Năm học 2024-2025, lứa học sinh cuối cùng vừa tốt nghiệp THCS theo chương trình phổ thông 2006 bước vào THPT, lấp đầy cả 3 khối học theo chương trình giáo dục phổ thông mới. Đứng trước việc lựa chọn tổ hợp môn lớp 10, học sinh, phụ huynh đều đang khá lo lắng, thậm chí còn hoang mang với lựa chọn mang tính quyết định nghề nghiệp tương lai.
Theo công bố của Bộ GD-ĐT về cấu trúc định dạng đề thi của kỳ thi tốt nghiệp, từ năm 2025, các thí sinh sẽ chỉ thi 4 môn, bao gồm 2 môn thi bắt buộc (Ngữ văn, Toán) và 2 môn lựa chọn (trong số các môn còn lại được học ở lớp 12). Và để học ở lớp 12 các em phải chọn từ lớp 10 và thay đổi chậm nhất ở đầu lớp 11.
Chọn nhóm môn học nào giữa các nhóm môn do các trường THPT tự xây dựng? Học ra sao để hiệu quả theo nội dung chương trình mới?...Rất nhiều câu hỏi được thầy Nguyễn Thành Nam, giảng viên Học viện kỹ thuật Quân Sự đồng thời có kinh nghiệm hướng nghiệp cho học sinh chia sẻ cùng phóng viên VOV2.
PV: Thưa thầy, thời điiểm này, công tác tuyển sinh vào 10 của nhiều trường trên cả nước vẫn đang triển khai. Dù là năm thứ 3 việc chọn môn triển khai ở bậc THPT nhưng với nhiều phụ huynh và học sinh thì đây là lần đầu tiên. Theo thầy đánh giá, việc lựa chọn nhóm môn học ở giai đoạn này có vai trò quan trọng ra sao?
Thầy Thành Nam: Tất nhiên đây là việc cực kỳ quan trọng đối với học sinh và phụ huynh bởi vì nếu mà chọn nhầm, chọn sai sẽ rất khó sửa về sau. Môn học tự chọn từ đầu được đưa điểm học bạ. Mặc dù Bộ Giáo dục và Đào tạo cho phép chuyển các môn tự chọn bằng cách học sinh tự học bổ sung những môn còn thiếu và các nhà trường sẽ tổ chức việc học lại cũng như kiểm tra, đánh giá và công nhận cho các em vào cuối lớp 10. Nhưng thực sự việc thay đổi trong thực tế rất khó và các trường phổ thông cũng không muốn điều đó. Cho nên các em và gia đình cố gắng phải chọn đúng ngay từ đầu.
Thứ hai, việc lựa chọn môn tự chọn liên quan tới cái cái việc tuyển sinh đầu vào các trường đại học về sau. Nếu chọn sai với mục tiêu vào đại học, học sinh sẽ không biết xoay xở thế nào. Trong khi mới lên lớp 10, cả học sinh và phụ huynh rất ít biết điều này.
Các trường đại học bây giờ có quá nhiều phương thức tuyển sinh, từ kết quả tốt nghiệp THPT quốc gia, kết quả các kỳ thi riêng... Trong khi các kì thi riêng lại rất phức tạp và liên quan tới nhiều môn thi tự chọn. Do đó, nếu mà ban đầu lựa chọn mà các bạn học sinh không tính đến các môn phù hợp yêu cầu sẽ rất khó thay đổi khi bước vào giai đoạn cần tính toán các phương thức xét tuyển đại học.
Chị Trần Thu Thảo (Phụ huynh đưa con nhập học vào 10 năm học 2024-2025): Tôi hoàn toàn bất ngờ về cách chọn tổ hợp như năm nay. Các phụ huynh khác cũng chưa có sự chuẩn bị về tinh thần chọn giữa 7 hay 8 tổ hợp, môn nọ môn kia nhưng cá nhân tôi chưa nhìn thấy cơ sở khoa học nào trong việc xây dựng các tổ hợp này. Như tôi biết thì các tổ hợp này phụ thuộc rất nhiều vào thực tế giáo viên của từng trường. Trường nào đông giáo viên Lý thì nhiều tổ hợp có Lý. Tôi cũng hỏi về việc đổi môn tự chọn nếu không phù hợp và nhà trường có nói sẽ hỗ trợ để các con đổi bằng việc tổ chức dạy học và đánh giá vào dịp hè lớp 10 lên lớp 11.
Cô Nguyễn Bội Quỳnh (Hiệu trưởng trường THPT Việt Đức, Hoàn Kiếm, Hà Nội): Khi các con đổi sang tổ hợp khác cần hết sức cân nhắc vì phải học bù lại kiến thức của bộ môn mới để đảm bảo tính liên thông, kết nối về kiến thức. Nhà trường sẽ bố trí dạy bù kiến thức này cho học sinh. Khi đổi hẳn sang tổ hợp khác thì số môn sẽ nhiều, 2 đến 3 môn thực ra sẽ rất khó để các con tiếp cận kiến thức trong những năm học tiếp theo. Trường THPT Việt Đức chỉ có 2 trường hợp xin đổi tổ hợp thì nhà trường tư vấn việc đổi sao để giảm số môn phải học bù.
