Vừa trình bày xong sản phẩm máy lọc nước DIVISION của nhóm mình trước hội đồng giám khảo, Lê Văn Hạnh học lớp K65 khoa Kỹ thuật môi trường, sinh viên năm cuối trường ĐH Xây dựng Hà Nội cho biết đây là lần thứ 2 em tham gia Nghiên cứu khoa học.
Với Hạnh, việc tham gia nghiên cứu khoa học giúp ích rất nhiều cho việc học của em vì nó cho em nhiều kiến thức bên ngoài chứ không chỉ có kiến thức trên giảng đường. Quá trình thi công sản phẩm ở ngoài những phần cơ khí, điện…chính là môi trường thực tế cho các em tham khảo kinh nghiệm lắp đặt sản phẩm, hoàn thiện sản phẩm và đưa sản phẩm ra thị trường. Khi tham gia nghiên cứu khoa học hay các cuộc thi liên quan đến ý tưởng khởi nghiệp cũng đòi hỏi mỗi bạn sinh viên bên cạnh kiến thức kỹ thuật phải có kiến thức về kinh tế, từ kiến thức lý thuyết trên giảng đường đại học đưa ra thực tế sẽ thấy rõ những thuận lợi và khó khăn thế nào.
Nói về lý do lựa chọn chế tạo máy lọc nước, Hạnh bày tỏ mong muốn của nhóm em là có thể đưa sản phẩm ra phục vụ con người và sức khỏe cộng đồng trên quy mô rộng vì Việt Nam nhiều nơi chưa có nước sạch để dùng. Vì thế sau khi tham gia cuộc thi cả nhóm sẽ tiếp tục hoàn thiện sản phẩm, hạ giá thành để đưa sản phẩm ra thị trường phục vụ được tất cả mọi người trong cộng đồng.
Trịnh Quốc Cường, sinh viên năm thứ 5, khoa Kỹ thuật Môi trường, trường ĐH Xây dựng Hà Nội cho biết: Do nhu cầu công việc từ thực tế khi đi làm các doanh nghiệp thường yêu cầu trình độ kỹ sư bậc 7 nên em quyết định học thêm để có bằng kỹ sư thay vì dừng lại ở hệ cử nhân. Đam mê mê kỹ thuật công nghệ, từ năm 2022 em đã tham gia nghiên cứu khoa học, tài của em là nghiên cứu về khí sinh học tận dụng làm khí đốt. Theo Cường kiến thức học ở trường rất quan trọng giúp mình tiếp cận với thực tế.
Nhóm nghiên cứu của Hạnh và Cường may mắn có thầy Đinh Viết Cường chuyên gia về lĩnh vực máy lọc nước hỗ trợ hướng dẫn nên các em kế thừa được những công nghệ đã có và phát triển lên. Tuy nhiên quá trình thực hiện đề tài còn nhiều khó khăn vì các em đang là sinh viên phải cân đối giữa học và nghiên cứu. Những sản phẩm đầu tiên sản xuất ra không hẳn tốt ngay mà phải cải tiến dần, có những lỗi phải khắc phục. Tuy nhiên khát vọng sáng tạo cống hiến đã khiến cả nhóm làm việc quên ngày đêm. Cường mong muốn sản phẩm máy lọc nước DIVION của nhóm em sau khi được chỉnh sửa hoàn thiện sẽ sớm được thương mại hóa.
Tham gia cuộc thi sáng tạo khởi nghiệp do Trường ĐH Xây dựng Hà Nội tổ chức, Nguyễn Thùy Dương và Nguyễn Thùy Linh sinh viên khoa truyền thông đa phương tiện Học viện Phụ nữ Việt Nam cho biết: Các em đều có niềm đam mê mãnh liệt với khởi nghiệp nên khi biết trường ĐH Xây dựng Hà Nội có cuộc thi này đã đăng ký với mong muốn đưa dự án sản xuất nước rửa bát từ cây xà phòng của nhóm đi tham gia. Tuy nhiên cả team đều học truyền thông nên phần kỹ thuật hơi kém, phải nhờ sự hỗ trợ của các menter và những bên có sự hiểu biết rộng về kỹ thuật giúp sản phẩm của nhóm hoàn thiện hơn.
Xuất phát từ cá nhân người thân hàng ngày bị dị ứng vì sử dụng chất tẩy rửa làm cho da tay kích ứng mẩn đỏ, với mong muốn bảo vệ bàn tay cho bản thân em và các bà, các mẹ, các chị hàng ngày phải làm nhiệm vụ chăm lo cho gia đình, sản phẩm nước rửa bát từ cây xà phòng đã được nhóm nghiên cứu và triển khai bài bản. Đây là sản phẩm đến từ thiên nhiên thân thiện với sức khỏe và môi trường. Sản phẩm từng đạt quán quân ở cuộc thi khởi nghiệp ở trường ĐH Kinh tế quốc dân nên các em rất tự tin khi đem đề tài đi thi đấu ở các cuộc thi khác. Nhóm đang tiếp tục cải tiến quy trình để giảm giá thành và đưa sản phẩm ra thị trường thương mại hóa.
Theo ban giám khảo: Sản phẩm nào tham gia chương trình cũng đều còn những thiếu sót nhỏ cần khắc phục. Tuy nhiên, mỗi năm các sản phẩm đến với cuộc thi đều có những bước tiến lớn và có nhiều ưu điểm để tiến tới thương mại hóa. Còn với những thí sinh tham gia cuộc thi, từ những góp ý của ban giám khảo và của các chuyên gia, các em tự đúc rút kinh nghiệm cho bản thân, hiểu thêm về tài chính doanh thu và bên cạnh đó có thêm kỹ năng khác để hoàn thiện bản thân mình.
GSTS Nguyễn Hoàng Giang – Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Xây dựng Hà Nội, trưởng ban giám khảo cho biết: Các nhóm nghiên cứu càng ngày càng gắn với thực tiễn. Các nhóm nghiên cứu được các thầy cô đồng hành hướng dẫn có cơ hội triển khai thực tiễn nên tính ứng dụng vào thực tiễn rất lớn. Các nhóm đến thời điểm hiện tại đều có sản phẩm, không chỉ yếu tố ý tưởng mà nổi bật là vấn đề công nghệ. Các cuộc thi hiện nay có định hướng là cạnh tranh công nghệ nên cần sáng tạo và có tính chuyên môn cao cái đó tạo ra sự khác biệt lớn và hiện nay xu thế này ngày càng được đẩy mạnh.
Hỗ trợ sinh viên trong hoạt động sáng tạo là định hướng chính của trường ĐH Xây dựng Hà Nội. Ngoài việc các thầy cô, các khoa hướng dẫn sinh viên thì bây giờ các doanh nghiệp cũng đồng hành cùng các bạn.
“Sinh viên tham gia nghiên cứu khoa học nhìn thấy hình ảnh mình không chỉ ở mặt chuyên môn mà còn nhìn thấy mình là một doanh nhân. Bởi quá trình nghiên cứu lắp đặt hoàn thiện sản phẩm các em phải tính toán cả chi phí lãi lỗ. Với sự hỗ trợ của các thầy hướng dẫn kết nối để doanh nghiệp đầu tư cho sản phẩm ngay từ đầu thì các em thể hiện rõ năng lượng làm việc thực tế. Đây cũng là những trải nghiệm thú vị của các nhóm khi phát triển sản phẩm để tham gia và được giải các dự án quốc tế. Điều đó giúp các bạn bắt nhịp và triển khai ứng dụng kiến thức vào thực tiễn phát huy hiệu quả rất rõ do đó trường ngày càng đầu tư vào lĩnh vực này rất lớn”, GSTS Nguyễn Hoàng Giang khẳng định.
PGSTS Nguyễn Việt Phương, trưởng phòng KHCN, trường ĐH Xây dựng Hà Nội chia sẻ: Trường ĐH Xây dựng Hà Nội có định hướng phát triển thành trường ĐH nghiên cứu nên rất quan tâm đến các hoạt động NCKH của giảng viên và sinh viên. Trong thời gian qua kết quả nghiên cứu của giảng viên đã đạt nhiều kết quả ấn tượng: Công bố quốc tế đứng thứ hạng cao, sáng chế nằm trong top 5 toàn quốc. Dự án nghiên cứu khoa học từ các nguồn vốn trong nước và quốc tế cũng có tỷ trọng lớn trong nguồn thu của nhà trường. Bên cạnh đó nhà trường rất quan tâm đến các hoạt động nghiên cứu sáng tạo đổi mới khởi nghiệp của học sinh, sinh viên. Các hoạt động này diễn ra trong nhiều năm qua và tiêu biểu là cuộc thi khởi nghiệp Huditech đem lại những dự án, những công trình và là cơ hội cho sinh viên từng bước khởi nghiệp. Các hoạt động NCKH đã được ứng dụng và đưa vào chương trình đào tạo ĐH và sau ĐH, từ đó nâng cao chất lượng đào tạo của trường giúp trường giữ được vai trò, vị thế của cơ sở GDĐH hàng đầu trong lĩnh vực cơ sở hạ tầng xây dựng Giao thông, kiến trúc… tham gia đóng góp cho sự phát triển đất nước trong thời kỳ mới.