Là chuyên gia giáo dục có nhiều kinh nghiệm, TS Lê Đông Phương- Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Giáo dục Đại học, Viện Khoa học Giáo dục, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã dành cho VOV2 cuộc trả lời phỏng vấn xoay quanh những bất cập của kỳ tuyển sinh Đại học năm 2021-2022 và ông cũng đưa ra quan điểm, đề xuất nhằm hạn chế những bất cập của việc tuyển sinh Đại học những năm tới khi kỳ thi Tốt nghiệp THPT không còn đóng "2 vai" và các cơ sở Giáo dục Đại học cần phát huy thực sự quyền Tự chủ trong đó có tự chủ tuyển sinh.

PV: Thưa TS Lê Đông Phương, ông đánh giá thế nào về bức tranh tuyển sinh Đại học năm 2021?

TS Lê Đông Phương: Năm 2021 chúng ta đã thấy có những sự thay đổi khá nhiều trong tổng thể tuyển sinh của các trường đại học. Có một số sự thay đổi đã nằm trong dự đoán trước của chuyên gia và các nhà quản lý, tuy nhiên cũng có một số diễn biến nằm ngoài dự kiến của những người có liên quan. Thứ nhất, là câu chuyện điểm xét tuyển. Mức điểm xét tuyển đầu vào của các trường đại học đã được dự kiến ngay từ khi công bố phổ điểm của các trường THPT. Tuy nhiên việc lọc điểm chuẩn xét tuyển của một số chương trình hoặc một số trường đã có sự tăng đột biến thì lại nằm ngoài dự đoán của các chuyên gia. Khi phổ điểm được công bố thì chuyên gia dự kiến mức tăng của điểm xét tuyển dao động khoảng từ 2-4 điểm tùy các ngành, các trường. Tuy nhiên hiện nay ở một số cơ sở giáo dục đã có sự thay đổi nhiều, ví dụ có trường điểm xét tuyển đã tăng gần 10 điểm, một số ngành cũng có nhiều thí sinh đăng ký.

PV: Có thể thấy là điểm chuẩn năm nay cao hơn rất nhiều so với năm 2020 đúng không ạ, theo ông tại sao lại có hiện trượng này?

TS Lê Đông Phương: Sở dĩ có hiện tượng này là vì như nhiều người phân tích, năm nay đề thi THPT được điều chỉnh phù hợp với tình hình thực tế dạy và học trong điều kiện đại dịch covid thế nên cũng đã có cắt giảm nội dung chỉ tập trung vào một số kiến thức cơ bản của lớp 12 chính vì vậy nó được đánh giá là dễ hơn so với năm 2020 rất nhiều. Vì vậy số điểm các em đạt được rất cao và thậm chí tiếp cận đến mức giỏi (9 điểm, 10 điểm) rất nhiều. Chính vì vậy đến lúc đăng ký xét tuyển thì điều này càng thể hiện rõ hơn vì khi một số ngành học có được sự hấp dẫn nhiều học sinh thì dẫn đến điểm xét tuyển tăng vọt lên rất nhiều.

PV: Nhiều thí sinh đã trúng tuyển bằng phương thức xét tuyển bằng học bạ nghĩa là xét tuyển thẳng bằng kết quả 3 năm học phổ thông có cảm giác như mình trúng số may mắn vì nếu như chọn phương án xét tuyển bằng kết quả thi THPT thì khả năng đương nhiên là sẽ bị trượt. Vậy thì quan điểm của ông như thế nào?

TS Lê Đông Phương: Kết quả xét tuyển hiện nay lại cho chúng ta thấy mâu thuẫn rõ hơn giữa điểm đánh giá quá trình học tại nhà trường phổ thông và điểm thi, giữa điểm thi và điểm học bạ. Như Bộ GD-ĐT phân tích là có sự chênh rất rõ rệt và cái sự chênh này lại đi theo hướng tiến lên. Tức là điểm học bạ có xu hướng cao hơn kết quả thi của các em, đề thi đã dễ điểm cao nhưng điểm trên học bạ của các em còn cao hơn. Và đúng như phóng viên đã nói đã có nhiều học sinh rất may mắn là vì đã chọn con đường xét tuyển bằng học bạ để không bị vấp phải chuyện điểm chuẩn xét tuyển vào ngành dội lên đến trên 30 điểm.

PV : Ông có bình luận gì về sự chênh lệch điểm chuẩn giữa các ngành học?

