Chiều 26 tháng 12, tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn - Trưởng tiểu ban Giáo dục Đại học, Hội đồng Quốc gia Giáo dục và Phát triển nhân lực đã chủ trì cuộc họp với đại diện một số cơ sở Giáo dục ĐH nhằm lấy ý kiến đóng góp cho Dự thảo Báo cáo đánh giá sơ kết tình hình thực hiện Luật Giáo dục Đại học giai đoạn 2019-2023.

TS Lê Trường Tùng - Giám đốc Hệ thống Giáo dục FPT bày tỏ quan điểm về những bất cập trong quy định về tự chủ đại học trong Luật Giáo dục ĐH. Theo ông Tùng, tự chủ ở cơ sở giáo dục đại học không giống tự chủ đơn vị sự nghiệp công lập.

Góp ý cho việc sửa đổi Luật Giáo dục ĐH, TS Lê Trường Tùng phân tích: "Trong các điều kiện để được tự chủ, và trong nội hàm của tự chủ về tài chính, Luật Giáo dục Đại học 2018 không có điều khoản nào yêu cầu quyền tự chủ của trường đại học lại phải gắn với việc tự túc không hưởng tiền từ ngân sách. Nhưng trên thực tế khi thực hiện Luật này thì lại đang áp dụng tự chủ gắn với tự túc, không hưởng ngân sách với các trường công.

Việc này có 2 lý do khách quan. Lý do thứ nhất là khi thử nghiệm tự chủ từ 2017, đều chọn các trường tham gia là các trường đại học đang hoạt động tốt nhất, dư sức cân đối thu chi, trong khi lẽ ra thử nghiệm tự chủ phải chọn mẫu cả trường tốt, trường trung bình và trường yếu kém để xem ảnh hưởng của tự chủ với sự phát triển của các trường như thế nào trước khi áp dụng đại trà. Vì thế đã tạo ra mô hình mặc định tự chủ là tự túc.

Lý do thứ hai là nhầm lẫn giữa "Tự chủ Cơ sở Giáo dục Đại học" với "Tự chủ Đơn vị Sự nghiệp Công lập" áp dụng cho các cơ quan sự nghiệp nói chung. Và với các đơn vị sự nghiệp, quy định của nhà nước là mức độ tự chủ gắn với mức độ tự túc tài chính. Khi sửa luật cần làm rõ điều này, "Tự chủ Cơ sở Giáo dục Đại học" không phải là "Tự chủ Đơn vị Sự nghiệp Công lập".

Một việc quan trọng nữa khi sửa đổi Luật Giáo dục Đại học là có đưa Cao đẳng thành một thành phần của Giáo dục Đại học hay không? Hiện nay là không, cao đẳng thuộc Giáo dục Nghề nghiệp, mặc dù đang đưa về để Bộ Giáo dục Đào tạo quản lý khi giải thể Bộ Lao động Thương binh Xã hội. Theo thông lệ quốc tế, có 2 loại chương trình cao đẳng, một loại là chương trình đào tạo 2 năm Associate Degree - mang tính hàn lâm nhiều hơn, thường được xem là thuộc giáo dục đại học, một loại là Vocational Higher/Advanced Diploma theo hướng dạy nghề. Nhiều quốc gia tách riêng hai loại "cao đẳng" này, và đều xem là dưới 1 bậc so với cử nhân đại học trong khung trình độ quốc gia. Trước đây chúng ta đã không hoàn toàn hợp lý khi gộp 2 loại cao đẳng này thành cao đẳng nghề, giờ cũng nên xem xét thận trọng nếu như quy định chỉ còn một loại theo hướng Associate Degree".

Luật Giáo dục đại học số 08/2012/QH13 được Quốc hội thông qua ngày 18.6.2012, có hiệu lực kể từ ngày 1.1.2013, được sửa đổi, bổ sung bởi Luật số 34/2018/QH14 ngày 19.11.2018, có hiệu lực kể từ ngày 1.7.2019. Luật số 34 được ban hành với 8 điểm mới. Trong đó, xác định rõ hệ thống cơ sở giáo dục đại học (GDĐH) tiệm cận với xu hướng quốc tế, phù hợp với thực tiễn Việt Nam; tạo ra sự bình đẳng giữa cơ sở GDĐH công lập và tư thục, thúc đẩy sự phát triển của GDĐH tư thục; tạo cơ sở pháp lý rõ ràng về quyền tự chủ và trách nhiệm giải trình của cơ sở GDĐH; mở rộng phạm vi, nâng cao hiệu quả tự chủ đại học, gắn với trách nhiệm giải trình; đổi mới quản trị đại học, bảo đảm thực quyền của hội đồng trường với vai trò là cơ quan quản trị hiệu quả phù hợp với thông lệ quốc tế…

Khẳng định tác động to lớn của tự chủ đại học trong đào tạo, nghiên cứu khoa học, sáng tạo khởi nghiệp và hợp tác quốc tế song Giám đốc Đại học Bách khoa Hà Nội Huỳnh Quyết Thắng cũng nêu ra nhiều khó khăn, vướng mắc: “Chưa có quy định cụ thể về gắn kết giữa hoạt động đào tạo và hoạt động nghiên cứu khoa học; thiếu quy định về đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, cơ chế đặt hàng nghiên cứu đối với những lĩnh vực đặc thù phục vụ phát triển đất nước”.

Nguồn lực tài chính đang là điểm nghẽn lớn nhất đối với phát triển GDĐH

Qua 5 năm thực hiện (2019 - 2023), Luật GDĐH được đánh giá cơ bản đã đáp ứng được yêu cầu thực tiễn phát triển GDĐH, tăng cường hiệu lực, hiệu quả trong công tác quản lý nhà nước về GDĐH, nâng cao quyền tự chủ cho các cơ sở GDĐH, bảo đảm sự hội nhập quốc tế, đáp ứng tốt hơn nhu cầu đào tạo nguồn nhân lực của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, góp phần phát triển sự nghiệp giáo dục - đào tạo, nâng cao trình độ dân trí và chất lượng nguồn nhân lực, đào tạo nhân tài cho đất nước và góp phần phát triển kinh tế - xã hội.

Tuy nhiên, theo dự thảo Báo cáo Đánh giá sơ kết tình hình thực hiện Luật GDĐH giai đoạn 2019 - 2023 của Bộ Giáo dục và Đào tạo, trước những thay đổi mạnh mẽ về kinh tế - xã hội của đất nước, yêu cầu hội nhập quốc tế, một số quy định của Luật GDĐH đã bộc lộ bất cập nhất định. Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến GDĐH chưa thống nhất, dẫn đến cách hiểu khác nhau về cùng một vấn đề. Các quy định pháp luật liên quan đến quyền tự chủ, tài chính, nhân sự còn chồng chéo và thiếu sự thống nhất, gây khó khăn cho các cơ sở GDĐH trong việc thực hiện quyền tự chủ toàn diện.

Công tác tổ chức, quản trị đại học còn bất cập. Ở một số cơ sở GDĐH, nhiệm vụ, quyền hạn giữa các thiết chế hội đồng trường, ban giám hiệu chưa được phân định rõ ràng dẫn tới chồng lấn về thẩm quyền, trách nhiệm trong quản lý, quản trị và công tác lãnh đạo, chỉ đạo định hướng hoạt động của nhà trường.

Tiềm lực tài chính của phần đông cơ sở GDĐH còn yếu kém và thiếu bền vững, chủ yếu dựa vào nguồn thu học phí và ngân sách nhà nước (nếu có) trong khi nguồn lực công còn hạn chế, sức chi trả của người học cũng có giới hạn do điều kiện kinh tế của nhiều gia đình còn eo hẹp, nhất là gia đình ở khu vực nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn và dân nghèo thành thị…

Nguồn lực tài chính đang là điểm nghẽn lớn nhất đối với phát triển GDĐH và thực hiện đột phá chiến lược về nguồn nhân lực chất lượng cao, khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo của nước ta.

Từ thực tiễn đó, Chính phủ giao Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan tiếp tục nghiên cứu, rà soát và sơ kết 5 năm thực hiện Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật GDĐH và văn bản pháp luật liên quan.

Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có các Công văn gửi các cơ sở GDĐH, các bộ, ngành và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các cơ quan, đơn vị liên quan yêu cầu thực hiện đánh giá sơ kết Luật GDĐH giai đoạn 2019 - 2023. Tính đến tháng 10.2024, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã nhận được báo cáo đánh giá của 18 bộ, cơ quan ngang bộ, 56 Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và 162 cơ sở GDĐH.

Tại phiên họp chiều 26/12, các đại biểu đã cho ý kiến vào dự thảo Báo cáo đánh giá sơ kết tình hình thực hiện Luật GDĐH giai đoạn 2019 - 2023.

Các ý kiến tại phiên họp khẳng định Luật số 34 đã mang đến luồng gió mới cho GDĐH, song cần thiết sửa đổi toàn diện, căn bản Luật GDĐH, thậm chí xây dựng một luật mới, nhất là trong bối cảnh Bộ Chính trị vừa ban hành Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22.12.2024 về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia. Đây được đánh giá là cơ hội cho GDĐH; là cơ sở để tháo gỡ vướng mắc cho nghiên cứu khoa học tại các cơ sở GDĐH.

Cụ thể: hiện đã có quy định về thành lập doanh nghiệp khoa học - công nghệ trong cơ sở GDĐH, nhưng lại chưa có quy định rõ ràng, chi tiết về việc sử dụng vốn, tài sản công, quyền sở hữu trí tuệ… vào thành lập doanh nghiệp. Việc cử cán bộ, viên chức tham gia góp vốn, quản lý doanh nghiệp bị cấm bởi Luật Viên chức, Luật Doanh nghiệp, Luật Phòng, chống tham nhũng.

Tại Hội thảo, các đại biểu bày tỏ mong muốn cần sửa đổi Luật GDĐH, trong đó tiếp tục đổi mới quản lý nhà nước và quản trị nhà trường theo hướng tăng quyền tự chủ, nâng cao trách nhiệm giải trình của các cơ sở GDĐT. Hoàn thiện cơ chế tự chủ đối với các cơ sở GDĐH phù hợp với xu thế chung của thế giới. Có những quy định cụ thể hỗ trợ việc tuyển dụng, thu hút nhân tài, hỗ trợ cấp phép mời các chuyên gia nước ngoài đến làm việc, nghiên cứu tại các cơ sở giáo dục đại học của Việt Nam.

Kết luận phiên họp: Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Hoàng Minh Sơn khẳng định, Luật GDĐH đã mở ra hành lang pháp lý quan trọng, tạo ra sinh khí mới giúp hệ thống giáo dục đại học thay đổi về chất và lượng, đặc biệt là về năng lực quản trị đại học, tự chủ, chất lượng đào tạo. Từ một số điểm nghẽn mà đại diện các cơ sở giáo dục ĐH nêu ra, cần nghiên cứu, chuẩn bị kỹ lưỡng, đề nghị sửa Luật GDĐH phù hợp với thực tiễn, có hiệu lực lâu dài và phù hợp với những yêu cầu mới đáp ứng yêu cầu mới về đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ đất nước trong giai đoạn mới.