Các con số gần đây cho thấy doanh số lĩnh vực bán dẫn và vi mạch điện tử tăng lên một cách nhanh chóng. Năm 2022, doanh thu ngành mang lại xấp xỉ 600 tỷ USD và dự đoán sẽ tăng lên đạt 1000 tỷ USD vào năm 2030. Triển vọng phát triển ngành chip tuy đã giảm 25% vào đầu năm 2023 nhưng được dự báo có thể phục hồi vào năm 2024 và tăng khoảng 25%. Dự báo với mức tăng trưởng kép trong những năm sắp tới sẽ góp phần thúc đẩy doanh số các ngành bán dẫn toàn cầu đạt 1000 tỷ USD vào năm 2030.
Trong những năm tới số lượng nhà máy mới sản xuất sản phẩm điện tử nâng cao đi vào hoạt động với khoảng 50 nhà máy mới vào năm 2030, trong đó 12 nhà máy sẽ đi vào hoạt động năm 2026. Đông Nam Á và nhất là Việt Nam sẽ là khu vực có tăng trưởng lớn nhất so với khu vực khác. Hiện nay đang có xu thế thay đổi, dịch chuyển các nhà máy, doanh nghiệp ngành bán dẫn đến Việt Nam. Vì vậy, Việt Nam đang có tiềm năng và cơ hội to lớn trở thành trung tâm tăng trưởng mạnh của ngành bán dẫn và vi mạch.
Lễ ký kết thỏa thuận hợp tác giữa Samsung Electronics Hàn Quốc và trường Đại học Công Nghệ, Đại học Quốc Gia Hà Nội trong đào tạo nguồn nhân lực lĩnh vực bán dẫn và vi mạch đã diễn ra sáng nay 31 tháng 1 tại Hà Nội. Tham dự buổi lễ có PGS.TS Phạm Bảo Sơn, Phó Giám đốc ĐHQG Hà Nội, lãnh đạo trường ĐH Công nghệ ĐHQGHN, về phía Hàn Quốc có ông Son Sik Kim(Sunsig Kim) cố vấn Điều hành, Samsung Electronics, ông Chang-Yong Kim, Phó Tổng Giám đốc, Samsung Electronics, ông Chi Won Sok (Jiwon Suk), TGĐ TT Nghiên cứu và Phát triển Samsung Việt Nam, ông Yong Sop Kim (Yong-sup Kim), Phó TGĐ Tổ hợp Samsung Việt Nam.
Theo biên bản ký kết, Tập đoàn Samsung sẽ tài trợ học bổng cho những sinh viên của trường ĐH Công nghệ theo học bậc học thạc sỹ định hướng về bán dẫn và vi mạch (Chương trình học bổng VNU- Samsung Technology Track V-STT), Sinh viên theo học sẽ được đào tạo chuyên sâu về các chuyên ngành công nghiệp bán dẫn như thiết kế vi mạch tích hợp, vật liệu bán dẫn, sản xuất và phân tích chất bán dẫn. Sinh viên học xong chương trình sẽ được làm việc trực tiếp trong lĩnh vực Chip/ bán dẫn tại công ty Samsung trụ sở tại Hàn Quốc.
Tại lễ ký kết, PGS.TS Phạm Bảo Sơn, Phó Giám đốc Đại học QGHN chia sẻ: "Các thiết bị sử dụng linh kiện vi mạch và bán dẫn đang len lỏi vào hầu hết các mặt của đời sống. Hiện diện từ các thiết bị gia dụng hàng ngày đến các thiết bị điện tử công nghiệp hiện đại, cao hơn là hàng không vũ trụ và thiết bị quân sự tân tiến đều sử dụng các thiết bị linh kiện bán dẫn đặc biệt là IC chip. Điều đó nói lên tầm quan trọng của thiết bị bán dẫn và vi mạch trong cuộc sống của chúng ta."
PGS.TS Phạm Bảo Sơn cho biết: Tại Việt Nam, sự vào cuộc mạnh mẽ và huy động nguồn lực to lớn đầu tư cho ngành bán dẫn và vi mạch điện tử của chính phủ Việt Nam đã đang làm Việt Nam trở thành điểm sáng cho nghiên cứu, thiết kế, chế tạo, đóng gói các linh kiện bán dẫn và vi mạch điện tử. Quy mô tăng trưởng ngành tại Việt Nam dự báo đạt 6,12% trong giai đoạn 2022- 2027, sẽ mở rộng tăng quy mô thị trường lên khoảng 1,65 tỷ USD. Đồng thời có sự gia tăng đầu tư của doanh nghiệp nước ngoài FDI vào ngành công nghiệp bán dẫn trong nước. Điều này minh chứng cho tiềm năng phát triển tại Việt Nam thúc đẩy các hợp tác đầu tư , đào tạo, chuyển giao công nghệ ngành công nghiệp bán dẫn tại Việt Nam.
