểu học nghỉ học nếu nhiệt độ dưới 10ºC ; học sinh THCS nghỉ học khi nhiệt độ dưới 7ºC; với học sinh THPT, Trung tâm GDTX, Trung tâm GDNN - GDTX tùy điều kiện nhà trường, có thể bố trí cho học sinh nghỉ học khi thời tiết dưới 6ºC.

“Tùy điều kiện thực tế các hiệu trưởng chủ động xem xét thông báo cho học sinh nghỉ học sớm hơn, có thể từ hôm trước để học sinh ở xa không phải chịu rét đến trường. Với những trường vẫn đủ điều kiện dạy học trực tiếp có thể lùi tiết học hoặc chuyển sang dạy buổi chiểu, tạm ngừng các hoạt động ngoài trời", ông Trọng thông tin.

Ngày 18/2, Sở GD&ĐT Hà Nội hướng dẫn học sinh tiểu học chuyển sang học trực tuyến nếu nhiệt độ dưới 10ºC, THCS dưới 7ºC. Sáng nay, hơn 455.000 học sinh tiểu học tại 18 huyện, thị ngoại thành được nghỉ học.

Hôm nay, Bắc Ninh cũng có 350.000 trẻ mầm non và 135.000 học sinh tiểu học dừng đến trường từ 21 đến 25/2 vì thời tiết xấu.

Còn tại Hà Tĩnh, để đảm bảo sức khỏe cho học sinh khi nhiệt độ xuống thấp, Sở GD&ĐT đã chỉ đạo các trường căn cứ điều kiện thời tiết mỗi vùng để điều chỉnh thời gian học hợp lý, đồng thời cho phép học sinh tiểu học, mầm non nghỉ học khi nhiệt độ từ 10 độ C trở xuống. Theo thống kê của Sở, sáng nay (21/2) toàn tỉnh có 345 trường mầm non, tiểu học với hơn 146.041 HS nghỉ học do thời tiết xấu.

Tại huyện Đức Thọ, có 24 trường tiểu học chuyển sang học trực tuyến, 25 trường mầm non nghỉ do thời tiết. Một số địa phương như Vũ Quang, Hương Sơn, huyện Kỳ Anh, thị xã Kỳ Anh, Cẩm Xuyên, các trường tiểu học, mầm non căn cứ vào thời tiết trên địa bàn cũng đã chủ động cho học sinh nghỉ học khi nền nhiệt từ 10ºC trở xuống.

Bà Nguyễn Thanh Nga, trưởng phòng GD&ĐT huyện Thạch Hà (Hà Tĩnh) cho biết, qua kiểm tra sáng nay cũng có 5 trường mầm non và tiểu học ở xã Bắc Sơn và Thạch Xuân (huyện Thạch Hà, Hà Tĩnh) cho học sinh nghỉ học chống rét.

Phòng GD&ĐT hướng dẫn các trường chuẩn bị hệ thống mành che phía ngoài hành lang lớp. Trường bán trú có giường nệm chăn gối đầy đủ. Giáo viên phối hợp với phụ huynh đưa các con đi học với quần áo mũ giày tất đầy đủ, đảm bảo hệ thống nước sinh hoạt và nước uống. Các trường bố trí bình nóng lạnh, phòng học nào chưa có bình nóng lạnh thì có bình nước ủ ấm để học sinh sinh hoạt.

Vừa chống rét vừa chống dịch

Sau 1 tuần nghỉ học trực tiếp vì một số giáo viên thuộc diện F1, sáng nay (21/2), trường THCS&THPT Bát Xát (Lào Cai) đã đón HS đến trường học trực tiếp. Những ngày qua, nhiệt độ ở huyện Bát Xát xuống 5ºC nên ngay từ đầu tuần, thầy Vũ Xuân Quế, hiệu trưởng nhà trường đã tổ chức họp giao ban nhanh với các giáo viên để triển khai kế hoạch chống rét cho học sinh. Trong đó, giáo viên kiểm tra sức khỏe học sinh học sinh hằng ngày, kiểm tra việc thực hiện đeo khẩu trang, giày tất, quần áo ấm.

