Một trong những điểm mới của Quy chế tuyển sinh đại học và cao đẳng sư phạm năm 2025 là yêu cầu các cơ sở đào tạo quy đổi tương đương điểm trúng tuyển của các phương thức, tổ hợp xét tuyển đổi với một ngành đào tạo.

Cụ thể, trong trường hợp một ngành, một chương trình đào tạo chỉ sử dụng một phương thức xét tuyển, như dùng kết quả thi đánh giá năng lực của ĐHQG Hà Nội hoặc điểm thi tốt nghiệp THPT thì các trường không cần thực hiện quy đổi. Nhưng nếu một ngành sử dụng từ hai phương thức xét tuyển trở lên thì phải có sự quy đổi tương đương.

PGS.TS Vũ Duy Hải, Trưởng Ban Tuyển sinh - Hướng nghiệp (ĐH Bách khoa Hà Nội) cho rằng quy định mới này là một bước tiến quan trọng nhằm đảm bảo mọi thí sinh, dù tham gia xét tuyển bằng phương thức nào cũng sẽ được đánh giá trên cùng một mặt bằng về năng lực đầu vào.

“Tất cả thí sinh đều cần được đối xử công bằng khi bước vào một ngành học. Không thể có chuyện cùng trúng tuyển vào một ngành mà người thì đạt 90/150, người thì 75/100, người thì 26/30, nhưng không có một công cụ nào chứng minh ba mức điểm này là tương đương nhau về năng lực", PGS.TS Vũ Duy Hải nói.

Trong khi đó, TS. Lê Anh Đức,Trưởng Phòng Quản lý Đào tạo (Đại học Kinh tế Quốc dân) khẳng định, quy đổi điểm chuẩn trúng tuyển đại học không phải là việc ép buộc các kỳ thi khác nhau phải có thang điểm giống nhau mà là việc tính toán và công bố các mức điểm chuẩn tương đương ở mỗi phương thức để đảm bảo năng lực đầu vào của thí sinh là ngang nhau.

Trước câu hỏi băn khoăn, mỗi kỳ thi, phương thức xét tuyển có yêu cầu khác nhau về nội dung, phương pháp đánh giá thì việc quy đổi điểm trúng tuyển đại học liệu có khả thi và chính xác, khách quan? PGS.TS Vũ Duy Hải lý giải, về bản chất không phải là quy đổi điểm số của các kỳ thi khác nhau về cùng một mức điểm mà là quy đổi mức điểm trúng tuyển. Hay nói khác là đánh giá năng lực đầu vào của thí sinh, đưa ra được một mức điểm chuẩn trúng tuyển tương đương, công bằng.

"Về nguyên tắc tất cả thí sinh khi trúng tuyển vào một chương trình đào tạo đều phải có năng lực đánh giá đầu vào ngang nhau. Điểm chuẩn thí sinh A và điểm chuẩn thí sinh B sau khi trúng tuyển vào cùng một ngành thì dù dùng phương thức xét tuyển nào thì phải được đánh giá ngang nhau nếu như các thí sinh đó có cùng mức điểm chuẩn", PGS.TS Vũ Duy Hải khẳng định.

Quy tắc quy đổi điểm sẽ dễ hiểu, dễ áp dụng

Theo kế hoạch, Bộ GD-ĐT sẽ hướng dẫn chung mang tính nguyên tắc về quy đổi điểm trúng tuyển tương đương giữa các phương thức. Trên cơ sở đó, mỗi cơ sở đào tạo sẽ tinh chỉnh và xây dựng một công thức quy đổi riêng.

TS.Lê Anh Đức, Trưởng Phòng Quản lý Đào tạo (Đại học Kinh tế Quốc dân) cho biết, trong thời gian chờ hướng dẫn cụ thể của Bộ GD-ĐT, ĐH Kinh tế Quốc dân chủ động xây dựng bảng quy đổi tương đương điểm trúng tuyển giữa các phương thức.

Để thực hiện được việc này, ĐH Kinh tế Quốc dân triển khai các bước đi cụ thể. Trong đó, tổng hợp dữ liệu của toàn bộ hơn 20 nghìn sinh viên trúng tuyển trong 3 năm (2022, 2023,2024) về phương thức tuyển sinh và kết quả học tập.

Thứ hai, bám sát vào các nguyên tắc quy đổi mà Bộ GD-ĐT hướng dẫn: Đảm bảo sự tương đương về năng lực đầu vào và năng lực học tập; đảm bảo sự tương quan chặt chẽ giữa kết quả đầu vào với kết quả học tập của thí sinh; đảm bảo tính khoa học, tức là chứng minh được tính khách quan trong việc xác định công thức quy đổi tương đương; quy tắc quy đổi cũng phải đơn giản, dễ hiểu đối với thí sinh...

"Hiện Đại học Kinh tế Quốc dân đã xây dựng dự thảo bảng quy đổi tương đương điểm trúng tuyển của các phương thức xét tuyển khác nhau. Nhìn vào bảng quy đổi này thí sinh sẽ thấy dễ hiểu, dễ áp dụng. Nếu đạt được mức điểm cụ thể nào đó thì thí sinh sẽ biết tương đương mức điểm trúng tuyển ở các phương thức khác như thế nào", TS.Lê Anh Đức thông tin.

Mặc dù đã xây dựng bảng quy đổi điểm trúng tuyển nhưng TS. Lê Anh Đức cho biết, ĐH Kinh tế Quốc dân vẫn chờ khung quy đổi tương đương của Bộ GD-ĐT cũng như chờ phổ điểm năm 2025 của các kỳ thi đánh giá năng lực, đánh giá tư duy, kỳ thi tốt nghiệp THPT...

