Nghề công tác xã hội trong giáo dục đặc biệt

Những em bé dưới 5 tuổi gặp phải tình trạng chậm về ngôn ngữ hoặc có những bất thường trong cử chỉ, cách thức giao tiếp xã hội ở Trung tâm giáo dục trẻ em Ngày mới hôm nay có một buổi học tập trung. Vẫn những món đồ chơi thường thấy ở các lớp mẫu giáo nhưng các cô sẽ phải tổ chức cho các con nhận diện, gọi tên hoặc có khi chỉ đơn giản biết chào, biết phát ra những từ ngữ có nghĩa. Tất cả những thay đổi của từng học sinh theo Ths. Nguyễn Thị Hà, Phó Giám đốc Trung tâm Ngày mới là niềm vui khôn tả với cả cha mẹ và giáo viên của trung tâm.

“Nhiều cô giáo bật khóc khi học sinh của mình bật lên tiếng mẹ, tiếng cô. Các bố mẹ xem lại clip các cô ghi lại có khi chỉ bộc lộ bằng nụ cười, bằng niềm vui. Còn các cô sẽ là nước mắt. Bởi vì công việc quá khó khăn, có những bạn phải mất đến hàng năm để có thể nói được một từ. Mà ngày nào cũng vẫn phải kiên trì bền bỉ với nhau từng chút từng chút với niềm hi vọng và nhiều khi rơi vào trạng thái thất vọng”, Ths. Nguyễn Thị Hà chia sẻ.

Ngồi ở tầng 1 suốt buổi sáng chờ con tan học, chị P., một phụ huynh đã bỏ hẳn việc chỉ để đồng hành cùng con trên hành trình học nói. 18 tháng tuổi, con chị vẫn chưa thể nói được từ nào. Ban đầu nghe người nọ người kia nói đến những khái niệm như tự kỷ, chậm phát triển, cần can thiệp đặc biệt…chị P. cũng không thừa nhận, cố gắng để thay đổi thực tế. Nhưng rồi linh cảm làm mẹ cộng thêm kinh nghiệm nuôi 2 đứa con lớn, chị tìm kiếm thông tin và đưa con đến trung tâm Ngày mới.

Thời gian đầu đưa con đến lớp, chị P. kể rằng mình có may mắn khi con vào lớp, mẹ cũng được tư vấn, trò chuyện để hiểu tình trạng của con, chuẩn bị sẵn sàng tâm thế đồng hành cùng con lâu dài. Hơn 6 tháng đã trôi qua, sự thay đổi của con đã hơn cả mong đợi với người mẹ này

“Cháu đã nói được các từ đơn, biết gọi mẹ, còn các từ ghép thì chắc cần thêm thời gian. May mắn là con mình được đưa đến trung tâm đúng thời điểm và các can thiệp có hiệu quả. Bạn bè mình có những người con 3,4 tuổi rồi nhưng bố mẹ không chấp nhận tình trạng thực đã làm mất đi giai đoạn quan trọng để can thiệp. Mình phải cám ơn các thầy cô vì những hỗ trợ cho cả hai mẹ con”, chị P. rưng rưng chia sẻ.

Trung tâm giáo dục Trẻ em Ngày mới có chức năng nghiên cứu, ứng dụng khoa học Tâm lý trong can thiệp sớm và trị liệu tâm lý phát triển cho trẻ em có 5 cơ sở với hơn 70 cán bộ nhân viên. Cán bộ, nhân viên làm việc tại trung tâm thuộc 3 chuyên ngành đào tạo gồm Tâm lý, Giáo dục đặc biệt và Công tác xã hội.

Các bạn chuyên ngành tâm lý và giáo dục đặc biệt sẽ làm việc trực tiếp với trẻ, còn những bạn học công tác xã hội chủ yếu làm việc với phụ huynh, hướng dẫn cha mẹ các em trong việc tìm kiếm các môi trường giáo dục hòa nhập tại các trường phổ thông, đăng ký chứng nhận tình trạng của con em mình tại phường xã và các cơ sở y tế…

Việc quan trọng nữa chính ở việc giúp các phụ huynh điều chỉnh xáo trộn trong gia đình khi có một đứa trẻ cần được can thiệp giáo dục đặc biệt. Không ít bố mẹ không chấp nhận sự thật về tình trạng con em mình gặp phải, giấu giếm, bao bọc hoặc có thể bỏ mặc đứa trẻ…

Và ngay tại trung tâm, cán bộ công tác xã hội còn tham gia hỗ trợ ngay chính các đồng nghiệp làm việc trực tiếp với trẻ có vấn đề đặc biệt về tâm lý. Nhiều cháu khi đến lớp khóc liên tục. Việc dỗ dành, bồng bế của giáo viên không đem lại hiệu quả nào. Có nhiều giáo viên nửa đêm choàng tỉnh bởi ám ảnh tiếng khóc của học sinh trong suốt những tháng ngày làm việc.

Chị Hà với vai trò là nhân viên CTXH những lúc này sẽ ngồi lại cùng các đồng nghiệp trực tiếp dạy trẻ, chia sẻ, động viên cũng như hỗ trợ tinh thần giúp các cô bình tâm trở lại công việc và giữ được bình tĩnh, nhẫn nại để từng chút từng chút thêm hi vọng cho các phụ huynh ngày ngày đưa con em đến lớp.

Từ những đứa trẻ gặp vấn đề trong phát triển, đặc biệt về tâm lí như ở Trung tâm Ngày mới, Ths. Thu Nga cho rằng các em sẽ giảm bớt cơ hội can thiệp sớm nếu bố mẹ không nhận thức đúng, không có những chỉ dẫn, đồng cảm cũng như kết nối các nguồn lực để hỗ trợ từ những người có chuyên môn. Và họ không ai khác chính là những người làm công tác xã hội giữ vai trò kết nối.

