Nhân kỷ niệm ngày Khoa học công nghệ Việt Nam, chiều 15/5, Đại học Quốc gia Hà Nội tổ chức Hội nghị Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo năm 2025. Đây là dịp để ghi nhận, tôn vinh các nhà khoa học tiêu biểu và đánh giá kết quả nổi bật trong hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trong năm 2024-2025.
Hội nghị có sự tham gia của đại diện Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Khoa học công nghệ, các nhà khoa học của ĐHQGHN và các doanh nghiệp có hợp tác với ĐHQGHN.

Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội, GS.TS Lê Quân khẳng định: phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số đang là yếu tố quyết định phát triển của các quốc gia, là bước đi chiến lược để Việt Nam tận dụng cơ hội và vượt qua thách thức trong kỷ nguyên số.
Là trung tâm đào tạo, nghiên cứu, chuyển giao tri thức đa ngành, đa lĩnh vực, chất lượng cao, trình độ cao, Đại học Quốc gia Hà Nội đóng vai trò dẫn dắt, nòng cốt trong hệ thống giáo dục đại học Việt Nam. Cam kết tiếp tục đẩy mạnh triển khai Chương trình hành động theo Nghị quyết 57-NQ/TW, trong đó lấy đổi mới sáng tạo làm trọng tâm, kết nối hiệu quả ba chủ thể: nhà trường, nhà khoa học và doanh nghiệp để thúc đẩy chuyển giao tri thức, sản phẩm khoa học và công nghệ vào thực tiễn, ĐHQG Hà Nội coi đây là nhiệm vụ chiến lược, là trách nhiệm của cơ sở giáo dục tiên phong, đồng hành cùng đất nước trong việc hiện thực hóa các mục tiêu lớn về phát triển khoa học và đổi mới sáng tạo trong thời đại số.
Trong giai đoạn 2024-2025, hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo của ĐHQGHN đã đạt được nhiều kết quả, đặc biệt là việc thành lập Công viên công nghệ cao và đổi mới sáng tạo (VNU-TIP) - nơi tập trung các viện nghiên cứu, doanh nghiệp khoa học và công nghệ, nhóm chuyên gia hàng đầu trong và ngoài nước, hướng đến phát triển các lĩnh vực như trí tuệ nhân tạo, bán dẫn, công nghệ sinh học, y tế và nông nghiệp công nghệ cao.

Mới đây, Đại học Quốc gia Hà Nội cũng đã thành lập Viện Bán dẫn và Vật liệu tiên tiến trực thuộc VNU-TIP là đơn vị chủ lực trong nghiên cứu, thiết kế, chế tạo chip, vi mạch và vật liệu bán dẫn , góp phần xây dựng năng lực lõi cho ngành công nghệ cao tại Việt nam. Viện Công nghệ Lượng tử - là đầu mối nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao công nghệ lượng tử tiên tiến, hướng đến xây dựng nền tảng khoa học cho kỷ nguyên AI. Cùng với đó, việc thành lập Viện Nghiên cứu ứng dụng Trí tuệ nhân tạo trong Phát triển bền vững là đầu mối kết nối các nghiên cứu ứng dụng AI trong bảo vệ môi trường, kinh tế xanh, xã hội công bằng, đô thị thông minh và sức khỏe cộng đồng.
Hiện nay ĐHQGHN đang triển khai bốn chương trình khoa học và công nghệ trọng điểm trong các lĩnh vực then chốt như công nghệ vi mạch bán dẫn, dược liệu y học, sinh học tổng hợp và khoa học cơ bản, hướng đến giải quyết các bài toán lớn của đất nước và doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, ĐHQGHN đã đề xuất danh mục 17 sản phẩm công nghệ chiến lược với tổng kinh phí khoảng 100 tỷ đồng, tập trung vào các lĩnh vực mũi nhọn như công nghệ chip và bán dẫn, công nghệ sinh học, vật liệu mới, trí tuệ nhân tạo và robot. Đây là những lĩnh vực được kỳ vọng sẽ tạo nên những bước đột phá trong khoa học và công nghệ quốc gia.
Tại hội nghị, Đại học Quốc gia Hà Nội đã công bố thỏa thuận, hợp đồng hợp tác triển khai nhiệm vụ khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo với các doanh nghiệp đối tác: Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa VN (VINASME), Công ty cổ phần Tập đoàn MK, Công ty cổ phần tập đoàn Seed, Công ty TNHH Tổ hợp y tế Phương Đông... Những thỏa thuận này thúc đẩy cơ chế hợp tác linh hoạt, thiết thực, tạo điều kiện thuận lợi để thương mại hóa các sản phẩm khoa học công nghệ, hình thành và vận hành hiệu quả các mô hình doanh nghiệp khoa học công nghệ (spin-off) trong môi trường đại học.
Tại Hội nghị, ĐHQG Hà Nội cũng chính thức công bố Quyết định thành lập Viện Bán dẫn và Vật liệu tiên tiến, Viện Công nghệ lượng tử, Viện Nghiên cứu ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong phát triển bền vững trực thuộc Công viên công nghệ cao và đổi mới sáng tạo. Các viện nghiên cứu này được kỳ vọng sẽ kiến tạo hệ sinh thái liên kết chặt chẽ giữa nghiên cứu, đào tạo, chuyển giao công nghệ và đổi mới sáng tạo.
Trong khuôn khổ hội nghị, lãnh đạo Đại học Quốc gia Hà Nội đã trao Giải thưởng Đại học Quốc gia Hà Nội về khoa học và công nghệ năm 2024 cho nhóm tác giả thuộc Viện Vi sinh vật và Công nghệ sinh học với công trình “Nghiên cứu xử lý đồng thời amoni và COD trong nước thải bằng quá trình Feammox”. Giải thưởng được tổ chức 3 năm/1 lần nhằm khích lệ, tôn vinh những công trình hoặc cụm công trình khoa học và công nghệ xuất sắc, với mức kinh phí trao thưởng là 50 triệu đồng/công trình.
Nhân dịp này, gần 150 nhà khoa học có thành tích xuất sắc trong nghiên cứu khoa học năm 2024 được nhận Bằng khen của Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội.
