Có trong tay chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế đang là một lợi thế với nhiều sĩ tử trong mùa tuyển sinh năm nay. Nhiều học sinh, phụ huynh băn khoăn, thí sinh có chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế sẽ được quy đổi điểm ra sao?
Trả lời câu hỏi này, ông Nguyễn Thanh Bình – Chuyên viên Phòng Quản lý đào tạo, trường ĐH Kinh tế quốc dân cho biết, trong Đề án tuyển sinh trình độ ĐH năm 2021, công bố ngày 2/4/2021, trường ĐH Kinh tế quốc dân đã công bố thang quy đổi điểm dành cho đối tượng xét tuyển kết hợp sử dụng chứng chỉ tiếng Anh quốc tế.
Theo đó, nhà trường quy đổi điểm chứng chỉ tiếng Anh IELTS bắt đầu từ 5.5 trở lên. Trong đó điểm IELTS 5.5 được quy đổi là 10, IELTS 6.0 là 11…Như vậy, cứ điểm IELTS nhích lên nửa điểm thì điểm quy đổi nhích lên 1 điểm, đến ngưỡng 8.0, 8.5, 9.0 thì bằng nhau, đổi sang 15.
Cũng theo ông Bình, đối tượng có chứng chỉ tiếng Anh quốc tế có 2 vấn đề cần lưu tâm. Đầu tiên là điều kiện để nộp hồ sơ (chưa đến giai đoạn xét), bên cạnh chứng chỉ tiếng Anh thì cần điều kiện tổ hợp 3 môn bất kỳ thuộc 9 tổ hợp tuyển sinh của nhà trường phải đạt từ 18 điểm trở lên (ngưỡng đảm bảo chất lượng). Trong quá trình xét tuyển, công thức tính điểm quy đổi, cộng điểm môn Toán, cộng điểm môn bất kỳ khác (ngoại trừ tiếng Anh) nằm trong 9 môn tổ hợp xét tuyển, cộng điểm ưu tiên (nếu có).
Đây là cách thức xét tuyển, điều kiện xét tuyển đối với đối tượng sử dụng chứng chỉ tiếng Anh quốc tế, ông Bình cho biết.
So với năm 2020, thí sinh xét tuyển kết hợp vào Trường ĐH Kinh tế quốc dân sẽ được đăng ký tối đa tất cả các mã ngành (54 mã ngành) thay vì giới hạn 10 nguyện vọng như năm 2020. Theo ông Bình, quá trình làm hồ sơ nhà trường có hệ thống đăng ký hồ sơ trực tuyến, có hệ thống phần mềm chạy xét tuyển tự động để ra kết quả nhanh nhất, sớm nhất, chính xác nhất thông tin đến thí sinh. Cuối năm 2020 nhà trường chuẩn bị phần mềm xét tuyển, có cơ chế đối chiếu, kiểm tra chéo, đảm bảo tính chính xác, công bằng với các thí sinh.
Nếu như trường ĐH Kinh tế quốc dân quy đổi chứng chỉ ngoại ngữ theo thang điểm từ 10-15 thì trường ĐH Bách khoa Hà Nội lại quy đổi theo các tổ hợp A01, D01 và D07 có môn Tiếng Anh. Theo PGS.TS Trần Trung Kiên, Trưởng phòng tuyển sinh, Trường ĐH Bách Khoa Hà Nội, thí sinh có thể sử dụng chứng chỉ IELTS để quy đổi thành điểm tiếng Anh. IELTS từ 5.0 - 6.0 thì được 8.5, IELTS từ 6.5 trở lên đã được 10 điểm. Như vậy, trong trường hợp các em được 6.5 thì coi như các em đã được 10 điểm trong các tổ hợp A01, D01 và D07 đó.
Theo PGS.TS Trần Trung Kiên, thí sinh phải nộp nguyện vọng quy đổi chứng chỉ từ ngày 1/4 đến ngày 30/6 trên hệ thống online, thủ tục hồ sơ quy đổi đã có hướng dẫn chi tiết trên website trường.
Ông Kiên cũng lưu ý các thí sinh, nếu chỉ đăng ký xét tuyển vào các trường có quy đổi chứng chỉ IELTS thì không nhất thiết phải thi tiếng Anh nhưng nếu muốn đăng ký vào các trường khác không có quy đổi chứng chỉ IELTS thì vẫn phải tham gia thi để lấy điểm tiếng Anh xét tuyển các tổ hợp có thi tiếng Anh.
“Lời khuyên của tôi là kể cả có chứng chỉ tiếng Anh thì vẫn không nên bỏ thi THPT môn Tiếng Anh vì bỏ nếu sau này cần xét tuyển các trường khác không quy đổi chứng chỉ IELTS thì vô hình chung, chúng ta đã bỏ hoàn các tổ hợp có môn tiếng Anh”- ông Kiên phân tích.
Xét tuyển chứng chỉ ngoại ngữ - xu thế tất yếu
Chia sẻ những điểm mới trong tuyển sinh của Học viện ngân hàng, bà Vũ Thị Thanh Hà – Phó Viện trưởng Viện đào tạo quốc tế cho biết, năm nay hệ chất lượng cao của nhà trường có mã tuyển sinh riêng, thay vì phải đỗ vào các ngành Tài chính -Ngân hàng, Quản trị kinh doanh, Kinh doanh quốc tế rồi mới xét vào hệ chất lượng cao như mọi năm.
Năm nay, những thí sinh xét tuyển theo năng lực ngoại ngữ IELTS hoặc chứng chỉ tương đương sẽ có được 2 lựa chọn là có thi ngoại ngữ và xét tổ hợp có tiếng Anh, hoặc theo tổ hợp lựa chọn vào Học Viện Ngân hàng; nhưng nếu không thi ngoại ngữ, những bạn có năng lực ngoại ngữ tiếng Nhật, tiếng khác hoặc tiếng Anh khó khăn nên không lựa chọn thi thì sẽ xét tổ hợp 2 môn theo tổ hợp bạn đăng ký vào Học viện Ngân hàng.
Tại Trường ĐH Ngoại Thương, đây là năm đầu tiên bắt đầu tuyển sinh 2 chương trình đào tạo chất lượng cao mới, gồm: Chương trình Chất lượng cao Luật Kinh doanh quốc tế theo mô hình thực hành nghề nghiệp và Chương trình Chất lượng cao Tiếng Anh thương mại.
Theo phương án tuyển sinh của trường ĐH Ngoại thương, 2/6 phương thức yêu cầu điều kiện để thí sinh đăng ký xét tuyển là thí sinh phải có chứng chỉ tiếng Anh quốc tế IELTS (academic) từ 6,5 trở lên hoặc các chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế (Tiếng Anh, Tiếng Pháp, Tiếng Trung, Tiếng Nhật) theo qui định của nhà trường.
Theo TS. Vũ Thị Hiền, Trưởng phòng quản lý đào tạo, Trường ĐH Ngoại Thương, việc mở thêm 2 chương trình mới này sẽ nâng tổng số chương trình dạy bằng ngoại ngữ từ 15 lên 17 chương trình trong tổng số 32 chương trình. Trong đó, Tiếng Anh là cơ bản chiếm 14 chương trình. Với đặc thù như vậy, xét tuyển thí sinh đủ điều kiện để học các chương trình học bằng tiếng Anh là điều kiện quan trọng. Do đó, việc sử dụng chứng chỉ quốc tế có độ tin cậy cao là xu hướng trong xét tuyển của nhiều trường ĐH trong cả nước, trong đó có ĐH Ngoại Thương", bà Hiền khẳng định.