Công tác xã hội, nghề có đặc thù riêng

Trực tiếp giảng dạy cũng như đưa sinh viên thực tập ngành học công tác xã hội trong nhiều năm, Th.s Vũ Thị Thanh Nga, giảng viên khoa Khoc học Xã hội và Nhân văn, trường Đại học Thủ đô Hà Nội; Giám đốc Trung tâm tham vấn học đường và can thiệp sớm khá thường xuyên gặp những câu hỏi nhằm phân biệt công việc của người làm công tác xã hội với một số ngành nghề có điểm tương đồng, giao thoa và đôi khi người không có chuyên môn sâu rất dễ nhầm lẫn.

Tại các bệnh viện, công tác xã hội khá rành mạch khi có hẳn đội ngũ thực hiện hỗ trợ bệnh nhân nghèo, khó khăn thông qua các kênh kết nối. Tuy nhiên, khi xuất hiện ở trường học, trong các phòng tham vấn học đường thì công việc này thường kiêm nhiệm hoặc được hiểu là các chuyên gia tâm lý. Tuy nhiên, đây là chuyên ngành khác nhau, có những điểm giao thoa, nhưng chức năng, nhiệm vụ tách biệt nhau và mang tính hỗ trợ nhau. Thực tế thì vai trò của cán bộ công tác xã hội có những đặc thù rất riêng.

Công tác xã hội sẽ rộng hơn so với tư vấn tâm lý. Nếu chuyên gia tư vấn tâm lý chuyên cung cấp các dịch vụ về tư vấn tâm lý thì công việc của nhân viên công tác xã hội trong trường học bao gồm cả những lĩnh vực liên quan, đến những mối quan hệ lên cá nhân. Ví dụ vấn đề khó khăn của học sinh trong bối cảnh gia đình, cán bộ công tác xã hội sẽ không chỉ làm việc với học sinh tại trường học mà còn xuất hiện trong bối cảnh gia đình, trong cộng đồng nhằm kết nối các nguồn lực cùng giải quyết hoặc kết nối để chuyển giao trong những ca khó như với đơn vị bảo vệ trẻ em đối với những trường hợp các em bị xâm hại, bạo hành…

Cục Nhà giáo, Bộ GD-ĐT đang tiến hành là xây dựng vị trí việc làm cho nhân viên tư vấn trong trường học gồm cả người tốt nghiệp ngành tâm lý học và người học ngành công tác xã hội.

"Nếu một phòng tham vấn tâm lý có đủ cả hai cán bộ thuộc hai chuyên ngành tâm lý và công tác xã hội sẽ tạo nên sự hoàn hảo trong việc hỗ trợ làm tốt công tác tham vấn. Tuy nhiên, trong điều kiện hiện nay rất khó để thực hiện được điều này. Một cán bộ ở phòng tham vấn thường sẽ kiêm nhiệm cả hai vị trí", Th.s Nga chia sẻ.

Từ thực tế này đã dẫn tới tình trạng các khóa sinh viên ra trường làm việc đúng chuyên môn vẫn chiếm một tỷ lệ khiêm tốn. Theo thống kê từ trường đại học Thủ đô Hà Nội qua 5 năm đào tạo chỉ khoảng 50% được làm đúng chuyên ngành đào tạo.

Trong 29 ngành đào tạo tại đại học Thủ đô Hà Nội hiện tại, công tác xã hội và một vài ngành nữa thuộc nhóm ngành trẻ so với khối ngành Sư phạm có truyền thống và bề dày. PGS.TS Vũ Công Hảo, Trưởng khoa Khoa học xã hội và Nhân văn, Đại học Thủ đô Hà Nội việc tuyển sinh cho ngành công tác xã hội còn gặp nhiều khó khăn. Nguyên nhân chính từ sự thiếu thông tin hoặc hiểu nhầm, hiểu sai từ phụ huynh và học sinh.

“Nhiều người đánh đồng người làm công tác xã hội với người làm công tác hòa giải ở tổ dân phố hay phường xã. Mà những người này thì chỉ cần có kinh nghiệm sống, cách thức chia sẻ, lắng nghe tâm tư còn không cần đến việc học đại học 4 năm. Nhưng thực tế công việc và nhu cầu của xã hội thì công tác xã hội giữ vai trò rất lớn và họ cần phải được cung cấp các kiến thức và kỹ năng cần thiết để làm nghề”, PGS.TS Vũ Công Hảo phân tích.

Dù đầu ra của ngành vẫn còn những khó khăn nhưng ông Hảo tin tưởng rằng theo xu hướng vận động của xã hội, tiệm cận các quốc gia phát triển, ngành công tác xã hội sẽ từng bước khẳng định được vị trí. Trước mắt, sinh viên tốt nghiệp vẫn dễ dàng tìm được việc ở các tổ chức phi chính phủ, các doanh nghiệp xã hội thực hiện các dự án cộng đồng hoặc công tác tại các trung tâm hỗ trợ trẻ em cần can thiệp đặc biệt hoặc người cao tuổi. Mức thu nhập hiện tại của các cán bộ xã hội ở những vị trí công tác này không thấp.

Còn về phía nhà trường, ở cương vị phụ trách đào tạo trực tiếp, PGS.TS Vũ Công Hảo khẳng định sẽ cùng đội ngũ giảng viên nỗ lực hơn nữa trong đổi mới đào tạo, cập nhật kiến thức cũng như rèn luyện kỹ năng để sinh viên ra trường có khả năng đáp ứng nhanh công việc cũng như tâm thế đón nhận xu thế phát triển của nghề công tác xã hội.

Mời các bạn bấm nút nghe nội dung về nghề công tác xã hội trong môi trường học đường: