Bộ sách “Chào tiếng Việt” dành cho các em nhỏ người Việt ở nước ngoài của TS. Giáo dục Nguyễn Thụy Anh biên soạn vừa được trao Giải A Giải thưởng Sách quốc gia lần thứ 6. Bộ sách góp phần bổ sung cho 2 bộ giáo trình đầu tiên gồm: “Tiếng Việt vui” và “Quê Việt" được biên soạn trong giai đoạn 2006-2010.

Bộ sách đã “kết hợp được các thành tựu của giáo học pháp hiện đại trong việc giảng dạy tiếng Việt như tiếng mẹ đẻ và giảng dạy tiếng Việt như một ngoại ngữ với các phương pháp sư phạm mới” theo nhận định của PGS.TS Natalia Kraevskaia, hiện đang làm việc tại Trường Quốc tế, Đại học Quốc gia Hà Nội và Trường Đại học Nhân văn Nga tại Moscow. Nhân dịp này, phóng viên VOV2 đã có cuộc trò chuyện cùng TS. Nguyễn Thụy Anh.

Phóng viên: Trước tiên chúc mừng TS. Nguyễn Thụy Anh vì giải thưởng vừa đạt được và xin hỏi điều gì khiến “Chào tiếng Việt” ra đời?

TS. Nguyễn Thụy Anh: Cám ơn chị vì lời chúc. Quả thực, tôi cũng thấy rất là vui và cũng là dịp để nhớ lại cách đây hơn 10 năm khi tôi bắt đầu tham gia việc giữ gìn tiếng Việt ở nước ngoài, đặc biệt ở Đức, Ba Lan, Pháp. Từ năm 2012, năm nào tôi cũng sang làm trại tiếng Việt cho các cháu là con em Việt kiều. Điều này bắt nguồn từ câu chuyện của chính tôi khi sinh con ở Nga. Ngay trong những năm đầu đời của cháu, tôi có một nỗi lo rất lớn. Đó là lo con mất tiếng Việt, lo rằng bố mẹ và con cái mất đi sự kết nối bằng ngôn ngữ khi mà con của mình đã hoàn toàn hòa nhập với nền văn hóa bản địa, sẽ dùng tiếng nói của nước sở tại nhiều hơn. Trên thực tế đây là câu chuyện chung của tất cả những người sinh và nuôi con ở nước ngoài. Tôi nhớ rằng bản thân đã phải cố gắng bao bọc con bằng không gian tràn ngập tiếng Việt. Nhưng tôi cũng hiểu rằng khi con bắt đầu hòa nhập với bên ngoài như việc đi học thì tất nhiên sẽ giảm thời gian cũng như thời lượng tiếp xúc và sử dụng tiếng Việt. Bố mẹ không cố gắng con sẽ mất dần khả năng sử dụng tiếng Việt.

Cùng việc được may mắn hỗ trợ anh chị em bà con Việt kiều ở các quốc gia trong việc giữ gìn tiếng Việt, tôi càng thấy là sự chia sẻ của mình có ý nghĩa và bản thân ấp ủ viết được bộ giáo trình hỗ trợ các thầy cô giáo đang miệt mài giữ gìn tiếng Việt ở các nước khác. Dù nhiệt tâm nhưng các thầy cô có rất nhiều khó khăn. Giáo trình không đơn giản ở việc đưa một bộ sách bất kỳ sang có thể ứng dụng cho việc dạy học. Đối tượng không phải các em nhỏ ở Việt Nam, tiếng Việt với các em lúc này giống như học và sử dụng ngoại ngữ. Phương pháp ở đây vừa phải khơi gợi được cảm xúc đồng thời tạo được động lực cho chính các em học tiếng Việt và giữ được động lực đấy.