Liên quan đến việc trên mạng xã hội lan truyền các công thức quy đổi điểm trúng tuyển khác nhau khiến thí sinh hoang mang, lo lắng, PGS.TS Vũ Duy Hải chấn an, công thức quy đổi điểm dự kiến của Bộ GD-ĐT cũng như quy tắc quy đổi điểm của các cơ sở đào tạo sẽ được thiết kế đảm bảo công bằng nhất cho thí sinh.

"Sẽ không có chuyện thí sinh đạt điểm số cao trong các kỳ thi riêng nhưng khi quy đổi lại có điểm số thấp hơn so với kỳ thi khác. Nếu thí sinh đạt được điểm cao từ phương thức này thì chắc chắn sau khi quy đổi thí sinh cũng sẽ đạt được điểm cao ở mức tương ứng. Thí sinh hoàn toàn yên tâm", PGS.TS Vũ Duy Hải chia sẻ.

Có căn cứ khoa học quy đổi điểm trúng tuyển đại học

Theo Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Hoàng Minh Sơn, Bộ có đầy đủ dữ liệu học bạ, kết quả thi tốt nghiệp THPT và kết quả các kỳ thi đánh giá năng lực, đánh giá tư duy do các đại học lớn cung cấp trong những năm gần đây, thông qua kết quả tuyển sinh, kết quả học tập của sinh viên trúng tuyển vào trường...

Thực tế trên thế giới cũng đã có những bảng quy đổi tương đương hay yêu cầu ngưỡng đầu vào đối với các hệ thống đánh giá khác nhau, như giữa SAT và ACT. "Đây là các căn cứ thực tiễn", Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn nói.

Về căn cứ khoa học, ông Sơn cũng cho hay, Bộ GD-ĐT dựa vào sự hỗ trợ của các chuyên gia, các nhà khoa học, thành lập tổ tư vấn chuyên môn bao gồm một số một số nhà toán học, chuyên gia đo lường và đánh giá giáo dục, chuyên gia phân tích dữ liệu và một số người trực tiếp làm công tác tuyển sinh tại các cơ sở giáo dục đại học, để đưa ra một báo cáo kỹ thuật chi tiết, thấu đáo với đầy đủ cơ sở khoa học và thực tiễn, bao gồm cả kinh nghiệm quốc tế.

Nói rõ về bản chất quy đổi tương đương điểm trúng tuyển, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Hoàng Minh Sơn chia sẻ, một ngành có nhiều phương thức, tổ hợp xét tuyển sẽ xác định điểm chuẩn cho từng phương thức, tổ hợp xét tuyển dựa trên tổng chỉ tiêu của ngành và quy tắc quy đổi tương đương giữa các điểm chuẩn.

Đơn cử, một ngành xét tuyển cả kết quả thi tốt nghiệp THPT theo 3 tổ hợp A0, A1 và D7 và điểm thi đánh giá năng lực của ĐHQG Hà Nội (HSA), thì ngoài việc quy định một khoảng chênh lệch hợp lý giữa điểm chuẩn của các tổ hợp như thông thường, cơ sở đào tạo còn phải đưa ra một quy tắc quy đổi tương đương giữa điểm chuẩn theo điểm thi HSA và điểm chuẩn của tổ hợp A0 (hoặc A1, D7) trong một phạm vi điểm nhất định (ví dụ, từ 90-100 điểm HSA tương đương với 24-27 điểm tổ hợp A0).

"Khi đó, quá trình xét tuyển sẽ được thực hiện bằng cách điều chỉnh lên hay xuống điểm chuẩn tương đương của tất cả phương thức, tổ hợp xét tuyển cho tới khi đạt được số lượng thí sinh trong danh sách trúng tuyển phù hợp với tổng chỉ tiêu của ngành", ông Sơn thông tin.

Bản chất của việc quy đổi tương đương điểm trúng tuyển theo Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn nhằm bảo đảm điểm chuẩn của mỗi phương thức hay tổ hợp xét tuyển cũng phải “tương đương” về đánh giá, đảm bảo mức độ phù hợp của người học theo yêu cầu năng lực, kiến thức đầu vào của ngành đào tạo. Điều này không chỉ tạo sự công bằng giữa các thí sinh, mà còn giúp nâng cao chất lượng và tính minh bạch trong tuyển sinh của các cơ sở đào tạo.

Bên cạnh đó, Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn cho rằng, nếu các phương thức xét tuyển sử dụng các tiêu chí đánh giá kiến thức, năng lực hoàn toàn khác nhau (mà không có chung phần cốt lõi) thì rõ ràng không thể dùng để xét tuyển cho cùng một ngành đào tạo, vì vậy cũng không thể và không cần xem xét việc quy đổi tương đương.

Tương tự, các tổ hợp môn hoàn toàn khác nhau, đánh giá các kiến thức khác nhau thì cũng không thể sử dụng để xét tuyển cùng một ngành đào tạo.

"Vì vậy trong Quy chế sửa đổi, Bộ GD-ĐT cũng đã có quy định chặt chẽ về tỉ trọng đánh giá của các môn chung đối với các tổ hợp môn của cùng một ngành đào tạo (bắt buộc áp dụng từ 2026). Nói cách khác, các cơ sở đào tạo chỉ được chọn sử dụng đồng thời nhiều phương thức, tổ hợp xét tuyển cho cùng một ngành khi có căn cứ khoa học và thực tiễn để quy đổi tương đương các điểm chuẩn với nhau", Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Hoàng Minh Sơn nói.