Trường THCS&THPT Bát Xát có 400 học sinh ở bán trú. “Mùa đông vùng trên này trấu không thiếu. Thông thường, cuối tuần các em HS sẽ về nhà lấy trấu nộp để làm hệ thống nước nóng có sẵn của nhà trường. Tuy nhiên, 2 tuần vừa rồi để hạn chế lây lan của dịch COVID-19, trường chủ trương cho các cháu ở lại bán trú chứ không về. Trước đó, học sinh đóng 100 bao trấu nhưng không được bổ sung nên nhà trường đã cử giáo viên đi mua thêm”, thầy Quế cho biết.

Theo ông Nguyễn Thế Bình, Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Giang, phòng chống rét cho học sinh là nhiệm vụ thường xuyên, có tính chất định kỳ của ngành giáo dục tuy nhiên diễn biến thời tiết bất thường năm nay khiến nhiều nơi trên địa bàn có tỉnh nhiệt độ xuống thấp từ 1ºC đến -2ºC, ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động dạy và học.

Từ ngày 20/2, Sở GD&ĐT Hà Giang đã có công văn hỏa tốc yêu cầu các nhà trường chủ động ứng phó với không khí lạnh, rét đậm rét hại, theo dõi diễn biến thời tiết nhiệt độ thực tế tại các địa bàn, Phòng GD&ĐT tham mưu với UBND các huyện, TP xem xét cho học sinh mầm non dừng đến trường trực tiếp khi nhiệt độ xuống dưới 10ºC và học sinh tiểu học dừng đến trường khi nhiệt độ xuống dưới 7ºC.

Sở GD&ĐT Hà Giang cũng chỉ đạo các nhà trường không yêu cầu học sinh mặc đồng phục trong trường hợp rét đậm rét hại, yêu cầu học sinh mặc đủ ấm mới đến trường, phòng chống rét gắn phòng chống dịch, đảm bảo y tế học đường.

Chánh văn phòng Sở GD&ĐT Lạng Sơn cho biết, các nhà trường phải đảm bảo phải đủ hệ thống cửa chắn gió, đủ ánh sáng, trang bị cơ số thuốc ban đầu để sơ cứu khi học sinh cảm lạnh, sốt ho, hướng dẫn học sinh cách phòng chống dịch bệnh, thực hiện 3 đủ: “đủ ăn, đủ mặc, đủ điều kiện phương tiện học tập”.

Vừa chống rét, vừa chống dịch sẽ phần nào ảnh hưởng đến tiến độ giảng dạy và chất lượng giáo dục. “Nghỉ rét nhưng học sinh vẫn học trực tuyến tại nhà, chất lượng bị ảnh hưởng, tiến độ dạy học, các hoạt động trải nghiệm, giảng dạy kỹ năng sống, hoạt động nâng cao thể lực, thể chất đều bị ảnh hưởng”, ông Đoàn đánh giá.

Do vậy, Sở GD&ĐT Lạng Sơn yêu cầu các nhà trường có kế hoạch học bù đảm bảo được kế hoạch thời gian năm học, báo cáo thường xuyên qua kênh online cho cơ quan quản lý nắm được số liệu học sinh nghỉ học, ốm đau để kịp thời huy động các nguồn lực hỗ trợ học sinh.

Trong khi đó, ông Nguyễn Thế Bình, Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Giang cho hay, nghỉ chống dịch và chống rét, những nơi học sinh có điều kiện cơ sở vật chất và trang thiết bị sẽ duy trì hoạt động dạy học trực tuyến còn những nơi không có điều kiện trang thiết bị thì giáo viên sẽ giao bài tập, giao nhiệm vụ học tập cho các em, tổ chức học bù cho các em sau khi kết thúc đợt nghỉ chống dịch và nghỉ chống rét./.