Từ mong muốn đó, “Chào tiếng Việt” ra đời. Thêm nữa còn là cái duyên khi tôi gặp Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam. Các anh chị đề xuất thực hiện bộ sách tôi đã ấp ủ rất nhiều năm rồi. Và với đội ngũ là biên tập viên, họa sĩ rất chuyên nghiệp của nhà xuất bản, chúng tôi đã có được bộ sách mà cho đến giờ tôi vẫn cảm thấy rất hài lòng.

Phóng viên: Nghĩa là đến khi NXB Giáo dục đặt vấn đề, chị mới thực sự bắt tay xây dựng bộ sách này hay lúc đó mới là ý tưởng sơ khởi ban đầu, thưa chị?

TS. Nguyễn Thụy Anh: Tôi đã bắt tay thực hiện trong suốt 10 năm. Tất cả những gì viết trong cuốn sách đều ghi chép từ thực nghiệm thực tế chứ không phải đến thời điểm đó mới bắt tay vào làm. Tất nhiên khi NXB Giáo dục đề xuất chuyện làm sách giáo khoa, chúng tôi vẫn bám vào khung tài liệu tiếng Việt do Bộ Giáo dục và Đào tạo đưa ra cho những người làm sách.

Tất cả những hoạt động của chúng tôi khớp với khung nhưng vẫn sáng tạo từ nguồn tài liệu, kinh nghiệm của nhiều năm thực tế dạy học tiếng Việt cho các cháu thuộc nhiều nhóm khác nhau. Nếu không có những năm tháng đó, tôi nghĩ không thể làm cuốn sách như vậy.

Phóng viên: Có một chi tiết chị vừa chia sẻ khiến tôi rất quan tâm. Đấy là việc vì lo cho con mình là sẽ không nói được tiếng Việt, chị đã rất cố gắng “bao bọc” con trong môi trường ngôn ngữ mẹ đẻ. Chị đã làm thế nào và khi về lại Việt Nam, bạn ấy đã mất bao lâu để có thể hòa nhập lại cuộc sống ở quê hương?

TS Nguyễn Thụy Anh: Vâng, bạn nhà mình hồi bé tên là Dế và xin bật mí Dế cũng là nhân vật chính trong cuốn “Chào tiếng Việt”. Quá trình cháu cảm nhận tiếng Việt đầu tiên cũng là điều sau này tôi khuyến khích các bạn nhỏ học qua sự cảm nhận của bản thân chứ không phải chỉ là biết từ đó có nghĩa gì, không phải học theo cách dịch từ ngôn ngữ này sang ngôn ngữ kia. Cần bắt đầu từ cảm nhận.

Từ khi Dế chưa biết chưa biết nói, tôi đã bắt đầu đọc thơ, kể chuyện rồi thậm chí hát ru. Và tôi vẫn nhớ rằng khi mà hát ru có tác động nhiều đến con mình. Ví dụ có lần hát bài: “Con cò mà đi ăn đêm, đậu phải cành mềm lộn cổ xuống ao”, bạn ấy cảm nhận được nỗi buồn, nước mắt chảy ra và tôi hạnh phúc về điều này.

6 tuổi cháu trở về Việt Nam và ngay lập tức có thể hòa nhập với lớp 1, không những thế vốn từ ngữ của Dế rất phong phú. Con có thể dùng từ rất linh hoạt và những bài văn viết tôi không hề cảm thấy bị "khớp". Tại vì trước đây khi hai mẹ con cùng đọc sách, bao giờ tôi cũng có ý thức cung cấp thêm vốn từ cho cháu. Ví dụ khi kể chuyện người thợ săn gặp gấu sợ quá chạy mất là cách đơn giản nhất. Nhưng lần sau kể thì dùng “sợ quá ba chân bốn cẳng chạy mất”. Hôm sau nữa lại sửa thành “sợ quá chạy mất dép”. Các bạn bé nhập từ vào rất nhanh. Mặc dù khi đó, ngữ âm vẫn bị ảnh hưởng bởi tiếng Nga, lên bổng xuống trầm nghe rất buồn cười nhưng từ vựng thì rất tuyệt vời.