Lựa chọn phải tính đến các kỳ thi riêng
PV: Xin thầy phân tích kỹ hơn về các môn tự chọn với việc đáp ứng các kỳ thi riêng nhằm xét tuyển vào các trường đại học từ năm 2025?
Thầy Thành Nam: Mới bước vào lớp 10, ít học sinh và phụ huynh nhìn thấy hoặc quan tâm để nhận ra sự phức tạp này. Ví dụ như kì thi tốt nghiệp THPT quốc gia từ năm 2025 sẽ gồm 2 môn bắt buộc là Toán và Ngữ văn cùng hai môn tự chọn. Chẳng hạn như một thí sinh định thi vào ngành tự động hóa, điểm đầu vào dựa trên kết quả tốt nghiệp THPT quốc gia thì chỉ cần chọn thêm 2 môn như Vật lý và Ngoại ngữ. Nhưng nếu ngành đó lại sử dụng kết quả thi riêng như kì thi của đại học Bách khoa Hà Nội, gồm cả những kiến thức khoa học như Hóa học và Sinh học đồng nghĩa sẽ thi cùng lúc rất nhiều môn. Nếu chọn các môn tự chọn từ lớp 10 không phù hợp với mục tiêu các kỳ thi đấy thì sau này các em sẽ cực kỳ khó khăn để vào học đúng ngành, đúng trường yêu thích.
Thêm một vấn đề nữa, môn tự chọn phải phù hợp với công việc học sinh sẽ làm trong tương lai, không phải chọn một cách tùy tiện. Ví dụ như các em làm kĩ sư công nghệ thông tin, ngoài việc thi các môn Toán, Ngoại ngữ thì rõ ràng chọn các môn tự chọn là tin học và công nghệ sẽ phù hợp cho công việc trong lĩnh vực khoa học công nghệ trong tương lai.
Tóm lại việc chọn môn tự chọn quan trọng bởi khó thay đổi về sau, bởi cần sự phù hợp với việc tuyển sinh đầu vào của đại học mà bạn muốn và phù hợp với nghề nghiệp trong tương lai. Do đó phụ huynh và các em cần phải xem xét rất cẩn thận ngay từ khi bước vào lớp 10.
PV: Hiện tại, có rất nhiều phụ huynh khi đăng ký học khi vào 10 cho con và đứng trước rất nhiều nhóm môn học. Vậy nguyên nhân nào dẫn đến tình trạng loạn nhóm môn học như hiện nay, thưa thầy?
Thầy Thành Nam: Đúng là ở đây có một sự hỗn loạn gây nhiều khó khăn cho cho cả học sinh cũng như công tác tuyển sinh đại học. Điều này giải thích tại sao bây giờ các đại học vẫn rất bối rối và phương thức tuyển sinh năm 2025 của nhiều trường cho đến thời điểm này vẫn chưa rõ ràng.
Chương trình giáo dục phổ thông mới 2018 ban đầu được thiết kế hướng nghiệp, đồng thời để các đại học dễ dàng tổ chức các hoạt động tuyển sinh của họ. Khi đó, môn tự chọn được tổ chức thành 3 nhóm rất rõ ràng. Nhóm thứ nhất, đó là bao gồm các môn khoa học tự nhiên gồm Lý, Hóa,Sinh; nhóm các môn khoa học xã hội gồm Địa, Sử, Kinh tế pháp luật; nhóm thứ ba có về Công nghệ, Tin học, Nghệ thuật. Các đại học có thể dựa vào các nhóm hay tổ hợp học sinh đã lựa chọn khi vào THPT để tuyển sinh. Tuy nhiên, sau đó khi môn Lịch sử thành môn bắt buộc đã phá vỡ cấu trúc ban đầu của chương trình giáo dục phổ thông mới về môn tự chọn. Bộ Giáo dục và Đào tạo buộc phải cho các trường tự tổ chức các môn tự chọn theo nhóm phù hợp với điều kiện của trường mình. Từ 3 nhóm môn thành cực kỳ nhiều nhóm môn đã tạo nên sự hỗn loạn và khó khăn trong lựa chọn.
PV: Và thưa thầy, việc để tổ chức các nhóm môn khác nhau tùy điều kiện thực tế của các trường phổ thông tác động tới tuyển sinh của các trường đại học cụ thể ra sao?
Thầy Thành Nam: Cấu trúc nhóm môn ban đầu bị phá vỡ, học sinh phải học theo rất nhiều nhóm khác nhau. Do đó nhiều trường đại học cũng đang bối rối và trong tâm thế chờ đợi nhau. Chờ thứ nhất chờ xem đề thi tốt nghiệp THPT sẽ được thiết kế có đáp ứng được điều kiện tuyển sinh đầu vào của các trường không? Thứ hai chờ những kỳ thi riêng, đặc biệt là những kỳ thi lớn như của đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh, Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Bách khoa Hà Nội…sẽ được tổ chức như thế nào, cấu trúc ra sao? Từ đó họ mới có thể đề xuất phương án tuyển sinh phù hợp cho các trường, đặc biệt những trường không tự tổ chức kì thi riêng. Trước tình hình này, các trường phổ thông tổ chức các môn tự chọn vẫn cứ căn cứ trên đề xuất ban đầu của chương trình giáo dục phổ thông 2018. Nhưng dù sao vẫn có sự hỗn loạn, khó khăn và chờ đợi từ nhiều phía.
PV: Vậy xin thầy lời khuyên cho các bạn học sinh vừa thi vào 10 nên chọn nhóm môn học như thế nào vừa để phù hợp đồng tránh tránh những rủi ro về sau?
Thầy Thành Nam: Đối với các bạn mà năm nay mới vào lớp 10, khi chọn môn tự chọn tôi lưu ý mấy điểm.
Thứ nhất môn tự chọn cần phù hợp với cơ cấu trí khôn và năng khiếu của mỗi bạn học sinh.Ví dụ như những bạn mà rất mạnh về tư duy logic sẽ phù hợp hơn với các môn khoa học kĩ thuật. Nhưng có những bạn lại phù hợp các môn khoa học xã hội hơn khi bạn có trí thông minh ngôn ngữ tốt, khả năng tương tác với mọi người, diễn đạt tốt…
Để biết được khả năng, năng khiếu của bản thân, các bạn có thể làm các bài trắc nghiệm tâm lý về tính cách, tâm lý rất nổi tiếng thế giới. Theo đó sẽ là việc lựa chọn các môn tự chọn phù hợp với mục tiêu vào đại học của các em. Ví dụ như em xác định ngay từ đầu sẽ sử dụng kết quả tốt nghiệp THPT để vào đại học thì có thể chọn môn học phù hợp ngoài 2 môn bắt buộc gồm Toán và Văn.
Tuy nhiên, nếu các em định tham gia tuyển sinh đại học từ các kỳ thi riêng của các đại học lại cần để ý xem cần thi thêm môn nào để từ đó chọn môn tự chọn trong suốt 3 năm THPT.
Sau khi chọn được các môn học phù hợp với hai yếu tố đầu rồi, các em nên chọn môn học phục vụ tốt nhất cho công việc trong tương lai. Ví dụ định học một nghề nào đấy liên quan đến nghệ thuật, rõ ràng các kiến thức về mỹ thuật về âm nhạc sẽ tốt cho phát triển nghề nghiệp tương lai nên các em cần học thêm hai môn đó.
Tuy nhiên, không phải học sinh muốn chọn môn nào cũng được. Bởi vì rõ ràng các trường phổ thông đề xuất những nhóm môn học theo điều kiện thực tế của họ nên đôi khi mình muốn nhưng không có. Trường hợp này mình cứ chọn tổ hợp nào phù hợp nhất với 3 yếu tố mà tôi đã phân tích ở trên sẽ hiệu quả. Ngoài ra các em vẫn có thể xác định học thêm bên ngoài để tự tin ở giai đoạn phải đứng trước rất nhiều kì thi cũng như nhiều phương thức xét tuyển khác nhau.
PV: Với học sinh 2k7, lứa đầu tiên học chương trình mới bậc THPT, năm học 2024-2025 là năm bản lề để bước vào đại học, xin thầy lời khuyên để sẵn sàng đón các phương án tuyển sinh?
Thầy Thành Nam: Học sinh 2K7 nhiều bối rối vì thời điểm các bạn chọn môn học, mọi chuyện còn quá mới mẻ, chưa rõ ràng. Các môn tự chọn các bạn đã chọn rồi. Môn thi tự chọn, các bạn chỉ cần đăng kí môn phù hợp với cách tuyển sinh đầu vào của đại học là được. Tuy nhiên hiện nay, phía các đại học vẫn chưa tìm ra được phương án tuyển sinh cụ thể. Vì vậy các bạn phải nghe ngóng xem trường đại học mình yêu thích sẽ xét tuyển môn nào? Về cơ bản mà nói, họ sẽ có xu hướng sử dụng các môn truyền thống của những năm học trước.
Những trường đại học có kỳ thi riêng, các em sẽ phải bám sát để cập nhật những thông tin mới. Khi ôn có thể xảy ra vấn đề những nhóm môn các bạn đã chọn từ trước chẳng hạn như đã chọn vật lý nhưng lại không chọn môn sinh học. Khi tham gia các kỳ thi riêng, các em sẽ gặp khó khăn vì không được học. Trường hợp này buộc phải chấp nhận hoặc bỏ phần bài làm đó hoặc chọn ngẫu nhiên và chấp nhận rủi ro.
Cách thứ hai, các em dành thời gian để học bổ sung những môn trong nhóm mà các em muốn thi. Và việc học này cũng chỉ nên tập trung vào những kiến thức căn bản thông qua các khóa dạy học trực tuyến hoặc ở các lớp dạy bên ngoài nhà trường. Thực ra các em cũng không cần quá lo lắng khi khó khăn không của riêng ai. Việc học hành chăm chỉ, nghiêm túc và có sự chuẩn bị tốt sẽ giúp các em có kết quả cao và thực hiện được những nguyện vọng của bản thân.
PV: Trân trọng cám ơn thầy!