Tính đến 17h ngày 20/8, thí sinh đã hoàn thành việc đăng ký, điều chỉnh nguyện vọng xét tuyển đại học. Theo số liệu thống kê của Bộ GD-ĐT, có 941,759 thí sinh đăng ký xét tuyển; Tổng số thí sinh đã nhập nguyện vọng là 616,522; với 3,098,730 nguyện vọng; Số lượng nguyện vọng trung bình theo thí sinh là 5.03.

Như vậy có hơn 300 nghìn thí sinh (chiếm gần 35%) không nhập nguyện vọng mặc dù đã đăng ký xét tuyển.

Nhận thức về tấm bằng ĐH đã thay đổi?

Con số gần 35% thí sinh không nhập nguyện vọng gây bất ngờ trong bối cảnh số lượng nguyện vọng, số lượt thí sinh đăng ký xét tuyển tương đối cao. Hơn nữa câu chuyện vào ĐH ở nước ta từ lâu khá được coi trọng.

Tuy nhiên, theo GS.TS Hoàng Anh Tuấn, hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội), đó là sự bất ngờ không quá khó hiểu vì đã có chỉ báo từ một số năm nay năm nay khi số lượng đăng ký vào ĐH sau khi thi tốt nghiệp THPT giảm đều. Đặt bối cảnh chung của giáo dục ĐH thế giới hướng tới sự phân luồng ngày càng rõ.

Con số 1/3 thí sinh không đặt nguyện vọng vào ĐH cho thấy xu hướng thực tế, thậm chí “thực dụng” trong lựa chọn ngành nghề. Nếu như nhiều năm trước việc học ĐH như trào lưu, giải quyết câu chuyện tương lai, thậm chí trong chừng mực nhỏ là danh vọng gia đình, dòng họ, có chút sĩ diện của cha mẹ, thí sinh. Những năm gần đây, trong bối cảnh nhiều vấn đề cộng hưởng dịch bệnh, kinh tế thì tính thực tế cao hơn. “Giả sử năm trước gia đình đang lưỡng lự thì có thể nghiêng về việc học ĐH, thì năm nay người ta dứt khoát hơn”.

Theo GS.TS Hoàng Anh Tuấn, dịch bệnh và khó khăn về kinh tế khiến người học thực tế hơn trong việc cân đo, đong đếm xem việc học ĐH sẽ giải quyết vấn đề gì trước mắt và lâu dài, tính chi phí học ĐH cộng với cơ hội triển vọng nghề nghiệp tương lai.

Một nguyên nhân nữa được hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn chỉ ra là khảo sát tỉ lệ sinh viên tốt nghiệp đi làm làm trái ngành trái nghề tương đối nhiều, các đơn vị khối công lập ngày càng ít, tư nhân ngày càng cao, làm tự do ngày càng nhiều. Thậm chí nhiều em học ĐH xong không cần dùng bằng ĐH mà có khi chỉ dùng kiến thức căn bản các em có, trau dồi thêm bằng chứng chỉ khóa đào tạo ngắn hạn bổ túc để làm việc.

Từ đó, suy nghĩ của người học thực tế hơn, thay vì học ĐH thì các em học CĐ, thậm chí học các khóa đào tạo để làm việc cụ thể rồi học tập tiếp bậc cao hơn khi cần thiết. Hơn nữa, học ĐH bây giờ không nhất thiết học chính quy mà học từ xa.

Nhìn nhận nguyên nhân khiến số thí sinh không đăng ký xét tuyển đại học tăng, thầy Đinh Đức Hiền, giáo viên hệ thống giáo dục HOCMAI cho rằng, lý do hàng đầu và chủ yếu đến từ nhận thức về kinh tế xã hội, về giá trị tấm bằng đại học, về năng lực bản thân của phụ huynh và học sinh đã đúng đắn, thực tế hơn. Do đó, rất nhiều thí sinh đã chọn học Cao đẳng, trung cấp nghề sau khi tốt nghiệp phổ thông.

“Hằng năm có 10% thí sinh chiếm 90.000-100.000 thí sinh chọn học nghề, năm nay tăng lên nhiều. Chúng ta là nước Á đông, dân tộc ta có truyền thống hiếu học, ăn sâu vào tiềm thức lựa chọn học nghề làm thợ chỉ là phương án thứ yếu nhưng nhận thức của người học đã có sự thay đổi. Nhiều phụ huynh HS nhận thức đúng đắn hơn về thành công, giá trị hạnh phúc đã thực tế và đúng đắn, phù hợp hơn.

Điều đó cũng cho thấy công tác hướng nghiệp tại các trường phổ thông đang ngày càng hiệu quả, chắc chắn chương trình GDPT 2018 triển khai tới đây với định hướng nghề nghiệp mạnh mẽ ở bậc THPT sẽ mang lại kết quả tốt hơn nữa”.