TS Lê Đông Phương: Có một số ngành học có điểm chuẩn khá là bất bình thường ví dụ như trường sĩ quan chính trị của bên quân đội có điểm chuẩn 30 hoặc là ngành Hàn Quốc học của Đại học Khoa học Xã hội Nhân Văn (Đại học Quốc gia Hà Nội) cũng có điểm chuẩn trên 30. Thực ra đây chỉ là một số ngành hẹp, quy mô tuyển sinh không lớn. Tuy nhiên, việc điểm chuẩn được lấy trên 30 điểm phản ánh một điều là có khá nhiều thí sinh kết quả học và thi tương đối tốt nhưng lại được sự ưu đãi như là điểm ưu tiên thế nên đã đẩy hệ thống điểm xét tuyển vượt lên mức 30 – là mức mà thí sinh không có điểm ưu tiên không bao giờ vào được. Điều này phản ánh một chuyện là trong cơ chế ưu đãi, ưu tiên một số đối tượng thiệt thòi trong việc học hành, vô hình chung đã lặp lại chuyện phân biệt đối xử giữa những người được ưu đãi và không được ưu đãi. Khi nó cận kề với mức 30 điểm thì sự phân biệt đối xử này thể hiện rất rõ, ví dụ trường Y, ngành Y Đa khoa là ngành vốn có điểm chuẩn rất cao thì năm nay cũng đã ở mức 29, gần 30 điểm. Như vậy với một học sinh học bình thường thì cũng rất khó đạt mức 27 điểm, bây giờ lên đến 28 điểm, 29 thì các em dù rất giỏi cũng khó có cơ hội vào đây nếu không có sự ưu tiên được tính bằng điểm.

PV: Theo ông với những bất cập của tuyển sinh xét tuyển năm nay, với tình hình dịch bệnh đang còn kéo dài như hiện nay, việc học của các em sẽ còn bị ảnh hưởng, chưa biết thế nào, trong năm học tới các trường đại học cần có biện pháp nào để tạo công bằng cho các thí sinh và tuyển được những em thực sự có năng lực để vào học?

TS Lê Đông Phương: Thực ra có rất nhiều cách để giải quyết vấn đề chúng ta đã được nghe bàn đến rất nhộn nhịp trong những ngày vừa rồi. Tuy nhiên, theo tôi có một cách phải thực hiện thì mới giải quyết triệt để được vấn đề này. Đó là tách bạch giữa thi tốt nghiệp THPT với một kỳ thi đánh giá năng lực để xét chọn vào đại học, bởi chúng ta biết tính chất của 2 kỳ thi này là khác nhau.

Kỳ thi tốt nghiệp THPT thực chất là kỳ thi tìm ra được những người có đủ năng lực cơ bản, hiểu biết kiến thức cơ bản để có thể bước vào cuộc sống bình thường. Còn kỳ thi hay là xét tuyển đánh giá năng lực vào các trường đại học là đòi hỏi chọn ra được những con người phù hợp nhất với chương trình đào tạo để chọn ra những người lao động có kiến thức, kỹ năng, thái độ phù hợp trên các lĩnh vực ngành học khác nhau.

Hiện nay chúng ta có 250 ngành học khác nhau điều đấy dẫn đến một thực tế là chúng ta không thể sử dụng 1 bộ điểm chung để xét tuyển cho tất cả ngành học hoặc các nhóm ngành. Vì vậy, có lẽ là hơn lúc nào hết, việc hình dung và chuẩn bị cho một hệ thống đánh giá năng lực của thí sinh để xét tuyển vào đại học được đặt ra một cách cấp bách hơn bao giờ hết. Trong giai đoạn chuyển tiếp khi chúng ta chưa có được một hoặc vài hệ thống đánh giá năng lực thí sinh kia thì chúng ta sẽ phải có 1 cách điều chỉnh về kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT và xử lý kết quả kỳ thi này.

Ví dụ đề thi cần phải có tính phân hóa cao hơn, phải phân loại rành rọt được giữa những em học được và những em hơi học được và những em không học được. Như hiện nay về cơ bản, số thí sinh không qua được tốt nghiệp THPT không nhiều thì rõ ràng nó cũng cho chúng ta thấy sự phân hóa trong đề thi kém. Hơn nữa, điểm quá cao thì việc sử dụng kết quả đó sẽ không chính xác, cơ chế ưu đãi cho một số đối tượng thiệt thòi trong hệ thống điểm thưởng cũng cần phải cân nhắc lại.

Cần phải ưu đãi cho các em bằng điểm số hay là hỗ trợ ưu đãi cho các em bằng một chính sách khác; nếu như vẫn còn hệ thống điểm ưu tiên dưới một hình thức ưu đãi cho một số đối tượng thiệt thòi thì chúng ta cần phải cân nhắc bao nhiêu là đủ. Nhưng mà giải pháp chữa cháy tôi nghĩ là cần phải có một hệ thống điểm ưu tiên giật lùi. Nghĩa là điểm thi của các em đã cao đến một mức độ nào đó thì mức điểm ưu tiên tối đa các em được hưởng lùi lại để làm sao cuối cùng không một ai có điểm trên 30. Cá nhân tôi nghĩ rằng nên ưu tiên vấn đề tạo sự hỗ trợ cho các em bằng chính sách khác không bằng chính sách dùng điểm thưởng.

PV : Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi này!