Tuy nhiên để đáp ứng được nhu cầu và đòi hỏi cao của ngành công nghiệp bán dẫn trong thời gian sắp tới thì nguồn lực con người có tay nghề và chất lượng cao đang được rất quan tâm và tạo điều kiện. Bằng chứng là Việt Nam đặt mục tiêu 2030 đào tạo được 50.000 kỹ sư chất lượng cao về vi mạch bán dẫn. Việt Nam cũng thành lập Trung tâm đào tạo bán dẫn Việt Nam (VSHE) dưới sự hợp tác của Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia (NIC), Tập đoàn FPT và tổ chức chuyên gia công nghệ Mỹ TreSemi.
Cách đây không lâu, chính phủ Hàn Quốc cũng đã phê duyệt dự án xây dựng cụm bán dẫn lớn nhất thế giới tại tỉnh Kyunggi vào năm 2047 khi Samsung Electronics, SK Hynix và các công ty chip khác có kế hoạch đầu tư tổng cộng 622 nghìn tỷ won (471 tỷ USD). Đây là minh chứng cho tiềm lực và tham vọng lớn của Hàn Quốc trở thành trung tâm bán dẫn lớn nhất thế giới, đặc biệt là Samsung Electronics là một trong những nhà sản xuất chip nhớ lớn nhất Hàn Quốc và thế giới. Tại Việt Nam, Samsung đã trở thành nhà đầu tư lớn nhất với tổng vốn đầu tư đã vượt quá 20 tỷ USD.
Hiện nay, Việt Nam có khoảng 35 cơ sở đào tạo có các chuyên ngành về đạo tạo vi mạch điện tử, bán dẫn và các ngành liên quan, 11 trường có chương trình đào tạo truyền thống sát với lĩnh vực này. Đại học Quốc gia Hà Nội là đơn vị đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực với sứ mệnh thực hiện nghĩa vụ quốc gia đang triển khai 20 ngành liên quan đến bán dẫn như: Điện tử viễn thông, Kỹ thuật điện tử, kỹ thuật máy tính, công nghệ thông tin, cơ điện tử…Đặc biệt là trường Đại học Công nghệ với đội ngũ chuyên gia hàng đầu thực hiện đào tạo các khâu như: thiết kế, chế tạo, đóng gói, kiểm thử và phát triển các ứng dụng trong chuỗi giá trị bán dẫn.
Hợp tác giữa Nhà trường và Doanh nghiệp là một trong những chiến lược quan trọng trong việc không ngừng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đặc biệt trong công nghiệp công nghệ cao. Xác định được tầm quan trọng đó, Trường Đại học Công nghệ - ĐHQGHN và công ty Samsung Electronics Hàn Quốc từng bước triển khai chương trình hợp tác VNU-Samsung Tech Track (V-STT), với nỗ lực thúc đẩy phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao trong ngành công nghiệp bán dẫn, đáp ứng nhu cầu thực tiễn của doanh nghiệp.
Sự kiện này có ý nghĩa to lớn trong bối cảnh Việt Nam đang đẩy mạnh phát triển, đào tạo nhân lực chất lượng cao cho ngành vi mạch điện tử và bán dẫn. Hợp tác đào tạo với doanh nghiệp lớn như Samsung electronics mang lại cơ hội và giá trị to lớn trong việc đào tạo bài bản các cử nhân, thạc sỹ, tiến sỹ có trình độ cao cả về lý thuyết và thực hành trong tương lai đáp ứng nhu cầu của đất nước và thế giới.
Đại học Quốc gia Hà Nội (VNU) giao cho Trường Đại học Công nghệ thực hiện ký kết và triển khai hợp tác đào tạo nguồn nhân lực bán dẫn và vi mạch cùng Samsung Electronics- Công ty bán dẫn hàng đầu thế giới có ý nghĩa thúc đẩy tăng cường hợp tác chiến lược giữa 2 quốc gia như cam kết của chính phủ Việt Nam và Hàn Quốc ký năm 2023.