Tín hiệu tốt để nâng cao chất lượng ĐH

Theo thầy Đinh Đức Hiền, nguyên nhân nữa có thể kể đến như lượng học sinh du học có thể tăng sau thời gian dịch Covid-19, con số này trước dịch Covid khoảng hơn 20.000 thí sinh mỗi năm.

Học phí đại học tăng mạnh, trong khi cơ chế tín dụng cho sinh viên từ Nhà nước vẫn thiếu và yếu cũng là nguyên nhân khiến các em học sinh băn khoăn khi lựa chọn con đường của mình.

Đồng tình với quan điểm này, TS Nguyễn Đào Tùng, Chủ tịch Hội đồng trường Học Viện Tài Chính phân tích do ảnh hưởng của đại dịch covid 19, kinh tế nhiều gia đình khó khăn, học phí nhiều trường đại học có sự điều chỉnh tăng do vậy nhiều thí sinh chọn con đường đi làm hoặc học nghề để nhằm giải quyết bài toán trước mắt của gia đình.

Hơn nữa, sau dịch bệnh nền kinh tế tăng trưởng trở lại, các khu công nghiệp, nhà máy, dịch vụ, nhà hàng… đang có nhu cầu rất lớn đã thu hút đáng kể lao động phổ thông từ tháng 5 đến nay. Do vậy có một lượng thí sinh không nhỏ đã đi làm, hoặc học nghề mà không tham gia đăng ký nguyện vọng đại học.

Với 616,522 thí sinh đăng ký xét tuyển ĐH, GS.TS Hoàng Anh Tuấn cho rằng đây vẫn là con số tương đối ổn nhưng xu hướng này có thể tiếp tục diễn ra trong những năm tới.

Từ đó, câu chuyện sự sàng lọc với các trường ĐH tiếp tục được đặt ra. “Không thể đào tạo chỉ để có mà phải đảm bảo chất lượng, hiệu quả đầu ra. Một số trường phải tái cơ cấu nếu muốn tồn tại, thậm chí sát nhập, tích hợp các trường ĐH vì những trường năng lực kém không có vị thế xã hội, không có thương hiệu, không đảm bảo được chất lượng đào tạo sẽ bị triệt tiêu, bị loại khỏi cuộc đua ĐH”, GS.TS Hoàng Anh Tuấn cho rằng đây là tín hiệu tốt để nâng cao chất lượng ĐH.

Thí sinh và phụ huynh chưa hiểu rõ quy chế?

Theo TS Nguyễn Đào Tùng, năm nay thí sinh biết điểm rồi mới được đăng ký nguyện vọng. Những thí sinh mà có điểm dưới 17 điểm tìm trường đại học ưng ý để đăng ký là rất khó, do vậy những thí sinh này có xu hướng tìm hướng đi học nghề, hoặc đi làm lao động thủ công.

Một nguyên nhân nữa có thể là số lượng đăng ký nguyện vọng đại học của năm 2020, năm 2021 cao hơn so với năm 2022 vì được đăng ký nguyện vọng trước khi thi. Bởi vì đến khi có kết quả điểm thì nhiều em bị điểm liệt, nhiều em chưa tốt nghiệp hoặc điểm thi không cao… nhưng họ không thay đổi nguyện vọng ban đầu nên số lượng đăng ký vào đại học bị ảo.

TS Nguyễn Đào Tùng cho rằng cũng có thể do năm nay việc đăng ký nguyện vọng chỉ xét 1 lần với tất cả các phương thức xét tuyển nên nhiều thí sinh và phụ huynh chưa hiểu rõ để đăng ký; quy chế ban hành muộn; hệ thống tư vấn của các trường ban đầu cũng chưa hiểu hết quy chế nên phần nào ảnh hưởng đến kết quả tư vấn đăng kỳ nguyện vọng đại học.

Ngoài ra, theo ông Tùng còn có những lý do bất khả kháng mà chưa đăng ký được nguyện vọng xét tuyển đại học, đến ngày 20.8 thí sinh mới đăng ký thì bị lỗi mạng; thí sinh nghĩ mình đã đỗ phương thức khác rồi không đăng ký vào cổng của Bộ nữa… Về việc này, Bộ giáo dục và đào tạo đã thông báo sẽ hỗ trợ giải quyết để đảm bảo tối đa quyền lợi cho thí sinh./.

"Câu chuyện xét tuyển đợt 2 với các trường ĐH trong tình hình này, đặc biệt các trường từ nhóm giữa trở xuống sẽ diễn ra.

Việc tuyển bổ sung sẽ khó khăn hơn cho việc tổ chức đào tạo, học kỳ 1 bắt đầu tương đối muộn, có khi giữa tháng 10 mới bổ sung xong. Các trường về mặt tổ chức có thể gối sang học kỳ 2. Do vậy có thể kết thúc học kỳ 1 trễ.

Tuy nhiên dù gì các trường vẫn có thể xoay sở được, miễn tuyển được thí sinh chất lượng điểm đầu vào đạt ngưỡng cao, thí sinh có tâm huyết và nguyện vọng theo học".

GS.TS Hoàng Anh Tuấn