Phóng viên: TS có thể chia sẻ cụ thể hơn để thính giả, độc giả VOV hiểu hơn về bộ sách “Chào tiếng Việt”?

TS. Nguyễn Thụy Anh: Tôi rất là vui khi mà các chuyên gia, trong đó có PGS Natalia Kraevskaia khi đọc bộ sách này đã có những nhận xét, góp ý kiến nhận xét rất tích cực. Họ nhìn thấy đóng góp của tác giả ở chỗ tôi tìm ra được một điểm trung dung giữa phương pháp dạy tiếng Việt như tiếng mẹ đẻ và phương pháp dạy tiếng Việt cho người nước ngoài.

Nó nằm giữa bởi đối tượng của chúng ta không hoàn toàn là những trẻ em người Việt. Bởi vì các con sinh ra và lớn lên thấm đẫm văn hóa quốc gia khác nhưng cũng không hoàn toàn là người nước ngoài. Bởi vì trong các con có một sợi dây nguồn gốc rất thiêng liêng, chắc chắn sẽ mang lại cảm xúc cho các con. Chính vì thế nên góc độ tiếp cận của tôi đầu tiên sẽ phải tạo được động lực cho các em nhỏ đến với tiếng Việt một cách rất tự nhiên. Đầu tiên phải cho các con cảm xúc. Tôi vui quá, dễ thương quá, đáng yêu quá, độc đáo quá và tiếng Việt giúp các em thể hiện được điều này, tức là thể hiện được bản thân. Tất cả những điều đấy là nhu cầu và dựa trên nền tảng đó mới bắt đầu thiết kế những hoạt động theo các chủ đề khác nhau.

Vốn từ mà chúng tôi cung cấp cho các cháu vừa đủ, không nó không quá căng thẳng nhưng rất sinh động và ngoài ra những hoạt động học, được thiết kế rất vui nhộn, hợp với lại các lứa tuổi từ 6 đến 15. Nghĩa là tài liệu này được viết dựa trên các hoạt động học, đồng thời định hướng phát triển năng lực của học sinh. Bao gồm những hoạt động nhóm, hoạt động cá nhân rồi các nhiệm vụ này khi thực hiện, tiếng Việt đi vào cuộc sống của các con một cách rất tự nhiên, giống như trò chơi, giống như nhiệm vụ hàng ngày.

Trong cấu trúc của “Chào tiếng Việt” bao giờ cũng có một câu chuyện được dẫn dắt xuyên suốt bằng các nhân vật để tạo cảm hứng cho các bạn học sinh người Việt ở nước ngoài. Ngoài Dế còn có chú mèo Nguyễn. Đấy là con mèo nhà tôi nuôi và đặt tên. Tôi đã nghĩ một chú mèo gốc Việt và kiến thức tiếng Việt nhìn qua lăng kính của một chú mèo sẽ rất đáng yêu và giảm tải được cảm giác căng thẳng khi phải học một thứ tiếng khá khó đối với các cháu.

Phóng viên: Như chúng ta quan sát các giáo trình dạy ngoại ngữ ở Việt Nam như dạy tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Nhật... đều theo thứ bậc khó dần lên nhằm đáp ứng tiến trình học tập của học viên. Các bộ giáo trình tiếng Việt cho trẻ em người Việt ở nước ngoài, trong đó có bộ “Chào tiếng Việt” có đi theo hướng này không, thưa TS?

TS. Nguyễn Thụy Anh: Thực ra các bộ khác tôi không rõ lắm. Nhưng tôi cho rằng các tác giả cũng sẽ biên soạn theo hướng đó. Với “Chào tiếng Việt” mới có được bộ sơ cấp, trình độ A. Tôi đang chuẩn bị ngữ liệu để đạt đến trình độ B, C là trung cấp, cao cấp. Mỗi một bộ như thế gồm 2 tập. Như bộ đầu tiên gồm 2 tập. Tập 1 nhan đề “Ra khơi” khơi gợi làm quen, đồng thời tạo được động lực cho các cháu tự muốn học tiếng Việt. Từ đây sẽ bước sang tập 2. Trong tương lai, chúng tôi cố gắng soạn được đủ 6 cuốn sách.

Dạy tiếng Việt theo cách để cho các em được sống trong môi trường tiếng Việt. Còn việc chuẩn hóa, đánh giá thi cử tôi nghĩ trong tương lai sẽ tiến đến. Nhưng ngay bây giờ mà đòi hỏi ngay câu chuyện cứ phải thi, phải chuẩn hóa rồi có bằng cấp… tôi nghĩ nó sẽ triệt tiêu mất cảm xúc, động lực đang hào hứng muốn học của các con. Bởi vì rõ ràng rằng việc học để biết, học để thể hiện mình, học để kết nối với cộng đồng, học để giao lưu cảm xúc… sẽ là một thái cực khác so với học để thi, để đạt được trình độ này nọ”.

Phóng viên: TS vừa chia sẻ,“Chào tiếng Việt” sẽ được xây dựng, phát triển theo cấp bậc. Những phần tiếp theo liệu có điều gì thú vị chị có thể bật mí chút ít?

TS. Nguyễn Thụy Anh: Chúng tôi sắp xếp các nội dung vẫn sẽ đảm bảo khung chương trình của Bộ Giáo dục và Đào tạo để sau này có thể đáp ứng được các cuộc thi đạt chứng chỉ. Tuy nhiên, vẫn tiếp cận ở góc độ trẻ em với các hoạt động học.

Mỗi một tập sau này ra đời đều có tên riêng với một câu chuyện riêng hoàn toàn, các bạn có thể tham gia vào bất kỳ một cuốn sách nào giống như cuộc phiêu lưu về tiếng Việt. Tức là không nhất thiết phải học theo trình tự từ tập 1 tập 2 rồi mới đến tập 3,4. Tập 1 tôi đặt là “Ra khơi”. Sau đó là “Khám phá”, tập 3 mang tên “Thử thách” có thêm chướng ngại vật nho nhỏ. Bởi vì khi bắt đầu học sâu dần sẽ cần tăng độ khó. Lúc đầu thấy vui và dễ, nhưng sau đó tăng thử thách, giúp cho các em vượt qua khó khăn từ trong giao tiếp đến ngữ pháp... Tiếp theo là “Kết nối” tạo ra liên kết giữa bố mẹ với con cái, quá khứ với hiện tại, trong nước và nước ngoài. Nghĩa là kết nối để phát triển.

Tập 5 mang tên là “Cống hiến”. Chúng ta không thể nào sống mà không cho đi, không có trách nhiệm nào đó với xã hội. Ở đây trách nhiệm với xã hội nơi các em và gia đình sinh sống đồng thời cũng có trách nhiệm với đất nước khi chúng ta mang trong mình dòng máu Việt. Và ở cấp độ cuối cùng, mỗi bạn trẻ lúc bấy giờ đã đến 15 tuổi, nhân vật anh Dế lúc này cũng đã 15 tuổi và con mèo rất hay ở điểm không biết bao nhiêu tuổi, có thể rất lớn và có thể rất là bé, vừa đáng yêu vừa dễ thương. Trưởng thành ở đây không chỉ về kỹ năng ngôn ngữ mà là những con người đa văn hóa, liên văn hóa, đa ngôn ngữ và trở thành những con người vừa là công dân thế giới nhưng đồng thời cũng mang trong mình sự sâu sắc của tiếng Việt và văn hóa Việt.

Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn tiến sĩ và một lần nữa chúc mừng giải thưởng cùng những dự định tiếp tục cho “Chào tiếng Việt”!.